(ĐS 21/6) – Chăm lo xây dựng và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp là một trong ba ưu tiên xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Quảng Nam. Cũng nhờ đó, rất nhiều startup xứ Quảng “bén duyên” với các chương trình khởi nghiệp quốc gia.
Quy định có một không hai
Ngay sau khi khởi động xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp, năm 2018, Quảng Nam đã ban hành quy định đánh giá, công nhận và khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh, trở thành địa phương duy nhất có hình thức vinh danh cấp tỉnh cho các startup.
Các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam từng tham gia nhiều hội đồng đánh giá dự án khởi nghiệp cấp trung ương đều cho rằng việc vinh danh dự án như cách của Quảng Nam là “có một không hai”, bởi đây là sự khuyến khích về mặt nhà nước và được tổ chức thường xuyên hàng năm.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đánh giá: “Cách làm của Quảng Nam rất sáng tạo, ngay cả trung ương cũng chưa có quy định cụ thể, nhưng rất phù hợp với các quy định hiện hành. Tôi mong Quảng Nam chia sẻ cách làm hay cho các địa phương trên tinh thần như slogan Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”.
Đến nay, nhiều địa phương cấp huyện như Bắc Trà My, Đại Lộc, Hội An… cũng đã ban hành những quy định cụ thể để khuyến khích, công nhận ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp huyện.
Với cách làm như vậy, tính đến năm 2022, Quảng Nam đã có gần 150 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, tập trung các lĩnh vực du lịch và dịch vụ (bao gồm thực phẩm); nông nghiệp (bao gồm phát triển dược liệu); công nghệ thông tin – truyền thông và công nghiệp phụ trợ – cơ khí & tự động hóa.
Ông Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia chia sẻ: “Là người ngay trong những năm tháng đầu tham gia đánh giá ý tưởng, dự án khởi nghiệp do các cơ quan ở trung ương tổ chức, tôi và Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia rất vui mừng và cảm ơn cách làm của Quảng Nam. Đây là kinh nghiệm và cũng là gợi mở để hiệp hội cùng các cơ quan liên quan tính đến hình thức vinh danh cấp nhà nước cho các startup quốc gia”.
Những quả ngọt
Quảng Nam đã vươn lên tốp đầu khi có khoảng 20 dự án đoạt giải cao trong các chương trình phát triển dự án khởi nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn tổ chức từ cấp vùng trở lên. Tiêu biểu là dự án “Cô gái Bhnong”.
Một tấm gương điển hình của nữ startup trẻ Võ Minh Nga, CEO & Founder của dự án “Cô gái Bhnong” liên tiếp đoạt giải nhất cấp tỉnh, giải nhì cấp vùng và giải nhì cấp quốc gia của Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp do VCCI tổ chức.
Minh Nga từng chia sẻ chưa có nơi nào khởi nghiệp… sướng như Quảng Nam. Từ đó, CEO của dự án tự nhủ mình cần phải làm những gì để mang được nhiều giá trị trong mạng lưới khởi nghiệp đến các bạn khởi nghiệp, để khởi nghiệp xứ Quảng được bền vững và lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt là cột mốc tham gia Shark Tank mùa 5, giúp thương hiệu “Cô giá Bhnong” phủ sóng cả nước và mở ra cơ hội hợp tác đầu tư với Shark Lê Hùng Anh – trở thành startup đầu tiên gọi vốn thành công 5 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, dự án “Mo cau xứ Tiên” của Phan Vũ Hoài Vui (Tiên Phước) đã tạo nên các sản phẩm hộp làm hoàn toàn từ bẹ cau tự nhiên, thay thế hộp xốp nhựa, vừa tạo ra nét đặc sắc riêng, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Dự án này đã xuất sắc vượt qua hơn 400 dự án phụ nữ khởi nghiệp để giành giải “Dự án khởi nghiệp xuất sắc” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Tiếp đến năm 2022, dự án “Lá khô Handmade” của cô giáo Nguyễn Như Sinh (Đại Lộc) với ý tưởng “Lá lìa cành chưa hẳn hết màu xanh” đã biến những chiếc lá bồ đề khô thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng văn hóa Á Đông và khát vọng bảo vệ môi trường, thắp sáng lên ước mơ xanh của tuổi trẻ.
Dự án này đã giành giải nhì cấp vùng của Chương trình tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên do Bộ KH&CN tổ chức và giành giải nhì dự án khởi nghiệp nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức. “Tôi luôn ấn tượng và trân trọng những người đã truyền cảm hứng và định vị sự sáng tạo của dự án. Dự án nâng tầm và say mê từ đấy” – cô giáo trẻ xúc động nói.
Còn nhiều dự án tiêu biểu cấp trung ương, cấp vùng, cấp tỉnh, và hiện nay, có nhiều dự án đã lọt vào vòng chung kết các chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia, hứa hẹn một sự phát triển mới.
Ông Trương Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – người đã tham gia đào tạo chuyên sâu và đồng hành với khởi nghiệp xứ Quảng đánh giá: “Sở dĩ Quảng Nam vươn lên dành nhiều giải thưởng lớn về khởi nghiệp là bởi nắm bắt giá trị cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp, là sự cam kết và truyền cảm hứng của người thắp lửa; bản tính thông minh và truyền thống canh tân, đổi mới của quê hương cộng với sự chăm lo đào tạo. Nhưng quan trọng hơn là sự dấn thân, đam mê của những người thắp lửa và cộng đồng khởi nghiệp”.
Hy vong, Năm quốc gia khởi nghiệp – Quảng Nam 2023 với slogan “Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp quốc gia”, startup xứ Quảng sẽ chiếm lĩnh các chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia.