Tết Nguyên đán là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tâm trí người Việt Nam qua bao đời nay, là dịp để cả nhà sum họp, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả. Tết là dịp đoàn viên của những người con xa quê. Tết cũng là dịp bày tỏ sự biết ơn đối với đấng sinh thành, ông bà, tổ tiên.
Không gian của sự hội nhập
Tết Nguyên đán là một phong tục đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Phong tục truyền thống này đã đồng hành cùng nhân dân qua mấy nghìn năm lịch sử. Qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước, văn hoá Tết tuy có thay đổi nhưng đều ẩn chứa trong đó thông điệp, những nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc. Trong những năm gần đây, song song với nhiều tinh hoa văn hóa truyền thống được phục hồi thì cũng có rất nhiều không gian văn hóa được hội nhập.
Ở Hà Nội, nơi mang truyền thống ngàn năm kinh thành, nơi giữ gìn nhiều nhất những phong tục, tập quán, lễ tiết, cách thức Tết Nguyên đán xưa, nhưng mấy năm gần đây, cũng gia giảm khá nhiều những gì không phù hợp với nếp sống văn minh hiện đại. Tại các thành phố lớn, nhiều người cũng đã có xu hướng đi du lịch xa “ba ngày Tết”, vừa là du xuân xứ người để nâng tầm hiểu biết, vừa như chuyến xuất hành đầu năm phương xa lấy “khước” cho công chuyện làm ăn năm mới vươn xa, mở rộng.
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, hầu hết người Việt Nam mang dòng máu Hùng Vương cho đến giờ đều muốn Tết Việt tồn tại, trong một phong cách mới, theo những phong tục mới, phù hợp với xu thế văn minh nhân loại của thời đại, nhưng không đánh mất bản sắc riêng dân tộc Việt. Theo đó, Tết ngày xưa là toàn bộ tháng Giêng, với tất cả những ý nghĩa nhân văn: Gia đình sum họp, thăm hỏi họ hàng, xóm giềng, mừng tuổi ông bà, cúng tế gia tiên và hoạt động lễ hội giao tế thần linh, đất trời…
Ngày nay, những ý nghĩa nhân văn ấy vẫn còn nguyên nhưng các thủ tục ăn Tết đã được rút gọn. Ở nhiều nơi, phong tục đêm giao thừa hái lộc cũng đã được biến tấu một cách văn minh, văn hóa. Nhiều năm nay, người ta không còn cảnh đêm giao thừa, cây cối trơ trụi vì bị bẻ, tước, hái, vặt hết các lộc non, cành nhú, mà các chùa chiền, các nơi tổ chức lễ mừng xuân đều bày rất nhiều cành phát tài (thiết mộc lan) để mọi người mang về nhà và tùy hỉ như cách lấy hên, may mắn, tạo thành một phong tục đẹp đầu năm.
Đặc biệt, Tết Nguyên đán hiện nay ở Việt Nam đã không còn rình rang những “hủ tục” gây lãng phí, không câu nệ những phép tắc vô lý và lạc hậu, không khuyến khích những phong tục mang màu sắc mê tín dị đoan, không cổ vũ cho những kiểu “du xuân” gây hao tốn sức người, sức của và thiếu văn hóa… Người Việt đã khéo léo để biến “ba ngày Tết” và cả tuần lễ Tết như một khoảng thời gian đẹp của năm mới với những điều thiết thực với bản thân, với cộng đồng, xã hội. Tết Việt còn là một cách giới thiệu một Việt Nam, đất nước, con người đến bè bạn quốc tế như một cách giao lưu văn hóa, một kiểu đối thoại với các nền văn minh khác trên thế giới.
Những giá trị không thể thay thế
Văn hoá Tết đã gắn liền với dân tộc từ bao đời nay. Dù trong bối cảnh, giai đoạn nào, Tết vẫn mang những giá trị tinh thần to lớn. Đến nay, Tết tuy có thay đổi nhưng đều ẩn chứa trong đó những thông điệp, những nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc. Nhiều người cho rằng, chừng nào còn giữ được những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta mới phát triền bền vững, không bị hoà tan trong quá trình đổi mới, hội nhập.
“Tết Nguyên đán là một nét văn hóa đặc sắc, đặc biệt của Việt Nam được rất đông bạn bè quốc tế, khách du lịch và cả người nước ngoài sinh sống, làm ăn trên đất Việt thừa nhận, thích thú. Quan điểm, Tết hòa nhập nhưng không hòa tan, theo tôi là một quan niệm vô cùng đúng đắn. Tết của người Việt với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khi Tết đến, người ta bảo nhau bỏ qua tất cả những điều không may và không hay của năm cũ. Cho nên, đây cũng là một trong những cách sống, cách dạy đời rất có ý nghĩa”, bà Bùi Thị An bày tỏ.
Theo nhịp sống thời công nghệ, nhiều hình thức tiện lợi và hiện đại đã được đưa vào những ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ quyết tâm “giữ lửa” cho Tết truyền thống, để Tết không bị mất đi giá trị trong nhịp sống hối hả ngày nay. Giá trị văn hóa Tết ngày nay vẫn luôn được bảo tồn và phát huy qua các phong tục truyền thống như: Thăm mộ tổ tiên, gói bánh chưng, cúng giao thừa…
Đối với Nguyễn Hà Phương (tỉnh Nam Định) cũng vậy. Được về quê theo mẹ đi chợ sắm Tết, cùng bố mẹ rửa lá dong để gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết đã trở thành những công việc mà Phương thích thú. Phương chia sẻ: “Với em, cảm giác đại gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, kể những chuyện vui buồn của một năm là niềm hạnh phúc mà không dễ gì có được. Cả năm mới có một lần được gói bánh chưng nên em rất trân trọng, nâng niu những ký ức đẹp, đáng quý như thế”.
Dù rất bận rộn mỗi dịp Tết đến nhưng gia đình anh Lê Thị Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn giáo dục giá trị Tết truyền thống cho các con trong nhà. Năm nào chị cũng sắp xếp thời gian, mua nguyên liệu và cho con làm mứt và một số loại bánh. Vừa làm các bạn nhỏ vừa được nghe chị Thu kể về sự tích gắn liền với Tết.
Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng tạo bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam mà bất kỳ một ngày lễ nào có thể thay thế được. Linh hồn của Tết nằm ở sự đoàn tụ ấm áp, cả gia đình cùng chuẩn bị đón xuân mới. Cách đón Tết qua mỗi thời có thể thay đổi nhưng phong tục Tết Việt không thay đổi. Bởi vậy, giới trẻ hiện nay dù chọn cho mình những cách đón Tết khác nhau nhưng vẫn kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để tạo nên không khí Tết ấm áp, vui vẻ bên gia đình, bạn bè. “Hòa nhập nhưng không hòa tan”, giới trẻ vẫn từng ngày nỗ lực “đánh thức” giá trị Tết cổ truyền của cả dân tộc theo cách của riêng mình.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/thieng-lieng-ngay-tet-nguyen-dan-d204333.html
Bình luận (0)