Đến năm 1974, qua các đợt hoạt động của quân và dân ta trên chiến trường, tình hình quân ngụy Sài Gòn ở miền Nam ngày càng bị động, lúng túng về tác chiến và xây dựng lực lượng, trong khi viện trợ của Mỹ ngày càng giảm nên về trang bị và sức chiến đấu của chủ lực VNCH bị giảm sút.
Về ta, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1974, quân và dân ở miền Nam tiếp tục giành được những thắng lợi rất quan trọng trên mặt trận quân sự, chính trị và chống phá bình định của địch, qua đó tạo ra thế và lực mới cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đến tháng 1/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Đồng thời, ta còn dự kiến một phương án cực kỳ quan trọng: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Xác định hướng tiến công chiến lược và nhiệm vụ cụ thể của từng chiến trường, Bộ Chính trị yêu cầu phải chủ động đón thời cơ chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng tác chiến trên cả hai hướng chiến lược: Tây Nguyên (trọng tâm là Nam Tây Nguyên) là hướng chiến lược quan trọng, chủ yếu; miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng. Đánh chiếm được Tây Nguyên sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền và điều kiện thuận lợi để ta tổ chức các chiến dịch tiếp theo, thực hiện chia cắt địch về chiến lược và phát triển nhanh về Sài Gòn.
Ngày 9/1/1975, Thường trựcQuân ủy Trung ương họp quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên. Tại Hội nghị, ý định giải phóng Buôn Ma Thuột hình thành rõ rệt và Chiến dịch Tây Nguyên chính thức được quyết định mở với mật danh “Chiến dịch 275”.
Tây Nguyên là vùng chiến lược quan trọng, vì vậy địch rất chú trọng hoạt động quân sự nhằm đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ vùng núi xuống đồng bằng. Dọc theo đường 14 là hệ thống các căn cứ quân sự, trong đó có các căn cứ cấp sư đoàn và quân đoàn được tổ chức vững chắc thành tuyến phòng ngự cơ bản làm nòng cốt cho hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên.
Lực lượng địch ở Tây Nguyên gồm Quân đoàn 2 thuộc Quân khu 2 (Sở chỉ huy đặt ở Pleiku) và lực lượng tăng cường gồm Sư đoàn 23 bộ binh và 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 1 lữ đoàn tăng thiết giáp, 230 pháo lớn, 1 sư đoàn không quân. Đến trước ngày ta nổ sung mở màn chiến dịch, địch bố trí tập trung 8/10 trung đoàn ở Bắc Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum), còn khu vực phía Nam Tây Nguyên (nhất là Buôn Ma Thuột) được xem như là hậu phương, bố trí lực lượng mỏng hơn.
Sau khi hạ quyết tâm mở Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và chỉ định các đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Khu ủy Khu 5 cử đồng chí Bùi San, Phó Bí thư Khu ủy và đồng chí Nguyễn Cần, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đi cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo các tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong chuẩn bị cũng như trong tác chiến. Bộ phận đại diện của Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng chủ trì cũng được đặt tại Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm các sư đoàn bộ binh (10, 320, 316, 3 và 968); bốn trung đoàn bộ binh (25, 29B, 271, 95A); Trung đoàn đặc công 198; hai tiểu đoàn đặc công (14, 27); hai trung đoàn pháo binh (40, 675); ba trung đoàn phòng không (232, 234, 593); Trung đoàn xe Tăng Thiết giáp 273; hai trung đoàn công binh (7, 575); Trung đoàn thông tin 29; Trung đoàn ô tô vận tải và lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chien-dich-tay-nguyen-249264.html
Bình luận (0)