Trung Quốc nắm giữ 33.000 tấn vàng
Trên Kitco, nhà sáng lập FlyingFrisby – Dominic Frisby – cho rằng, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ cao gấp 10x lần so với con số được công bố công khai. FlyingFrisby là một tổ chức có trụ sở tại London chuyên đầu tư vào các thị trường, trong đó có vàng.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc đang trong giai đoạn mua vàng trên diện rộng, với việc tăng lượng dự trữ vàng trong 12 tháng qua. Cụ thể, theo WGC, Trung Quốc đang thống trị thị trường vàng thế giới với hoạt động mua vào rất mạnh. Riêng trong tháng 10/2023, Trung Quốc mua thêm 23 tấn, giá trị khoảng 1,5 tỷ USD.
Cũng theo WGC, tới cuối tháng 10, Trung Quốc đã mua thêm 204 tấn vàng so với đầu năm và nâng tổng dự trữ vàng lên 2.215 tấn, tổng giá trị hơn 140 tỷ USD.
Mặc dù dẫn đầu về lượng vàng tích lũy và nhập khẩu vượt trội trong 10 tháng đầu năm 2023, nhưng ông Dominic Frisby nói với Michelle Makori, Trưởng nhóm và Tổng biên tập tại Kitco News rằng, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số công bố.
Ông Dominic Frisby cho rằng, Trung Quốc có thể đang nắm giữ 33.000 tấn vàng, tương đương khoảng 2.086 tỷ USD. Con số này cao gấp khoảng 15 lần so với con số mà WGC đưa ra dựa trên những số liệu được chính Trung Quốc công bố.
Theo Frisby, Trung Quốc có tham vọng cực kỳ lớn. Theo chuyên gia này, Trung Quốc là nước sản xuất và nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, nhưng phương châm của họ là “không được tỏa sáng quá rực rỡ”.
Frisby tính toán, trong thế kỷ 21, Trung Quốc đã khai thác được khoảng 7.000 tấn vàng. Hơn 50% hoạt động khai thác vàng của Trung Quốc được thực hiện bởi các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước và Trung Quốc không xuất khẩu vàng mà họ khai thác. Vì vậy, tất cả số vàng này được tích trữ trong nước.
Về khía cạnh nhập khẩu, không có con số chính xác về số lượng vàng Trung Quốc mua từ Thụy Sĩ, Dubai hay London, nhưng Frisby đưa ra một số con số ước tính. Theo đó, Frisby nhấn mạnh về việc có rất nhiều vàng được chuyển tới Trung Quốc thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Chuyên gia này khẳng định, có 22.000 tấn vàng đã được rút ra khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải trong thế kỷ này.
Bên cạnh đó, có khoảng 4.000 tấn vàng nữa thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc ở thời điểm năm 2000.
Tổng cộng, Frisby ước tính Trung Quốc đang nắm giữ ít nhất 33.000 tấn vàng và một nửa trong số đó có thể thuộc sở hữu nhà nước. Số lượng vàng này gấp 4 lần số lượng vàng Mỹ đang có.
Trước đó, đầu tháng 11, Hội đồng vàng Thế giới cho rằng, Trung Quốc đang thống trị thị trường vàng thế giới với hoạt động mua vào rất mạnh. Dự kiến lượng vàng ngân hàng trung ương các nước mua ròng trong năm 2023 đạt mức kỷ lục mới. Tuy nhiên, những con số mà WGC đưa ra khá nhỏ bé, là số liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố và được WGC trích lại.
Các nước chạy đua mua vàng, giá có thể lên 3.000 USD/ounce
Không chỉ Trung Quốc, ngân hàng trung ương nhiều nước khác cũng đẩy mạnh mua vàng trong bối cảnh thế giới bất định, khủng hoảng địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, thị trường chứng khoán nhiều nước chao đảo. Dòng tiền tìm đến các kênh an toàn, trong đó có đồng USD và vàng.
WGC nâng dự báo cho rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ thiết lập một kỷ lục mua ròng vàng mới trong năm nay, cao hơn kỷ lục của năm 2022. Trong 10 tháng, các nước đã mua 800 tấn vàng, trị giá gần 51 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2022, các ông lớn này đã mua một lượng vàng kỷ lục 1.135 tấn.
Nhiều chuyên gia thừa nhận một xu hướng, Trung Quốc có thể xem xét hỗ trợ đồng Nhân dân tệ bằng vàng. Đây cũng là một yếu tố có thể đẩy giá vàng tiếp cận mức 3.000 USD/ounce (khoảng 90 triệu đồng/lượng) trong năm 2024.
Với mức giá thế giới như trên, giá vàng tại Việt Nam có thể lên 100 triệu đồng/lượng.
Cơn sốt mua vàng trên phạm vi toàn cầu khá rõ nét kể từ đầu năm tới nay, được thể hiện ở ngay động thái của các ngân hàng trung ương những thị trường mới nổi.
Trên thực tế, từ lâu, vàng luôn được xem là kênh trú bão khi thế giới có nhiều bất ổn. Điều này càng được khẳng định khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mâu thuẫn Nga – Ukraine nổ ra và gần đây là Israel-Hamas, lạm phát toàn cầu tăng vọt, nợ các nước liên tục tăng cao và hệ thống ngân hàng toàn cầu bất ổn…
Trước đó, một số tổ chức cũng dự báo rằng, vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 USD/ounce, tương đương năm 1980, khi lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu và bất ổn ở Trung Đông.
Một số quỹ vàng cũng nhận định, vàng sẽ bước vào một “thị trường giá lên mới”, với mức giá vượt quá 2.100 USD/ounce ngay trong năm 2023.
Thực tế, trong vài phiên gần đây, giá vàng tăng vọt và đang trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD liên tục suy giảm. Chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – giảm mạnh từ mức 106 điểm xuống ngưỡng 104 điểm. Mỹ vừa công bố lạm phát thấp hơn dự báo, củng cố niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng thêm lãi suất. Chuyên gia từ BofA BofA Global Research cho rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã kết thúc.