Theo danh sách phân công của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, có 13 tổ công tác thực hiện giám sát 38 dự án trọng điểm của thành phố. Trong đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên theo dõi, kiểm tra, giám sát 3 dự án.
Chờ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỉ đồng (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) khởi công tháng 6-2016, dự kiến hoàn thành tháng 4-2018. Dự án giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Theo Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp thực hiện dự án), dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Một trong những nguyên nhân khiến dự án bị tạm ngưng, ảnh hưởng tiến độ là do phát sinh một số vướng mắc dẫn đến phụ lục hợp đồng vẫn chưa được ký kết. Theo phụ lục hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) số 4769/PL-UBND ký ngày 18-11-2019 giữa UBND TP HCM và nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết hạn vào ngày 26-6-2020 nhưng các bên vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai dự án. Cũng do chưa có phụ lục hợp đồng gia hạn này nên nguồn vốn của dự án (do Ngân hàng Nhà nước cấp vốn thông qua BIDV) không thể gia hạn thời gian giải ngân thêm.
Với tính chất quan trọng, cấp bách, tháng 4-2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 40/NQ-CP để “giải cứu” dự án. Tiếp đó, UBND TP HCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước về các nội dung liên quan đến dự án. UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư làm tổ trưởng tổ đàm phán sớm phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức đàm phán phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư. Đồng thời, giao Sở Tài chính thực hiện một số nội dung để chuẩn bị cho buổi làm việc giữa UBND TP HCM và Ngân hàng Nhà nước (sau khi phụ lục hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng tín dụng của dự án được ký kết).
Đến tháng 3-2023, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã có buổi kiểm tra thực địa dự án cống Mương Chuối. Theo Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, phụ lục hợp đồng BT được ký kết trong quý I/2023 đã gỡ vướng mắc. Dự án đang đợi Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến để BIDV làm các thủ tục giải ngân cho nhà đầu tư để tiếp tục thi công. Tiến độ chung dự án đến nay đạt 93%, trong đó 6 cống ngăn triều đã hoàn thành phần thi công hạ tầng và lắp đặt cửa van. Nếu được giải ngân trong 2 tháng tới thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2-2024, vận hành thử nghiệm và đến tháng 5-2024 sẽ bàn giao cho UBND TP HCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đi thử tàu metro số 1 ngày 15-4Ảnh: Hoàng Triều
Kỳ vọng tuyến metro số 1 và kênh Tham Lương
Ngày 15-4, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có chuyến thị sát và đi trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đoạn từ ga Rạch Chiếc đến ga Suối Tiên.
Báo cáo với Thủ tướng về tiến độ thực hiện tuyến metro số 1, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM (chủ đầu tư), cho biết tiến độ tổng thể dự án đạt 95%, các hạng mục còn lại chủ yếu là cầu bộ hành, nhà ga. Tuyến metro số 1 dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại của dự án, cố gắng hoàn tất công trình vào dịp lễ 2-9-2023. Dự án metro số 1 có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2012. Tuyến metro này dài 19,7 km (gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao) với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Sau 9 đợt vận chuyển, vào tháng 5-2022, toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã về đến TP HCM. Mỗi đoàn tàu metro dài 61,5 m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa thiết kế là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn hầm).
Dự án trọng điểm thứ ba được Bí thư Thành ủy TP HCM kiểm tra, đôn đốc là dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được khởi công vào tháng 2 năm nay. Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Dự án đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Theo đó, dự án sẽ xây dựng tuyến kè bờ kênh tổng chiều dài hơn 63 km; nạo vét kênh với chiều dài hơn 31 km. Cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông song hành hai bên bờ kênh.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, dự án này kết hợp các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát và dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai trong thời gian tới, giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, việc lập 13 tổ công tác giám sát 38 công trình trọng điểm dựa trên tinh thần: “Việc nào cần chia sẻ thì chia sẻ, cần uốn nắn thì uốn nắn, cần tăng cường thì tăng cường, cần xử lý thì xử lý”.