(LĐXH) – Chính phủ Trung Quốc đưa ra những sáng kiến nhằm giải quyết tình trạng phân biệt tuổi tác trong hoạt động tuyển dụng.
Quản lý dự án David Li, 34 tuổi, sống tại thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc chưa được thăng chức sau 5 năm làm việc tại công ty công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc công ty không đánh giá cao anh. Công việc của anh có thể đang gặp rủi ro.
Nỗi sợ mất việc khiến anh thường xuyên làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày trong năm 2024 để chứng minh với cấp trên rằng anh vẫn có khả năng làm thêm giờ. Vào cuối tuần, anh luôn sẵn sàng nhận cuộc gọi và xử lý các yêu cầu công việc bất chợt như làm slide thuyết trình.
Anh Li không phải là người duy nhất cảm thấy lo lắng trong công việc. Sự bất an của người lao động Trung Quốc khi bước qua tuổi 35 ngày càng gia tăng khi vấn đề “lời nguyền tuổi 35”, tức sự phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh kinh tế chậm lại.
Chính phủ Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề chính sách tuyển dụng có xu hướng thiên về tuổi tác của các nhà tuyển dụng bằng cách nâng giới hạn tuổi tuyển dụng vào các vị trí công chức từ 35 lên 40, thông qua việc điều chỉnh độ tuổi tham gia kỳ thi công chức.
Trong khi sự chững lại trong sự nghiệp tại Trung Quốc xảy ra khá sớm ở tuổi 35, kịch bản này không xảy ra ở các quốc gia như Singapore, nơi độ tuổi trung bình mà sự nghiệp bắt đầu chững lại là 48, theo khảo sát năm 2020 của công ty tuyển dụng Randstad.
Vào tháng 10/2024, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo sẽ nâng giới hạn độ tuổi từ 35 lên 40 cho những người tham gia kỳ thi công chức quốc gia để gia nhập các cơ quan chính phủ trung ương.
Các nhà phân tích cho rằng, việc thay đổi giới hạn tuổi thi công chức cũng là bước đi nhằm chuẩn bị để chính phủ Trung Quốc tiếp nhận những lao động bị ảnh hưởng bởi chính sách tuổi tác của các nhà tuyển dụng và sự chậm lại của nền kinh tế.
Động thái này cũng gửi thông điệp tới các công ty tư nhân, khuyến khích họ nâng giới hạn độ tuổi tuyển dụng.
Nỗi lo về việc bước sang tuổi 35 đã trở nên phổ biến đến mức vào năm 2023, một ngôi chùa ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, bị chỉ trích vì chỉ nhận người xuất gia dưới 35 tuổi.
TS Jane Du, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc Soas ở London (Anh) nhận định, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cố gắng thu hút lao động trên 35 tuổi như một giải pháp tạm thời.
“Nếu “lời nguyền tuổi 35” vẫn tiếp diễn trong bối cảnh sa thải lao động hàng loạt do kinh tế chậm lại và hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19 thì có thể ngày càng khó để những lao động có kinh nghiệm hoặc được đào tạo bài bản tái hòa nhập thị trường lao động khi mất việc trong thời gian dài”, bà nói.
“Trung Quốc cũng có thể đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong những năm tới do dân số ngày càng giảm. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính hiệu quả và sự đóng góp của lực lượng lao động hiện tại”, bà Du cho biết thêm.
Chính phủ đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 63 đối với nam giới, áp dụng từ tháng 1 năm nay. Đối với phụ nữ làm việc văn phòng, tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 58, trong khi phụ nữ lao động chân tay có thể làm việc đến 55 tuổi, so với 50 trước đây.
Các nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại về triển vọng việc làm kém khả quan đối với một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp sau đại học sẽ gia nhập thị trường lao động trong những năm tới, do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Các trường đại học ở Trung Quốc đã mở rộng quy mô tuyển sinh các chương trình sau đại học để cho phép sinh viên học cao hơn nhằm giảm áp lực việc làm trong giai đoạn đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến 2023. Dự kiến, có kỷ lục 12,2 triệu sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động vào năm 2025.
Tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố đối với nhóm tuổi từ 16 đến 24 là 16,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm tuổi từ 25 đến 29 là 6,7%. Đối với nhóm tuổi từ 30 đến 59, tỷ lệ này là 3,8%.
GS Pei Xiaomei của Đại học Thanh Hoa hy vọng, các tổ chức công khác như các trường đại học và trung tâm nghiên cứu sẽ noi gương kỳ thi công chức quốc gia. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ lo lắng về việc mình đã quá tuổi để ứng tuyển vào các vị trí trong các viện nghiên cứu hoặc cơ sở giáo dục bởi giới hạn độ tuổi tuyển dụng hiện nay là 35.
Hầu hết nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc tốt nghiệp ở độ tuổi cuối 20 hoặc đầu 30, tùy thuộc vào chuyên ngành. “Nếu những sinh viên này được coi là tinh hoa của đất nước, họ nên có cơ hội công bằng hơn để đạt những công việc mà họ đã được đào tạo”, GS Pei chia sẻ.
GS Liu Erduo cho rằng, để Chính phủ thực sự hòa nhập những người trên 35 tuổi vào khu vực công cần có sự thay đổi trong văn hóa. Dẫu vậy, động thái nâng giới hạn tuổi thi công chức quốc gia nhằm giải quyết “lời nguyền tuổi 35” của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ từ người dân.
Một hashtag liên quan đến chủ đề này đã thu hút 13,6 triệu lượt xem và tạo ra 2.141 cuộc thảo luận, trở thành một trong những chủ đề nóng nhất hồi tháng 11/2024 trên Weibo.
Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi về hiệu quả của sự thay đổi này. Một cư dân mạng cho rằng, sự thay đổi “có thể chỉ mang tính thủ tục” vì các nhà tuyển dụng có thể tự động loại trừ các ứng viên trên 35 tuổi. “Sẽ rất dễ để nhà tuyển dụng tìm lý do chọn ứng viên trẻ hơn”, cư dân mạng từ tỉnh Hồ Nam viết trên Weibo.
Đức Hoàng (theo Straits Times)
Báo Lao động và Xã hội số 8
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/trung-quoc-no-luc-xoa-bo-phan-biet-tuoi-tac-trong-tuyen-dung-20250117110800681.htm