Có dịp đến thăm những người già neo đơn ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương đóng trên địa bàn phường An Thạnh, TP.Thuận An (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), P.V hết sức xúc động trước những hình ảnh ở đây khi tình cảm giữa cán bộ, nhân viên và các cụ thật sự là một gia đình…
Chị Đường Thị Xương cắt tóc cho một cụ bà ở trung tâm
Niềm vui tuổi già
Cái nắng giữa trưa một ngày tháng 6 như dịu đi khi quanh khuôn viên Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương (gọi tắt là trung tâm) có gắn hệ thống phun sương. Gần 200 người già, người lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa đang ở đây. Khi P.V đến đã thấy nhiều người ngồi ngoài sân, hành lang, nơi bóng cây để chuyện trò. Có những người chỉ ngồi nhìn mông lung thế thôi.
Bà Hứa Thị Thu Tâm, Trưởng phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn của trung tâm, đưa chúng tôi đi từng khu nuôi dưỡng, chăm sóc người già neo đơn để tường tận hơn cuộc sống ở ngôi nhà chung này. Đang ngồi chơi cùng “nhóm bạn già” tại mấy chiếc ghế xích đu trong sân, bà Trần Thị Chính cho biết năm nay đã 74 tuổi, vào sống ở trung tâm đã được 19 năm. Bà ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một, được địa phương gửi vào trung tâm do không có người nuôi dưỡng.
Có nhiều cụ bà khác đã trên 90 tuổi và ở đây trên dưới 20 năm. Cụ Nguyễn Thị Hiền nay đã 90 tuổi, mắt mờ không thấy đường, đi lại phải có người dìu nhưng vẫn cố gắng tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Dù sao thì những người già còn đi lại được cũng an ủi phần nào so với các cụ đã bị liệt, nằm một chỗ. Các cụ không thể tự ăn uống vệ sinh được nên mọi việc phải nhờ đến các cô hộ lý chăm sóc.
Ngoài các đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp, ở đây còn có khu chăm sóc người cao tuổi theo diện tự nguyện. Các cụ chọn cách vào sinh sống tại trung tâm để thuận tiện cho việc sinh hoạt của người già, có người bầu bạn.
Nơi tình thương neo giữ…
“Ở đây, chúng tôi được đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của trung tâm chăm sóc nhiệt tình. Lúc ốm đau được cán bộ ân cần thăm hỏi, động viên. Hàng ngày cán bộ lo từng bữa ăn, từng viên thuốc và thường xuyên thăm khám”, đó là lời của những người cao tuổi bộc bạch khi P.V chuyện trò cùng họ. “Vào trung tâm tuy mỗi người một hoàn cảnh, tuổi tác cũng khác nhau nhưng mọi người đều coi nhau như người thân trong một gia đình. Những người trẻ, khỏe hơn sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ người lớn tuổi. Có các cô chú phụ dọn bữa ăn, dọn rửa chén bát rồi mới đi nghỉ, giúp chúng tôi đỡ vất vả phần nào”, bà Thu Tâm chia sẻ.
Phải nói rằng những cán bộ, nhân viên, hộ lý ở đây thật sự vất vả. Đặc biệt là khi chăm sóc những người già nằm một chỗ hay người bị bệnh không thể tự lo cho bản thân. Có khi các chị phải kiêm luôn… thợ cắt tóc. Trao đổi với P.V, chị Đường Thị Xương, quê ở Nha Trang, hiện làm hộ lý tại trung tâm đang cắt tóc cho một cụ bà, nói: “Phải có tâm và chịu khó mới theo nghề này được. Phải hiểu được tâm lý người cao tuổi mới chăm sóc các cụ chu đáo, không xảy ra sơ suất…”.
Được đến đây, được quan sát và trò chuyện cùng các cụ, các nhân viên của trung tâm, chúng tôi thật sự xúc động vì những mảnh tình người dành cho nhau. Có lẽ họ cũng rất cần những tình cảm của nhiều người dành cho mình hơn nữa, để những nụ cười luôn nở trên môi các cụ, đặc biệt là trong Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), khi giá trị gia đình được tôn vinh, nhắc nhớ…
Được quan sát, trò chuyện cùng các cụ, các nhân viên của trung tâm, chúng tôi thật sự xúc động vì những tình cảm họ dành cho nhau. Có lẽ họ cũng rất cần những tình cảm của nhiều người dành cho mình hơn nữa, để những nụ cười luôn nở trên môi các cụ, đặc biệt là trong Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), khi giá trị gia đình được tôn vinh, nhắc nhớ…
Những người già tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương luôn được quan tâm, chăm sóc như ở gia đình
|
QUỲNH NHƯ