Điều không ngờ ở làng du lịch tốt nhất
Làng rau Trà Quế được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất năm 2024 do Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UN Tourism) bình chọn. Ngôi làng bên dòng sông Cổ Cò bấy lâu được biết đến là điểm đến xanh “hút” khách.
Khách Tây đến đây mê mẩn với những trải nghiệm dân dã mà lạ lẫm, cảm nhận và tận hưởng hương vị đồng nội trong lành không đâu có được, mọi giác quan xung lên cảm nhận và tận hưởng.
Quảng Nam xác định chọn Hội An là thành phố thí điểm theo hướng đặt công nghiệp văn hóa là một trong những điểm nhấn để phát triển bền vững
Tony 54 tuổi, du khách đến từ Mỹ không ngừng trầm trồ khi cùng đoàn trải nghiệm ở Trà Quế. Anh sải bước chậm rãi, hít hà bầu không khí trong lành, vừa nghe hướng dẫn viên giới thiệu về ngôi làng cổ 400 năm tuổi với đặc sản là những loài rau thơm được canh tác thủ công. Hương thơm chính là một đặc sản riêng biệt của làng rau Trà Quế, mùi hương dịu nhẹ phát ra từ những cọng rau bé xíu.
Từng đoàn du khách thả bước trên những con đường nhỏ, hai bên là những vạt rau xanh ngắt. Họ dừng lâu hơn nơi khu vườn trải nghiệm, háo hức và thích thú khi cùng nông dân trong làng cuốc đất trồng rau. Rau ở đây nổi tiếng thơm đặc trưng được trồng theo lối thức canh tác thủ công của người dân địa phương hoàn toàn không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Khách dạo bước hít hà mùi thơm dịu nhẹ của những loại rau thơm bé tí được trồng theo từng luống dài thẳng tắp, những nông dân cần mẫn chăm tỉa từng luống rau không quên tặng khách nụ cười thuần hậu.
Đoàn khách háo hức khi được hướng dẫn trải nghiệm gánh nước, trồng rau. Lạ lẫm và thích thú, khi đặt đôi gánh đầy nước vừa được múc từ chiếc giếng đào giữa ruộng lên vai. Theo hướng dẫn, Tony bước từng bước chậm rãi, nghiêng vai tưới nước xuống hai bên rãnh rau. Màn xoay người tưới nước khiến cả đoàn không ngớt tiếng cười, hò reo.
“Rất thú vị, tôi thấy yêu ngôi làng nhỏ, yêu những luống rau sạch và những người nông dân hiền lành chăm chỉ ở đây. Một làng quê rất tuyệt vời, nhất định tôi sẽ quay lại đây cùng với những người bạn”, anh chia sẻ.
Một hướng dẫn viên du lịch cho hay, khách Tây đặc biệt thích những ngôi làng như Trà Quế, bởi không gian xanh, không khí trong lành và vô cùng hào hứng với những trải nghiệm làm nông dân. Với khách quốc tế, chuyến du lịch của họ ưu tiên trải nghiệm nhiều hơn là hưởng thụ xa hoa. Họ sẵn sàng chi tiền để được trồng rau sạch như ở Trà Quế, tát nước cày ruộng, cấy lúa…
Những làng quê bình dị thành làng quê đáng sống
Những ngôi làng dọc sông Thu Bồn như rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, xã đảo Cù Lao Chàm… đang trở thành từ khóa tìm kiếm của du khách đến Quảng Nam.
Theo số liệu công bố, năm 2024 Hội An đón hơn 4,4 triệu lượt khách. Đáng chú ý các điểm đến có bán vé khách mua vé tham quan về các làng nghề tăng cao, như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu, và làng mộc Kim. Số vé bán ra tại các làng nghề đều vượt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Làng rau Trà Quế - làng du lịch tốt nhất hấp dẫn du khách bởi những điều bình dị, mộc mạc
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề được đưa vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia. Hội An còn có nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát bả trạo, hò khoan, sắc bùa, hô hát bài chòi, dân ca, nghệ thuật tuồng; các khu trưng bày lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng, bảo tàng chuyên đề….
Hội An biết kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, các làng nghề, văn hóa nghệ thuật truyền thống làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng ở nơi “hội thủy hội nhân” này. Trong đó việc kết nối di sản phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm và không gian văn hóa làng quê, làng nghề đã tạo thêm sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.
“Đây là những nét nổi bật đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch bản địa có tố chất văn hóa, vừa bảo tồn, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế du lịch. Hội An đang trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Quảng Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững”, ông Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.
Quảng Nam chọn Hội An là thành phố thí điểm theo hướng đặt công nghiệp văn hóa là một trong những điểm nhấn để phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Kết nối "hệ sinh thái di sản" đa dạng và lan tỏa; bảo tồn, phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc "Phố - Làng"; đảm bảo các giá trị lâu dài đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, là thành phố sự kiện - lễ hội, điểm đến hấp dẫn của thế giới...
Thời gian qua, Quảng Nam quan tâm, tập trung quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Hội An; tạo một số cơ chế, chính sách mời gọi các nhà đầu tư để phát triển các dịch vụ vui chơi - giải trí bổ trợ cho ngành du lịch.
Tại Hội An, một số sản phẩm văn hóa-du lịch được hình thành và từng bước khẳng định thương hiệu thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế như show biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”, các vở diễn “À ố Show”, “Tedar”, “Sương sớm”, du lịch cộng đồng Làng chài Tân Thành, Làng củi lũ, Công viên đất nung Thanh Hà .... góp phần phát triển kinh tế đêm, tạo ra dịch vụ vui chơi - giải trí, thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa.
Tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc tổ chức tại Quảng Nam hồi tháng 12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh rằng khu vực nông thôn sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt. Đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống và cộng đồng địa phương đầy bản sắc. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch.
Ngược lại, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Nguồn: https://tienphong.vn/du-lich-xanh-o-lang-nghe-di-san-xu-quang-post1711303.tpo
Bình luận (0)