Sau 6 năm triển khai, dự án bảo tồn, trùng tu 3 nhóm tháp A, H, K Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã kết thúc, mở ra cơ hội mới trong chặng đường hồi sinh các công trình kiến trúc nơi đây.
Diện mạo mới
Triển khai năm 2017, dự án bảo tồn khu đền tháp Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại 2 nhóm tháp K, H quá trình khai quật đã phát lộ nhiều hiện vật, kiến trúc dưới lòng đất như tượng sư tử đá, các trang trí góc tháp, chóp tháp bằng chất liệu đá và đất nung, một số hiện vật đã được trưng bày ngay hiện trường phục vụ khách tham quan.
Nối tiếp việc khai quật, giai đoạn 2017 – 2019 các chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật Việt Nam và Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn triển khai trùng tu, gia cố một số hạng mục các công trình kiến trúc thuộc 2 khu H, K như tường tháp, thân tháp, đế tháp, bậc cấp cửa; khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý nền và lát gạch bên trong toàn bộ phạm vi khai quật tháp.
Riêng tại khu tháp A, từ năm 2020, các chuyên gia đã tập trung gia cố, tu bổ các hạng mục chính công trình, giúp phục dựng thành công khung cửa phía tây và 2 trụ cửa phía đông tháp A1, hình thành bậc cấp lối đi chính vào gian thờ A1; tái định vị một phần trụ giả tại góc tây bắc, đặc biệt sắp xếp lại đài thờ A1 làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Xuyên suốt quá trình trùng tu, phương pháp thực hiện chủ yếu là gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc một cách vững chắc, đảm bảo tính chân xác của di tích. Hầu như suốt quá trình trùng tu, chất vữa sử dụng ở các lớp trên bề mặt chủ yếu là dầu rái và bột gạch, vật liệu sử dụng là gạch cũ kết hợp với gạch mới phù hợp từng vị trí.
Ông Phan Hộ – Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận, sau 6 năm thực hiện (2017-2022), dự án bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã hoàn thành cơ bản các nội dung chính, đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn di tích, được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), các chuyên gia Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá tốt.
“Việc hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo tại 3 khu tháp A, H, K không những khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, mà còn giúp phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc khu đền tháp Mỹ Sơn, góp phần mở rộng không gian du lịch cho di sản” – ông Hộ nói.
Thắt chặt tình đoàn kết
Có thể thấy, việc chọn 3 nhóm tháp A, H, K để bảo tồn đã thể hiện sự quan tâm của các bên trong công tác trùng tu di tích Chăm Mỹ Sơn, bởi đây là nhóm kiến trúc bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh. Dự án được các chuyên gia triển khai thận trọng, từ đơn giản đến phức tạp, sử dụng phương pháp trùng tu tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học, đề cao bảo tồn yếu tố gốc, tái định vị gia cố, gia cường là chính, những khối xây mới bổ khuyết để bảo vệ những khối nguyên gốc cũng chỉ ở mức độ giới hạn cho phép và tạo được sự khác biệt giữa mới và cũ.
Tại lễ tổng kết và bàn giao dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp A, H, K khu đền tháp Mỹ Sơn vừa diễn ra mới đây, ông Subhash Prasad Gupta – Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhìn nhận, thành công của dự án không chỉ góp phần hồi sinh các công trình kiến trúc Champa, qua đó còn giúp tăng cường, siết chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc.
“Mối quan hệ của Ấn Độ – Việt Nam bắt nguồn cách đây hơn 2.000 năm dựa trên những tương đồng về truyền thống, văn hóa lúa nước, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng như những quan điểm, góc nhìn thẩm mỹ, nhân sinh quan… Đây là những trụ cột quan trọng cho mối quan hệ giữa đất nước chúng ta.
Trong đó, hệ thống các kiến thúc đền tháp rải rác ở miền Trung Việt Nam là câu chuyện, minh chứng sống động thể hiện sự kết nối tâm linh giữa hai dân tộc, và khu đền tháp Mỹ Sơn là sự thể hiện tốt nhất cho mối liên kết về văn hóa, văn minh giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lịch sử” – ông Subhash Prasad Gupta chia sẻ.
Đồng thời khẳng định, Việt Nam là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách ngoại giao hướng Đông của Ấn Độ và hai nước đã nâng tầm mối quan hệ ngoại giao thành đối tác chiến lược toàn diện kể từ năm 2016. Đây là nền tảng cho mối quan hệ giữa hai quốc gia trên nhiều phương diện khác nhau và dự án bảo tồn tôn tạo khu đền tháp Mỹ Sơn là một biểu tượng cho nỗ lực chung giữa hai chính phủ nhằm bảo vệ khu di sản. Song đây mới chỉ là sự bắt đầu, thời gian tới Ấn Độ sẽ tiếp tục cam kết thực hiện việc bảo tồn và trùng tu, tôn tạo khu đền tháp F và khu Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, thành công lớn nhất trong quá trình bảo tồn các nhóm tháp không chỉ hồi sinh Mỹ Sơn, thu hút lượng lớn khách đến tham quan mà còn là minh chứng hùng hồn cho truyền thống hợp tác hết sức tốt đẹp của Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, việc cam kết hỗ trợ trùng tu nhóm tháp F và Phật viện Đồng Dương sẽ mang đến nhiều kỳ vọng trong quá trình bảo tồn các công trình kiến trúc Chăm ở Quảng Nam, giúp gìn giữ, phát huy hiệu quả giá trị đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Chăm cũng như các công trình kiến trúc Champa phục vụ du lịch.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/trung-tu-thap-cham-my-son-gop-phan-mo-rong-khong-gian-du-lich-cho-di-san-3026789.html