Tết cổ truyền là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy và cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị.
Thịt đông
Với nhiều gia đình miền Bắc, thịt đông là món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từng miếng thịt mềm mướt, mộc nhĩ sần sật quyện vào trong lớp đông trong veo như sương mai, vị tròn trịa vừa độ, tất cả tạo nên món ăn thanh mát cho ngày Tết.
Nguyên liệu
Để chế biến món thịt đông cho gia đình từ 4 - 5 người cần có các nguyên liệu sau: 800g thịt chân giò, 150g bì lợn, 8 - 10 cái nấm hương, 2 tai mộc nhĩ, 2 củ hành khô, 1/2 củ cà rốt, mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu.
Cách làm
Thịt lợn và bì ngâm nước muối loãng, rửa sạch, thái miếng vừa ăn, chần sơ để loại bỏ tạp chất. Sau đó, vớt ra rửa nhiều lần cho tới khi thịt và bì sạch sẽ.
Ướp thịt và bì với 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê hạt tiêu trong 20-30 phút.
Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái sợi dài; nấm hương ngâm nở, tỉa hoa trên mũ, cà rốt tỉa hình hoa đào (tùy chọn); hành khô băm nhỏ.
Phi thơm 1/2 lượng hành khô, cho thịt và bì đã ướp vào xào săn. Thêm nước đun sôi vào ngập thịt. Khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ vừa, đun trong 1-1,5 giờ cho thịt mềm.
Phi thơm 1/2 lượng hành khô còn lại rồi cho mộc nhĩ, nấm hương vào xào. Nêm chút mắm, hạt nêm cho vừa miệng, xào trong 2 phút là được.
Khi thịt chín mềm, thêm mộc nhĩ nấm hương đã xào vào, nêm nếm mắm, muối, hạt nêm theo khẩu vị. Đun 3 - 4 phút thì thêm chút hạt tiêu, tắt bếp.
Cà rốt chần sơ, xếp dưới đáy bát đựng. Nhẹ nhàng múc thịt, bì cùng mộc nhĩ, nấm hương xen kẽ ra bát. Để thật nguội rồi bọc màng bọc thực phẩm, cho vào ngăn mát tủ lạnh 4 - 6 tiếng cho tới khi đông lại là được.
Canh bóng thả thập cẩm
Canh bóng thả (hay canh bóng bì) là món ăn thông dụng trong cỗ bàn của ẩm thực Hà Nội xưa, là một trong bốn bát canh trên mâm cỗ ngày tết: Bóng, vây, măng, miến… Hiện nay, món canh bóng thả cũng rất phổ biến trong các bữa cỗ tại nhiều nơi.
Nguyên liệu
100-200g bóng bì, 150-300g thịt lợn nạc, 500g xương sống lợn, 100-200g tôm nõn, 100-120g đậu Hà Lan, 50g nấm hương, 10-15 quả trứng cút, 1 củ cà rốt, 1 cây súp lơ, hạt nêm rượu trắng, gừng tươi, dầu ăn, mắm …
Cách làm
Xương sống trần qua bằng nước sôi, xào qua và cho ít mắm muối, ninh kỹ.
Bóng bì ngâm trong nước nóng cho mềm, thái vuông hay con chì khoảng 3cm, sau đó cho vào nước phèn và bóp nhẹ. Rửa kỹ bằng nước lạnh cho sạch, để ráo.
Gừng cạo bỏ vỏ, giã nát, thêm nửa chén rượu và nửa chén nước, đổ vào bóng bì và bóp nhẹ.
Một nửa thịt rửa sạch thái lát, một nửa xay nhuyễn thành giò sống, đắp lên tai nấm.
Nấm hương ngâm, rửa sạch. Trứng chim cút luộc bóc bỏ vỏ. Các thực phẩm khác rửa sạch cắt miếng hay thái khúc.
Phi hành mỡ cho thơm, cho các lát thịt và bóng vào xào săn, để riêng.
Cho nước hầm xương và tôm khô, ninh kỹ.
Cho nấm, (trứng chim), súp lơ, cà rốt vào, tiếp theo cho bóng bì và thịt, đun sôi, cho hành lá, nước mắm và hạt nêm cho vừa miệng là được.
