Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, đang được các bộ, ngành rà soát, đánh giá tổng thể. Nhiều hình thức hỗ trợ mới cho cộng đồng doanh nghiệp được khuyến nghị áp dụng để tăng sức hút và giữ chân các đối tác nước ngoài.
Bán vốn tái cấu trúc danh mục đầu tư Tái cấu trúc để nắm bắt thị trường xuất khẩu |
Nhìn thẳng vào những nút thắt, hạn chế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù trong hơn ba thập kỷ vừa qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi tài chính, đất đai và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam đã liên tục tăng. Khu vực doanh nghiệp FDI từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể đã trở thành khu vực đóng góp hàng chục tỷ USD vào ngân sách nhà nước hàng năm.
Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư của Việt Nam trong những năm gần đây cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, nổi bật nhất là các nhóm chính sách này vẫn mới chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Việc này một mặt tạo ra các “kẽ hở” để các doanh nghiệp thực hiện các hành vi dịch chuyển giá, gian lận thu nhập, mặt khác chưa thực sự khuyến khích được các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài.
Việc đổi mới các chính sách ưu đãi đầu tư được kỳ vọng sẽ giúp giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư đa quốc gia |
Cũng vì chưa triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí, các chuyên gia cho rằng chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang không bắt kịp với thông lệ quốc tế. Việc này làm giảm tính cạnh tranh trong hoạt động thu hút đầu tư các ngành công nghiệp mới nổi như công nghệ bán dẫn, sản xuất xe điện, hydrogen…
Liên quan đến khía cạnh pháp lý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hạn chế lớn nhất của các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là có khá nhiều quy định đã được quy định trong các văn bản luật, nhưng chưa có các hướng dẫn cụ thể để triển khai, nên chưa có tác dụng trên thực tế.
Hiện có 7 hình thức hỗ trợ là hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển đã được quy định trong Luật Đầu tư 2020 (Điều 18), nhưng chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể bằng các văn bản dưới luật. Vì thế, khi triển khai tạo ra chồng chéo, thiếu đồng bộ và thống nhất.
Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế trong các chính sách thu hút đầu tư được quy định tại quá nhiều luật thuế khác nhau. Điều này gây khó khăn, cản trở đáng kể đối với nhà đầu tư trong quá trình thực thi, áp dụng các ưu đãi, đồng thời gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Chưa kể, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có thể sẽ không còn nhiều ý nghĩa, làm giảm sức thu hút đối với các nhà đầu tư FDI lớn.
Tăng ưu đãi trên chi phí và giảm trừ nghĩa vụ thuế
Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) khi xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư, các quốc gia nên cân nhắc phân loại động cơ của nhà đầu tư, bao gồm những động cơ chính như: tìm kiếm tài nguyên, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm tài sản chiến lược và tìm kiếm hiệu quả. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm của nhà đầu tư, như sự ổn định về chính trị, các ưu đãi đầu tư và khả năng dự báo chính sách.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia WB cho rằng, các thế mạnh về ổn định chính trị và vị trí địa lý chiến lược cũng như độ mở của nền kinh tế đang có sức cạnh tranh cao so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi đầu tư cần cải cách theo hướng đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, không quá phụ thuộc vào các hình thức miễn giảm thuế như từ trước tới nay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên ban hành những chính sách ưu đãi đầu tư có tính đột phá và có sự sàng lọc. Trong đó, ưu tiên nhiều hơn cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực như công nghệ cao, R&D, bảo vệ môi trường…
Trong ngắn hạn, cần có các giải pháp cấp bách để hóa giải những ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn chặn nguy cơ dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một số nhà đầu tư FDI lớn. Trong khi đó, về dài hạn cần cải cách ưu đãi toàn diện, có thể không loại bỏ các hình thức ưu đãi theo thu nhập nhưng nên áp dụng song song, xen kẽ các chính sách ưu đãi dựa trên chi phí.
Nhận thức được những nhu cầu này, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành dự thảo Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư và gửi đến các bộ, ngành, địa phương nhằm tổng hợp các ý kiến, kiến nghị. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý cần cân nhắc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ để xây dựng, ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư thông qua giảm trừ nghĩa vụ thuế và giảm trừ thu nhập chịu thuế theo mức đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Riêng về câu chuyện ứng phó với các ảnh hưởng của thuế thu nhập toàn cầu đến hoạt động thu hút đầu tư, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành dự thảo Nghị định về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, đối tượng hỗ trợ của Quỹ nhắm đến các doanh nghiệp, dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, đồng thời đảm bảo tình hình thực hiện vốn dự án đạt trên 3.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc hình thành quỹ này là “đúng và trúng”, giúp cân bằng các lợi thế thu hút đầu tư, giữ chân và khuyến khích được các nhà đầu tư đa quốc gia trong các lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam đang ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài.