Sáng 17/2, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các ý kiến tại tổ và 18 ý kiến tại hội trường hôm nay đều nhằm mục tiêu có một nghị quyết thật chất lượng, khả thi và có tính cách mạng, giải quyết một số vấn đề cấp bách, để bước đầu tạo ra ngay sự phát triển đột phá, tạo động lực về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để thực hiện được ngay Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết, về tên gọi của nghị quyết, cơ quan soạn thảo xin đề xuất tên gọi mới: Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nghị quyết không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn, mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt, thuộc thẩm quyền Quốc hội, về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, các vấn đề cấp bách, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57.
Theo Bộ trưởng, tháng 5 tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề về thể chế, chính sách và cơ chế cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được nghiên cứu tiếp thu khi hoàn thiện các luật này.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo nghị quyết sẽ nghiên cứu đưa ra khỏi nghị quyết một số chính sách cần thêm thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện các mặt tác động, ví dụ như chính sách về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN.
Về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu KHCN, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu; về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài. Gốc của vấn đề là Nhà nước muốn tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu, và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao, như các nghiên cứu cơ bản.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.
Theo Bộ trưởng, nghiên cứu lại có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Do đó, dự thảo Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Dự thảo Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.
"Hi vọng với những chính sách, cơ chế đặc biệt này, với việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có chính sách, cơ chế quản lý khác nhau, tạo thông thoáng cho cả 2, thì chi ngân sách nhà nước cho KHCN đang là 1% sẽ tăng lên tối thiểu 2% như quy định của Luật KHCN, và có hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Chính sách mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, theo Bộ trưởng, đây đang là điểm nghẽn lớn kéo dài. Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa thì mới góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu, để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp.
Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà. Vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ KHCN cao hơn, đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước với các khoản chi KHCN.
Về hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lúc này cần nhất là nhanh, là đầu tư trước; Nghị quyết 57 có chủ trương Nhà nước phải tham gia đầu tư hạ tầng số. Để đẩy nhanh việc đầu tư các tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, để đi những hướng tuyến khác ngoài khu vực Biển Đông, nhằm tăng tính bền vững cho hạ tầng viễn thông, dự thảo Nghị quyết cho phép chỉ định thầu.
Về dịch vụ viễn thông vệ tinh tầm thấp, đây là công nghệ mới, phủ sóng băng rộng cho vùng sâu, vùng đồi núi rất hiệu quả, để thu hút đầu tư nước ngoài, dự thảo Nghị quyết cho phép thí điểm với sở hữu nước ngoài tới 100%, nhưng phải đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Về chuyển đổi số quốc gia, cũng cần nhất một chữ "nhanh", nhất là cho 2 năm 2025-2026 để tạo nhanh các nền tảng và động lực cho chuyển đổi số quốc gia trong những năm sau. Dự thảo Nghị quyết cho phép cơ chế chỉ định thầu với một số loại dự án chuyển đổi số. Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục giới hạn rõ hơn những trường hợp chỉ định thầu để tránh bị lạm dụng, cũng như bổ sung các quy định về kiểm toán và hậu kiểm.
Về công nghiệp bán dẫn, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là ngành công nghiệp chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này. Trong đó khó nhất là nhà máy sản xuất, nhất là nhà máy sản xuất đầu tiên, rất quan trọng cho nghiên cứu, chế thử các chip được thiết kế ở Việt Nam, rất quan trọng cho việc sản xuất các chip chuyên dùng của Việt Nam, đặc biệt là cho quốc phòng an ninh; và rất quan trọng cho đào tạo nguồn nhân lực.
Nhà máy quy mô nhỏ này khoảng dưới 1 tỷ USD, giống như một phòng thí nghiệm hơn là nhà máy, đáng nhẽ Nhà nước nên đầu tư toàn bộ. Nhưng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và vận hành, dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư.
Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất mức hỗ trợ cao hơn, tới 50%, nếu làm nhanh hơn, và tối thiểu là 30%; cho phép doanh nghiệp dùng quỹ KHCN để đầu tư vì đây là dự án nghiên cứu phát triển chứ không phải kinh doanh thuần túy; cho phép doanh nghiệp trích quỹ KHCN cao hơn 10% trong một số năm để đầu tư nhà máy.
Vietnamnet.vn
Bình luận (0)