Trong những tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sắp tới học sinh quay lại trường học trùng với chu kỳ dịch bệnh phát triển hàng năm nên dễ bùng phát thành dịch. Trong khi đó, chủng vi rút EV71 gây bệnh TCM đang lưu hành trên địa bàn tỉnh có động lực mạnh, dễ làm các ca bệnh chuyển nặng và tử vong.
Bác sĩ chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Số ca mắc đang có xu hướng giảm
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.757 ca TCM, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc ghi nhận tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, như: TP.Thuận An 658 ca, TP.Tân Uyên 562 ca, TP.Thủ Dầu Một 509 ca, TP.Dĩ An 496 ca, TX.Bến Cát 257 ca, huyện Bắc Tân Uyên 109 ca… Tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong tại phường Thuận Giao và phường An Thạnh, TP.Thuận An. Trong những tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng giảm khi tuần 28 có 385 ca, tuần 29 có 266 ca và tuần 30 có 210 ca. Sắp tới, học sinh sẽ quay lại trường học, trùng với chu kỳ dịch bệnh phát triển hàng năm nên rất cần tăng cường kiểm soát phòng tránh dịch lây lan.
Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện dịch bệnh có xu hướng giảm, song vẫn có nguy cơ duy trì ca mắc, tử vong cao do bệnh rất dễ lây lan. Bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên nhân dịch bệnh TCM lưu hành tại tỉnh là do khâu phòng bệnh chưa được gia đình quan tâm nhiều. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bệnh TCM giảm sâu là do chúng ta thường xuyên sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cho trẻ tốt nên khâu phòng bệnh phát huy hiệu quả”.
Thực tế cho thấy, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh TCM có sự khác nhau giữa các địa phương. Có những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nhưng cũng có những địa phương chưa bám sát từng hộ dân, do địa bàn dân cư phức tạp, đông dân, tập trung nhiều khu nhà trọ, khu công nghiệp nên rất khó tiếp cận. Hơn nữa, hệ thống y tế dự phòng của tỉnh không đủ quân số trong phòng, chống dịch bệnh nên rất cần sự kết hợp của nhiều lực lượng, ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương trong việc vận động người dân vệ sinh phòng bệnh.
Cần sự chung tay quyết liệt
Dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, bác sĩ Trần Văn Chung, cho biết dịch bệnh TCM vẫn đang diễn biến phức tạp. Tình trạng lây nhiễm vẫn còn duy trì trong nội tỉnh, cộng thêm người di cư từ các tỉnh đổ về, nhất là vào thời điểm học sinh bắt đầu đi học trở lại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mong các địa phương cần tập trung phòng, chống dịch bệnh quyết liệt hơn tại những nơi có số ca mắc cao và tử vong. Cụ thể, cán bộ địa phương phối hợp chủ nhà trọ đến từng khu nhà trọ, từng phòng nhắc nhở người dân vệ sinh hàng ngày, hàng tuần. Những khu nhà trọ mà gia đình có cha mẹ, người lớn đi làm ban ngày, cán bộ khu phố phải tìm đến nhà trọ vào ban đêm để tiếp cận, vận động, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao biện pháp phòng bệnh.
Ngành y tế chủ động phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh TCM. Các cơ sở giáo dục bảo đảm có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Các trường mầm non, nhà trẻ thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Nhà trường thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Giáo viên phối hợp cùng gia đình phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho Ban Giám hiệu trường, cơ quan y tế địa phương xử lý ổ dịch kịp thời (nếu có). Các nhà trẻ cần thường xuyên huấn luyện các cô giáo mầm non để nâng cao kiến thức vệ sinh, phòng chống bệnh.
H.LINH – D.HƯƠNG – H.MỸ