- Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Khuyến khích người dân không trực tiếp cho tiền người ăn xin
- TP. Hồ Chí Minh: Đưa người ăn xin vào trung tâm hỗ trợ xã hội
- TP.HCM tập trung quản lý người ăn xin, người sinh sống lang thang trên địa bàn để tránh lây nhiễm Covid-19
- TP.HCM tạo mọi điều kiện để người ăn xin ổn định cuộc sống
Liên quan đến việc thời gian qua vẫn còn xuất hiện tình trạng trẻ em, người ăn xin đứng tại khu vực trên địa bàn các phường thuộc quận 7, quận 4 để xin ăn và chờ nhận đồ từ thiện, ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH cho hay, UBND TP đã ban hành Quyết định số 812/QĐ-UBND về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TPHCM. Gần 6 tháng triển khai và thực hiện, công tác tập trung các đối tượng này có nhiều chuyển biến tích cực.
Thống kê từ ngày 16/3 – 10/9, Sở đã tiếp nhận 797 trường hợp, trong đó có 694 người tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội, 103 trường hợp tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần.
Sở cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý triệt để theo quy định các đối tượng có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc, lợi dụng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, nhất là các nhóm chăn dắt chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, để đối phó, gần đây, các đối tượng này chủ yếu hoạt động dưới hình thức bán vé số, tăm bông tại các giao lộ đông người, khu vực giáp ranh với khung giờ vào giữa trưa, tối muộn. Điều này khiến công tác phát hiện, xử lý tình trạng này gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã nhiều lần kêu gọi người dân thành phố không cho tiền trực tiếp người xin ăn trên đường phố.
Chính quyền TP.HCM cũng khuyến nghị người dân, khi phát hiện người xin ăn thì thông báo đến các cơ quan chức năng xử lý.
UBND TP.HCM yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện và tập trung người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng; hỗ trợ tạo điều kiện đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đối với các trường hợp khó khăn có nguy cơ đi lang thang, đi xin ăn, sinh sống nơi công cộng hoặc những đối tượng hồi gia, hội nhập cộng đồng từ các trung tâm bảo trợ xã hội; tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững và có kế hoạch cụ thể trợ giúp các đối tượng này.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn và hướng dẫn người dân giúp đỡ thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội địa phương; UBND phường, xã, thị trấn cần phối hợp hỗ trợ các tổ chức và cá nhân trong hoạt động từ thiện để đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị tại địa phương…
“Tăng cường quản lý, rà soát các khu vực tập trung nhiều đối tượng tạm trú, lưu trú ngắn hạn có nhiều người cao tuổi, trẻ em không có người thân đi cùng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và hạn chế tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế để trục lợi; thông tin số điện thoại tiếp nhận tin báo về người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng”, UBND TP.HCM nêu rõ.