Sinh hoạt trên sàn gỗ, quây quần bên đống lửa bập bùng, khi chuếnh choáng với cơn say, những điệu nhạc, lời hát người Ba Na du dương vang lên, đầy mê hoặc và say đắm…
Những nghệ nhân biểu diễn cùng nhạc cụ Bana truyền thống. |
Mới đây, sân Thái Học của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút nhiều du khách đến thưởng thức âm nhạc Ba Na – một hoạt động ý nghĩa do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức.
Trong không gian âm nhạc của người Ba Na, những nghệ nhân tiêu biểu nhất của làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đem đến những câu chuyện tình yêu, khung cảnh cuộc sống lao động vất vả nhưng đầy phấn khởi với hy vọng tươi sáng về cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Nhạc ở trong đầu, điệu múa ở trong người
Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, sàn gỗ, bếp lửa và ghệ rượu là những thứ không thể thiếu của người Ba Na. Khi men say dần thấm, họ bắt đầu chơi đàn K’ni, cất tiếng hát và lắc lư theo điệu nhạc, rồi đến khi không còn ai để uống cùng nữa, họ nằm tại đó suốt đêm trong những thanh âm còn vang mãi.
Âm nhạc người Ba Na thường thể hiện tình cảm lứa đôi, mà trong tình yêu, một đêm bên nhau là quá ngắn, vì thế bài nhạc Trời sáng quá nhanh đã ra đời trong tiếng nhạc của cây đàn Ting Ning (hay theo tiếng phổ thông là đàn Goong) do nghệ nhân Đinh Văn Minh thể hiện.
Người Ba Na theo mẫu hệ, vì thế những lời ca tình yêu trong bài hát thường do người con gái Ba Na chủ động thể hiện với người con trai trong làng.
Bắt đầu từ cuộc sống lao động, bài hát Khai thác mường rẫy nói về những khó khăn trong mùa đầu tiên, tình yêu chớm nở lúc này thôi thúc người con gái thể hiện tình cảm của mình: “lúc này anh đi lên nương làm rẫy, chặt cây rừng làm chòi, em cảm thấy thương anh rất là nhiều”.
Và khi đã thích anh thật rồi, người con gái cất lời hát Tỏ tình ngỏ ý muốn cưới anh về làm chồng: “em thích anh, anh giỏi lắm, chúng mình hãy về với nhau, chúng mình hãy thương yêu nhau để lo cho con cái sau này, để gia đình được trọn vẹn”.
Rồi khi người con trai đồng ý lời yêu ấy, cô gái tiếp tục những lời hát với nụ cười tươi trên môi.
Trong suốt những giai điệu du dương đậm vị ngọt của tình yêu ấy, người Ba Na nhịp nhàng đôi chân theo điệu múa Xoang Tây Nguyên độc đáo của mình. Một bước tới, hai bước lùi, khi ngọn lửa bùng lên và những đôi bàn tay nắm chặt, kết thành vòng tròn lớn, người Ba Na hòa lại với nhau, không phân biệt lớn nhỏ, nam nữ.
Không rõ bắt đầu từ đâu và hình thành từ khi nào, điệu nhạc điệu múa ấy đã thấm nhuần trong huyết quản của những chàng trai, cô gái Ba Na.
Chỉ biết rằng người Ba Na tương truyền câu chuyện ông bà xưa lấy nhau “chồng 45 năm (45 tuổi), vợ 32 năm (32 tuổi), đẻ con được 7 năm rồi sáng tác ra bài hát đó, rồi ông này truyền tới bà kia, bà kia mất rồi truyền cho bà nội, bà ngoại, cho bố, cho con, cho anh, cho em, thằng em yếu rồi thì cho thằng cháu…”. Có bài hát đã lên tới 100 năm tuổi, được truyền hết đời này đến đời khác.
Trong một lần biểu diễn ở Hà Nội, nghệ nhân Đinh Văn Minh chia sẻ, mỗi lần được các cụ già trong làng mời ngồi chung, anh sẽ lên nhạc, họ hát rồi anh đánh theo: “Mình giữ luôn trong đầu rồi về rèn lại nguyên bài đấy, có dịp mình sẽ đem ra”.
Dù là biểu diễn trong hay ngoài làng, những điệu nhạc này vẫn giữ nguyên trong đầu anh như vậy: “Nhạc ở trong đầu mình rồi, điệu múa ở trong thân mình rồi, ở địa điểm nào cũng thế, không có gì khác nhau”.
Nghệ nhân Đinh Thị Mênh và nghệ nhân Đinh Văn Minh thể hiện bài hát “Khai thác mường rẫy”. |
“Muốn giữ được nó, phải để cho nó sống”
Từng điệu nhạc, lời hát với những nhạc cụ mộc mạc, truyền thống như đàn K’ni, đàn Ting Ning, những ống tre, ống nứa… được người Ba Na lưu giữ từ đời này đến đời khác theo một cách thức rất đặc biệt.
Chúng không được ghi lại thành nốt nhạc trên giấy, mà thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày của làng như những dịp cúng, lễ tết, hội mừng lúa mới…
Những đứa trẻ cứ thế lớn lên trong thanh âm du dương cùng những điệu múa, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng cồng chiêng, rồi bắt đầu bắt chước, nhảy theo, hát theo. Tiếng đàn, điệu múa dần ngấm vào người và khi đến tuổi trưởng thành là chúng tự biết biểu diễn.
Người Ba Na ở vị trí khá khuất trong huyện và sống theo cộng đồng làng, ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Vì vậy, những giá trị văn hóa, phong tục tập quán còn gần như nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai và sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay.
Quan trọng hơn nữa, bà con người Ba Na rất trân quý và có ý thức bảo tồn giá trị truyền thống của mình.
Không chỉ bảo tồn mà người Ba Na còn không ngừng phát huy những giá trị văn hóa ấy bằng cách sáng tác thêm những bài hát mới, vận động bà con đi học rồi về lại truyền cho con cháu làm phong phú, giàu có hơn kho tàng văn hóa cho cộng đồng và xã hội. Chẳng hạn như, Bài ca về thổ cẩm hát trong hoạt động dệt thổ cẩm hàng ngày của các cô người Ba Na; Bài ca giao thông khuyến khích bà con giữ đúng luật giao thông.
Các chị, em, các cháu truyền nhau hát bài Ơn Đảng Nhà nước, Mừng đất nước giải phóng, Mừng Đảng mừng Xuân và nhiều bài hát khác để mừng những ngày hội lớn của đất nước.
Nhạc cụ cũng được cải tiến để thể hiện các dòng nhạc và bài hát khác nhau, theo lời anh Minh kể, đàn Ting Ning trước đây chỉ có một dây, nhưng bây giờ bây giờ có thể có đến 13 dây, 18 dây.
Chính quyền địa phương tại huyện Kbang hiện nay có nhiều hoạt động hỗ trợ bà con bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa hiện tại.
Ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa thông tin của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Chính quyền địa phương khi tổ chức các chương trình, sự kiện nào đó đều đưa hoạt động múa hát cồng chiêng của người Ba Na vào. Chương trình văn nghệ trong 30 phút đầu tiên ở địa phương ưu tiên dành riêng cho người Ba Na biểu diễn.
Chúng tôi cũng đưa âm nhạc Ba Na vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Hiện nay, hầu như tất cả bà con trong làng đều biết đánh cồng chiêng, trong làng đã có 24 nghệ nhân được công nhận”.
Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển bản làng của dân tộc Ba Na, ông Chi cho biết hình thức du lịch cộng đồng hiện đang là chủ đề nóng trên địa bàn, với tài nguyên sẵn có và điều kiện khai thác du lịch thuận lợi, làng Mơ Hra rất có triển vọng mở rộng phát triển du lịch trong tương lai.
Câu chuyện về bảo tồn di sản và đem di sản đi biểu diễn thật sự được các già làng và các nghệ nhân nghiêm túc quan tâm. Họ ngồi lại với nhau để lựa chọn những bài biểu diễn phù hợp.
Ông Chi nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất để bảo tồn các bài dân ca Ba Na mang đậm âm hưởng dân tộc chính là môi trường diễn xướng. Muốn giữ được nó thì phải cho nó sống, khiến nó gắn liền với đời sống, từ cuộc sống tinh thần đến sinh hoạt, ăn ở… phải tạo ra bài nhạc gắn liền với đời sống, lễ nghi, lễ hội để lớp trẻ được thừa hưởng, sống trong môi trường đó và để âm nhạc Ba Na thấm vào người một cách tự nhiên”.
* * *
Anh Odessa đến từ Ukraine không giấu được niềm vui trở thành một trong những người trải nghiệm văn hóa này: “Đây là một trải nghiệm thú vị và là lần thứ hai tôi bị chinh phục bởi giai điệu truyền thống này. Tôi được biết âm nhạc Bana được trình diễn tại các đình làng. Nơi họ sống và mối liên hệ giữa tâm linh với thiên nhiên của dòng nhạc truyền thống này thật thú vị”.
Trong bài hát cuối cùng, các khán giả tại Văn Miếu được mời lên sân khấu tham gia trải nghiệm. Họ cùng nắm tay, nhảy điệu múa Xoang Tây Nguyên nhịp nhàng theo tiếng nhạc, không có sự phân biệt tuổi tác, màu da, dân tộc. Tất cả hòa vào giai điệu du dương của tiếng đàn Tinh Ning, đàn K’ni…