Ngày 30.12, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, năm 2024, TP.HCM tăng cường kiểm tra, quản lý công tác tổ chức bữa ăn bán trú và vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Theo đó, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các trường đẩy mạnh việc tổ chức bữa ăn bán trú kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh. Vận dụng hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, hợp lý với các nội dung: dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi học sinh, kết hợp tăng cường vận động cho trẻ em lứa tuổi học sinh; có thực đơn phù hợp cho đối tượng học sinh bị suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì tại trường. Đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ông Dũng cho biết, hiệu trưởng chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời người đứng đầu trường học chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.
Các trường tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học, đặc biệt khu nhà vệ sinh của học sinh. Tuyên truyền, vận động giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần. Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong đơn vị việc giữ gìn vệ sinh chung.
Công trình nhà vệ sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn số lượng và chất lượng theo quy định hiện hành. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình vệ sinh đảm bảo an toàn công trình vệ sinh tại các cơ sở giáo dục. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh, khử mùi, khử khuẩn các nhà vệ sinh (trước giờ học sinh vào học, sau giờ ra chơi và cuối giờ ra về). Không để xảy ra tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, ô nhiễm, bốc mùi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho hay, từ tháng 1 đến tháng 4.2024, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất các cơ sở giáo dục công tác tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý và công tác vệ sinh, khử mùi, khử khuẩn, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhà vệ sinh, đảm bảo yêu cầu an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Ông Dương Trí Dũng cũng nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học theo quy định hiện hành. Ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bữa ăn học đường và vệ sinh môi trường.
Cụ thể cần giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành từng bữa ăn của học sinh hàng ngày. Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp; thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn, căn tin trong trường học.
Bên cạnh việc đưa ra yêu cầu và trách nhiệm về đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tự kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt khu vực nhà vệ sinh học sinh. Thực hiện khảo sát sự hài lòng của học sinh đối với công trình vệ sinh tại trường học vào mỗi học kỳ trong từng năm học. Trên cơ sở kết quả khảo sát, nhà trường có phương pháp khắc phục hạn chế, tồn tại (nếu có).