Súp gà ngô ngọt
Gà luộc là món luôn có mặt trong thực đơn ngày Tết của nhiều gia đình nên dễ xảy ra tình trạng dư thừa. Vì vậy, các gia đình hoàn toàn có thể biến tấu gà luộc thành nhiều món ăn hấp dẫn và dễ thực hiện trong ngày Tết như miến xào lòng mề gà, gỏi gà chua ngọt hay súp gà ngô ngọt đặc biệt thích hợp cho ngày tết se lạnh ở miền Bắc.
Một bát súp nóng hổi với thịt gà mềm, ngô ngọt xen kẽ nấm hương thơm quyện trong nước súp sóng sánh vân mây trắng làm nên món ngon bổ dưỡng, giải ngấy ngày Tết.
Nguyên liệu
Thịt gà luộc, 1 bắp ngô ngọt, 10 - 15 quả trứng cút, 2 lòng trắng trứng gà, 3-4 cái nấm rơm (hoặc nấm hương), 1 củ cà rốt, bột năng, bột bắp, hành tím, mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu, ớt, hành lá, rau mùi
Cách làm
Thịt gà xé thành từng sợi nhỏ. Phần xương gà cho vào ninh cho ngọt nước, lọc lấy nước dùng để nấu súp.
Ngô ngọt tách lấy hạt. Cà rốt bào bỏ vỏ, cắt hạt lựu. Trứng cút luộc chín, ngâm nước lạnh rồi bóc bỏ vỏ. Nấm rơm ngâm nước muối loãng, xé sợi nhỏ. Hành lá, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
Cho ngô ngọt, cà rốt vào nước luộc gà đun sôi cho chín mềm. Tiếp tục cho gà xé sợi, nấm hương, trứng cút vào và nêm nếm gia vị mắm, muối, hạt nêm cho vừa miệng.
Cho bột năng, bột bắp trộn chung, thêm chút nước lọc, khuấy đều cho tan. Sau đó, đổ từ từ vào nồi súp gà, vừa đổ vừa khuấy đều theo chiều kim đồng hồ để không bị vón cục. Điều chỉnh độ loãng, đặc theo sở thích bằng cách tăng lượng bột năng và bột bắp. Khi nồi súp gà sóng sánh, chuyển màu trắng trong như ý muốn thì dừng lại, hạ lửa nhỏ đun thêm vài phút. Đánh lòng trắng trứng gà và vừa cho vào nồi súp, vừa khuấy theo chiều kim đồng hồ để tạo hình vân như mây trắng đẹp mắt. Thêm rau mùi, hành lá khuấy đều và tắt bếp, múc ra thêm chút hạt tiêu và thưởng thức nóng.
Bánh cuốn tôm chua
Các món cuốn chính là nét đẹp văn hóa đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, trong đó có bánh cuốn tôm chua Huế. Đây là món ăn được chế biến rất đơn giản, lại ngon miệng, nhẹ bụng, giúp bạn bổ sung thêm nhiều chất xơ và vitamin cho cơ thể, chống ngán và giúp bữa ăn ngày Tết thêm sắc màu.
Nguyên liệu
1 hũ tôm chua, 1 gói bánh tráng cuốn, 500g thịt ba chỉ, 1 củ cà rốt, 1 trái dưa leo, 1/2 trái thơm (dứa), 300g bún tươi, 1 cây xà lách, hành tím, tía tô, húng quế, muối, đường, mắm nêm
Cách làm
Thịt ba chỉ rửa sạch với nước muối loãng rồi cạo và nhổ bỏ phần lông cứng còn sót lại trên da. Sau cùng, rửa lại với nước lạnh rồi để ráo.
Lấy 1 - 2 củ hành tím, lột vỏ rửa sạch rồi đập dập. Bắc nồi nước lên bếp lửa vừa rồi cho hành tím đã đập dập và 1 muỗng cà phê muối vào. Khi nước sôi, cho thịt heo vào nồi rồi đậy nắp, luộc trong 10 phút rồi tắt bếp. Thịt ngâm như vậy cho thịt chín từ từ đến khi ăn rồi hãy vớt ra, ngâm với nước đá rồi cắt lát. Cách làm này sẽ giúp thịt không bị khô.
Tôm chua lấy từ trong hũ ra rồi lột vỏ.
Cà rốt gọt sạch vỏ, bỏ cuống rồi mang đi rửa sạch. Dưa leo cắt bỏ 2 đầu, có thể gọt vỏ hay không tùy ý, rửa sạch rồi chẻ đôi, dùng muỗng nạo bỏ phần ruột.
