08:12, 04/08/2023
Bị lừa phỉnh, dụ dỗ “di cư ra nước ngoài sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng, nhàn hạ”, nhiều người dân tộc thiểu số đã rời bỏ buôn làng, thôn xóm, vượt biên trái phép, để rồi “vỡ mộng”, chịu cảnh khổ cực nơi xứ người. Quê mẹ bao dung đã đón họ về, tạo điều kiện cho họ gây dựng lại cuộc sống. Sau những lầm lỗi, nhiều người đã nhận ra rằng: Không đâu bằng quê hương!
Kỳ 1: Vỡ mộng… “thiên đường”
Mờ mắt về những viễn cảnh nơi xứ người được vẽ ra như ở “chốn thiên đường”, nhiều người đã rời bỏ buôn làng, thôn xóm ra đi, để rồi… vỡ mộng!
Lạc lối
Đang có cuộc sống yên bình ở buôn Jang (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo), năm 2015, nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu, vợ chồng chị Nay H’Dyeng (SN 1989, dân tộc J’rai) đã bán hết đất đai, nhà cửa để dắt díu nhau đi tìm cuộc sống sung sướng hơn ở xứ người. Vợ chồng chị cùng hai con nhỏ (SN 2009 và 2011) bắt xe khách ra Hà Tĩnh, từ đây có người đón đưa lên một chiếc xe bít bùng. Sau vài ngày đường với chi phí 40 triệu đồng, cả nhà chị đã đặt chân đến đất Thái Lan.
Anh Rơ Chăm Y Pin (buôn Săm B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) kể về những ngày lưu lạc trên đất Thái. Ảnh: H. Thủy |
Cũng với mong muốn đi tìm “miền đất hứa”, năm 2015, khi được một người quen “vẽ” ra viễn cảnh tươi đẹp ở trời Tây, anh Kpă Y Nek – tên thường gọi là Ama Chem (dân tộc Êđê, ở buôn Drai Điết, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) đã âm thầm giấu vợ con một mình vượt biên. Đi cùng chuyến với anh còn có 7 người lớn nhỏ ở buôn Drai Điết và buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk). Theo chỉ dẫn, Ama Chem cùng mọi người đến Bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh) bắt xe qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Stungtreng (Campuchia) chờ… đi Mỹ (!?).
Năm 2016, nghe người quen dụ dỗ rằng ra nước ngoài làm ăn dễ dàng lắm, tiền công cao hơn ở quê nhà, anh Rơ Chăm Y Pin (dân tộc J’rai, ở buôn Săm B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) bùi tai, quyết định đi tìm “miền đất hứa”. Được người quen “móc nối” với đường dây chuyên đưa người vượt biên, Y Pin bán xe cày và xe máy được 50 triệu đồng làm “lộ phí”. Y Pin cùng hai đứa cháu đón xe sang Gia Lai, từ đây anh được đưa lên một chiếc xe bít bùng mà theo lời anh kể “mình không biết đi đến đâu luôn”. Mất 30 triệu đồng và vài ngày “lắc lư” trên xe, khi nhìn thấy mặt trời, ba chú cháu Y Pin đã đến Thái Lan.
Từ tỉnh Lào Cai di cư vào Đắk Lắk từ năm 1998, đến năm 2015 vợ chồng Ma Văn Quán và Thào Thị Sung (dân tộc Mông, ở thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Drắk) cũng đã tạo dựng được nhà, rẫy. Rồi Quán đi du lịch sang Thái Lan, nghe người quen dụ rằng sang đây làm việc kiếm được nhiều tiền hơn nên về dắt díu vợ cùng 6 người con (đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi)… sang Thái.
Có lẽ trong tâm trí của người đàn ông Mông này thì việc sang nước ngoài cũng giống như di cư từ Lào Cai vào Đắk Lắk vậy. Cả nhà anh Quán cùng gia đình người hàng xóm là Thào A Páo (hai vợ chồng, 6 đứa con, 2 dâu rể, 1 đứa cháu, tổng cộng 11 người) đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh, rồi đón xe đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), lại đón xe sang Campuchia và cuối cùng là đến thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Cán bộ đội công tác phát động quần chúng xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) động viên bà con các buôn làng yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N. Xuân |
“Thiên đường” hay “địa ngục”?
