Không dễ để định vị hướng đi của thị trường vàng thế giới năm 2025 một cách chắc chắn, bởi đơn giản là có quá nhiều điều chưa rõ. Nhưng kịch bản giá vàng đạt hoặc vượt mốc 3.000 USD/ounce đã được nghĩ tới.
Không dễ để định vị hướng đi của thị trường vàng thế giới năm 2025 một cách chắc chắn, bởi đơn giản là có quá nhiều điều chưa rõ. Nhưng kịch bản giá vàng đạt hoặc vượt mốc 3.000 USD/ounce đã được nghĩ tới.
Có dự báo cho rằng, giá vàng thế giới có thể vượt ngưỡng 3.100 USD/ounce trong năm nay |
Vàng cho thấy được sức bật trong hỗn loạn
Chỉ khi các chính sách kinh tế và đối ngoại của ông Donald Trump khi trở lại nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai (chính quyền Trump 2.0) được định hình, thì triển vọng vàng sẽ trở nên bớt u ám hơn. Nền kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ, chính sách nới lỏng liên tục của các ngân hàng trung ương lớn và môi trường địa – chính trị căng thẳng có thể thúc đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa. Ngược lại, nếu các chính sách của ông Trump thúc đẩy lạm phát và gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu, thì vàng có thể chịu áp lực.
Nhìn lại thị trường vàng trong 4 năm Tổng thống Trump tại nhiệm (2017 – 2021), các cuộc chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị và thậm chí là bóng ma xung đột quốc tế đều thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô đến vàng – một biện pháp phòng ngừa bất ổn đã được kiểm chứng theo thời gian.
Giá vàng thế giới đã tăng vọt để ứng phó với một loạt cú sốc địa – chính trị và kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Ít ai có thể dự đoán được giá vàng tăng hơn 53% tính đến lúc ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào tháng 1/2021, lên 1.841 USD/ounce (từ mức 1.208 USD vào đầu nhiệm kỳ). Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng với tốc độ trung bình 13%/năm. Mức tăng này là một phần của xu hướng chung làm nổi bật vai trò của vàng như một khoản đầu tư “trú ẩn an toàn” trong thời kỳ bất ổn.
Thị trường vàng phải đối mặt với rủi ro hai chiều trong năm 2025 khi chính sách tiền tệ của Fed, chính sách kinh tế và đối ngoại của ông Trump và diễn biến địa – chính trị trở thành động lực chính.
Với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, giới phân tích cho rằng, ngọn lửa đầu cơ vào vàng có thể bị thổi bùng, đẩy giá lên mức cao kỷ lục mới. Theo một nghiên cứu mới đây của Goldman Sachs, căng thẳng thương mại leo thang và lo ngại về tính bền vững của bảng cân đối tài chính Mỹ có thể góp phần thổi bùng ngọn lửa giá vàng trong năm 2025.
Vàng đạt mức giá kỷ lục trong ngày là 2.790 USD vào cuối tháng 10/2024, khi Hội đồng Vàng thế giới cảnh báo trong báo cáo xu hướng nhu cầu hàng quý rằng, thị trường đã khuất phục trước hội chứng tâm lý FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội). Kể từ đó, giá đã giảm trở lại trong suốt tháng 11/2024 và giao dịch quanh mức 2.690 USD trong tuần thứ ba của tháng 1/2025, theo dữ liệu của sàn giao dịch trực tuyến Kitco.
Goldman Sachs lưu ý rằng, nhu cầu cơ bản mạnh mẽ đối với vàng miếng sẽ tiếp tục được ghi nhận ở các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa dự trữ của mình sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đóng băng tài sản của Nga như một biện pháp trừng phạt liên quan chiến sự Nga – Ukraine. Một số ngân hàng trung ương coi vàng là tài sản trung lập hơn về mặt chính trị, không thể bị các quốc gia đóng băng vì rủi ro địa – chính trị.
Cũng theo Goldman Sachs, dòng chảy đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cũng sẽ đẩy giá lên cao do dòng vốn theo chu kỳ từ các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư của họ trước tác động dự báo của việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất xuống còn 3,25 – 3,5% trong thời gian tới.
Hiện tại, Goldman Sachs ước tính rằng, rủi ro địa – chính trị có thể thúc đẩy các nhà đầu cơ quay trở lại khi nhóm chuyển giao của ông Trump tiếp tục gây sốc cho thị trường bằng các chính sách phi truyền thống và các cuộc bổ nhiệm các thành viên nội các. Điều này có thể đẩy giá vàng lên 3.150 USD/ounce khi các nhà đầu cơ bắt đầu đặt cược vào việc liệu nền kinh tế Mỹ có gây áp lực lên các đối tác thương mại của mình bằng các mức thuế trừng phạt mới hay không, trong bối cảnh đất nước này ngày càng phải vật lộn để gánh chịu các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Khoản thâm hụt ngân sách 1.830 tỷ USD trong năm tài chính 2024 của Mỹ cần phải được đáp ứng bằng cách vay thêm. Điều này có thể gây ra lạm phát nếu Fed buộc phải mua thêm trái phiếu kho bạc Mỹ bằng USD mới in.
Đáng nói là, Mỹ tiếp tục ghi nhận thâm hụt ngân sách 86,7 tỷ USD trong tháng 12/2024, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính. Mặc dù giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức thâm hụt tháng 12 khiến tổng mức thâm hụt trong quý đầu tiên năm tài chính 2025 của Mỹ lên 710,9 tỷ USD, tăng khoảng 200 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 39,4%. Ngân sách liên bang Mỹ cho năm tài chính 2025 được thực hiện từ ngày 1/10/2024 đến ngày 30/9/2025.