Cà rốt, dưa leo chẻ thành cọng nhỏ dài 1 ngón tay hoặc thái chỉ rồi cho ra đĩa.
Thơm gọt sẵn mua về bạn rửa sơ qua nước lạnh cho sạch rồi để ráo, lấy 1 ít băm nhỏ để làm mắm nêm, còn lại đem cắt sợi nhỏ để cuốn.
Xà lách và rau thơm nhặt sạch, ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi rửa kĩ lại với nước lạnh cho sạch, cho ra rổ vẩy ráo nước, có thể cắt nhỏ cho vừa ăn.
Bắc chảo lên bếp, phi thơm ớt cùng tỏi rồi cho thơm đã băm nhỏ vào xào. Cho tiếp 2 muỗng canh mắm nêm, 5 muỗng cà phê đường, 100ml nước lọc rồi đun hỗn hợp khoảng 10 phút, để nguội rồi mang đi xay nhuyễn, cho ra chén là xong.
Bày các nguyên liệu thịt luộc, thơm, cà rốt dưa leo thái sợi, tôm chua, bún tươi, rau ăn kèm ra đĩa. Khi ăn, lấy một miếng bánh tráng cuốn, dùng 1 cái khăn ẩm để làm bánh tráng mềm ra, dễ cuốn hơn. Lần lượt cho rau củ, thịt luộc và tôm chua rồi cuộn lại và chấm với nước chấm mắm nêm.
Bánh cuốn tôm chua đậm đà vị mắm nêm đặc trưng, tôm chua chua ngọt ngọt kích thích vị giác, thịt luộc mềm, mọng nước cùng rau củ tươi mát, tất cả giúp bữa ăn ngày Tết thêm tròn vị, ngon miệng.
Chè trái cây
Trong những ngày Tết Nguyên Đán, các món ăn từ thịt và bánh chưng mà gia đình đã thưởng thức cũng khá nhiều vì thế những món tráng miệng vừa ngon, vừa man mát này sẽ rất hiệu quả trong việc chống ngán.
Nguyên liệu
100g bột báng, 20g lá dứa, 200ml nước cốt dừa, 50g đường thốt nốt, trái cây tươi: dưa hấu, xoài, lê, thanh long, hồng ngâm…. tùy sở thích.
Cách làm
Lá dứa rửa sạch, để lại tầm 3 lá để nấu nước cốt dừa, còn lại thì cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn với một chút nước lọc. Rồi lọc bỏ bã lá dứa để lấy phần nước cốt. Bột báng vo sạch với nước.
Đổ nước, bột báng và nước cốt lá dứa vào nồi để đun sôi. Khi nước sôi bạn hạ nhỏ bếp tiếp tục đun đến khi bột báng chín.
Vớt bột báng ra và đổ vào các khuôn nhỏ để bột đông lại thành bánh. Cho nước cốt dừa, đường thốt nốt và lá dứa còn lại vào nồi đun sôi. Khuấy hỗn hợp nước cốt dừa đều tay để cho đường thốt nốt tan hết thì tắt bếp.
Trái cây rửa sạch, gọt vỏ và dùng thìa múc thành những viên tròn nhỏ. Nếu không có thìa múc, có thể cắt trái cây thành miếng nhỏ vừa ăn.
Đổ bột báng vào giữa bát rồi bày trái cây trang trí xung quanh, cuối cùng rưới nước cốt dừa lên trên là đã hoàn thành món chè trái cây.
Ngoài ra những món ăn kể trên, để bữa ăn ngày Tết thêm ngon miệng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người có thể kết hợp theo công thức: béo đi với chua (bánh chưng ăn cùng dưa hành, thịt mỡ ăn kèm với dưa bẹ), đạm đi với cay (thịt gà chấm muối tiêu), lạnh đi với ấm nóng (canh thịt nấu với chút gừng). Cũng cần lưu ý những thức ăn, đồng uống mang tính hàn, lạnh hay nguội cũng sẽ làm tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa, vì vậy không nên đi liền với nhau.
Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần lưu ý phải ăn hài hòa; ăn đủ nhóm thực phẩm, đừng chỉ ăn mỗi thịt cá, cần ăn cả rau củ trong bữa ăn...để vừa đảm bảo được sức khỏe, vừa cảm nhận được hương vị Tết trong từng món ngon mang đậm nét riêng có của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/tet-viet-ven-tron-sac-vi-nho-5-mon-an-nha-nao-cung-lam-d204299.html
Bình luận (0)