Màu xám, đen của đá trầm mặc khắp đất trời. Mênh mang núi đá, rừng đá, lại thêm khan hiếm nguồn nước, vậy mà lại nổi lên thảm xanh thẫm của triền bắp và xanh chắc của các cụ trà cổ thụ. Có phải vì thế mà hương sắc đặc biệt của trà Lũng Phìn luôn phảng phất nét huyền bí. Thưởng thức dù chỉ một lần cũng không thể nào quên !
Những cây trà khẳng khiu được rễ trụ bền bỉ khoan xuyên qua nhiều tầng đá hút khoáng chất nuôi ủ lớp tầng lá lơ thơ nhưng rắn rỏi, dày dặn. Đứng dưới gốc trà cổ thụ vẫn có thể nhìn thấy bầu trời, khi thì trong xanh khi thì xám lạnh. Và nắng xiên qua dãy núi, treo lững lờ trên những ngọn cây, len qua từng phiến lá. Đêm, sương trời và hơi lạnh từ đá phủ quanh thân trà. Hàng trăm năm như vậy, trà Lũng Phìn vẫn chung tình, đồng cam cộng khổ cùng núi đá.
Người H’Mông ở Lũng Phìn sống cùng cây trà bao đời, tạo dựng phương cách làm trà cho riêng mình. Họ không bao giờ hái búp trà như những vùng trà khác. Phải đợi đến khi búp nở thành lá non mới nhẹ nhàng thu hái. Lửa để sao trà chính là thân những cây bắp đã qua mùa thu hoạch. Loại nhiên liệu này tạo ngọn lửa khi bùng lên như những ánh sao lấp lánh, khi lịm dần chỉ để lại hơi ấm đủ hong những cánh trà đến độ thơm hương, ánh lên sắc vàng kết tinh từ khoáng chất. Rất đặc biệt !
Sớm mai, bên ấm trà Lũng Phìn vị ngọt sâu, nghe hương trà đằm trong ký ức xa xôi vọng về từ những rừng đá cổ xưa, ta đã chiêm nghiệm biết bao điều. Trên dải đất Việt Nam mình, chưa có cây trà nào có đời sống kỳ diệu, mạnh mẽ như trà Lũng Phìn !
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).