“Nỗi lo ngại về lạm phát và rủi ro tài chính gia tăng có thể thúc đẩy đầu cơ và dòng tiền ETF tăng cao hơn. Trong khi đó, mối lo ngại về tính bền vững của nợ công tại Mỹ có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương, đặc biệt là những ngân hàng nắm giữ lượng lớn dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ, mua nhiều vàng hơn”, các nhà phân tích Goldman Sachs nhận định.
Chưa hết, các yếu tố đặc thù có thể thúc đẩy hoạt động mua vàng, như việc các ngân hàng trung ương chủ động quản lý phân bổ dự trữ vàng hoặc nhu cầu của họ tăng tại các thị trường trang sức quan trọng như Ấn Độ, thì việc giá vàng tăng mạnh và liên tục trong thời kỳ bất ổn thường được coi là một “cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm” đối với USD như một tài sản lưu trữ giá trị, cũng như các loại tiền pháp định khác.
Năm 2025 đối diện rủi ro hai mặt
Thị trường vàng phải đối mặt với rủi ro hai chiều trong năm 2025 khi các quyết định về chính sách tiền tệ của Fed, chính sách kinh tế và đối ngoại của ông Trump và các diễn biến địa – chính trị trở thành động lực chính.
Ở kịch bản bi quan, việc hạ nhiệt căng thẳng địa – chính trị ở Trung Đông và/hoặc giải quyết được cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể dẫn đến đợt điều chỉnh giảm mạnh giá vàng, xét đến mức độ hưởng lợi của kim loại quý này từ những cuộc xung đột này trong suốt năm 2024.
Cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump cho thấy, chính quyền Trump 2.0 sẽ tập trung vào các chính sách trong nước và có thể không ưu tiên các vấn đề quốc tế. Về vấn đề này, ông Trump có thể sẽ tích cực tìm cách khởi xướng một quá trình giải quyết trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai.
Một xu hướng “diều hâu” trong triển vọng chính sách của Fed có thể gây áp lực lên giá vàng năm nay. Nếu các nỗ lực kéo giảm lạm phát không thu nhiều kết quả, cộng với sự không chắc chắn gia tăng xung quanh triển vọng lạm phát, đặc biệt là nếu ông Trump tiếp tục tăng thuế quan, có thể khiến các quan chức Fed kiềm chế việc hạ dần lãi suất. Trừ khi có sự suy thoái đáng kể trên thị trường lao động, Fed có thể áp dụng lập trường kiên nhẫn hơn mà không lo lắng về khả năng gây ra suy thoái.
Hơn nữa, hiệu suất của nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu vàng năm 2025. Trong trường hợp ông Trump tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, Trung Quốc có thể trả đũa và điều này dẫn đến nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại khác giữa hai siêu cường kinh tế. Do đó, nền kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – có thể tác động tiêu cực đến giá vàng.
Còn với kịch bản tích cực, việc tiếp tục nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu có thể giúp giá vàng tăng cao hơn trong năm nay.
Nếu không có cú sốc lạm phát, Fed có thể tiếp tục giảm đều lãi suất chính sách, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi vào xu hướng giảm và thúc đẩy giá vàng thế giới tăng. Ngay cả khi Fed trở nên miễn cưỡng cắt giảm lãi suất, thì vàng vẫn có thể nắm bắt được dòng vốn chảy ra khỏi đồng euro và bảng Anh, và vẫn kiên cường chống lại USD, nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh nới lỏng chính sách một cách mạnh mẽ.
Nền kinh tế Trung Quốc đang cải thiện cũng có thể tác động tích cực đến giá vàng. Vào đầu tháng 12/2024, một cuộc họp của các quan chức hàng đầu Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh đang có kế hoạch áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng phù hợp” vào năm 2025, cùng với chính sách tài khóa chủ động hơn, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tin tốt cho Trung Quốc là lạm phát hàng năm, được đo bằng sự thay đổi trong Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), đã giảm xuống còn 0,2% vào tháng 11/2024. Do đó, Trung Quốc có thể kích thích nền kinh tế mà không cần quan tâm đến lạm phát.
Nhu cầu của các ngân hàng trung ương là một trong những chất xúc tác chính cho thị trường vàng năm 2024. “Các ngân hàng trung ương sẽ vẫn là một phần quan trọng của thị trường. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương được thúc đẩy bởi chính sách, nên khó dự báo, nhưng các cuộc khảo sát và phân tích của chúng tôi cho thấy, xu hướng hiện tại sẽ vẫn được duy trì”, Hội đồng Vàng thế giới nêu trong báo cáo triển vọng thị trường vàng năm 2025.
“Theo quan điểm của chúng tôi, nhu cầu vượt quá 500 tấn (xu hướng dài hạn tương đối) vẫn sẽ có tác động tích cực đến hiệu suất. Chúng tôi tin rằng, nhu cầu của các ngân hàng trung ương trong năm 2025 sẽ vượt qua con số đó. Nhưng sự giảm tốc dưới mức đó có thể gây thêm áp lực cho vàng”, Hội đồng Vàng thế giới lưu ý.
Nguồn: https://baodautu.vn/kho-do-duong-cho-thi-truong-vang-the-gioi-nam-2025-d241075.html