Hăm hở ra đi mong tìm thấy “miền đất hứa”, nhưng đón chờ họ phía trước là chuỗi ngày vất vả, cay đắng ở xứ người cùng với nỗi lo sợ đến tột cùng.
Nhớ lại những ngày cơ cực nơi đất khách quê người, chị Nay H’Dyeng không kìm được nước mắt: “Ở đó như địa ngục, cả nhà chui rúc trong căn nhà trọ chật hẹp, không biết tiếng, giá cả đắt đỏ, cuộc sống rất khó khăn. Nhìn hai con gái nhỏ nheo nhóc, tôi khóc suốt, chỉ ước giá như mình đừng quyết định sai lầm, giá như mình được về nhà”.
Không khổ cực sao được khi mà vừa đặt chân đến đất Thái Lan, gia đình chị đã bị bỏ mặc, phải tự đi tìm nhà thuê, tìm việc làm, trong khi số tiền dần cạn. Con nhỏ nên chị Nay H’Dyeng phải ở nhà cơm nước và chăm nom, mọi việc dồn cả lên vai chồng chị là anh Rô Y Măng (SN 1990), ai thuê gì anh Y Măng cũng nhận làm. Sau 8 tháng mưu sinh nơi đất khách, vợ chồng chị trắng tay, mà tương lai trước mắt ngày càng mờ mịt.
Còn Ama Chem, khi ở Campuchia, anh cùng gần 50 người khác bị nhốt lại trong một căn nhà hai tầng. Mong muốn đi sang xứ người kiếm việc làm gửi tiền về cho vợ con chưa kịp thực hiện, anh nhận ra mình bị lừa. Ama Chem nhớ lại: “Ở đó như ở tù, khổ lắm. Nhiều nhà có con nhỏ càng khổ hơn, đau ốm không được khám chữa bệnh, một số người đã phải bỏ mạng. Thời gian đó mình suy nghĩ rất nhiều và ngộ ra rằng mình bị lừa rồi, đi sang Mỹ đâu có dễ, mà có ở Mỹ hay ở đâu thì cũng phải lao động mới có ăn, làm gì tự nhiên mà có cuộc sống sung túc”.
Nơi đất khách quê người, bất đồng về ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt, ba chú cháu Rơ Chăm Y Pin thuê một căn nhà trọ nhỏ mất hơn 1 triệu đồng/tháng, sống lủi thủi như những người câm. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, việc làm không có, số tiền mang theo hết vèo trong một thời gian ngắn. Y Pin lân la đến các công trình xây dựng tìm việc làm, trung bình mỗi ngày được trả công 350.000 đồng, cũng chỉ đủ trang trải phí sinh hoạt.
Thậm chí có khi còn bị chủ quỵt tiền công. Niềm an ủi và tia hy vọng duy nhất của Y Pin lúc bấy giờ chính là vợ con ở quê nhà vẫn khỏe mạnh, may mắn chưa phải chịu cảnh cơ cực như mình. Y Pin chia sẻ: “Mình gọi điện về nói vợ đừng nghe lời kẻ xấu, nếu có ai đến bảo đón sang với chồng thì đừng nghe vì bên này khổ lắm. Ở đâu cũng đi làm thuê nhưng không đâu sướng bằng ở buôn làng, có anh em, dòng họ, gia đình, không bị đói khát bữa nào”.
Lãnh đạo tỉnh, Trung ương tham dự Ngày hội Đại đoàn kết cùng bà con buôn Ciet, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Còn với anh Ma Văn Quán, bây giờ hễ ai nhắc đến chuyện đi nước ngoài là xua tay lắc đầu: “Thôi thôi, sợ lắm rồi. Giờ cuộc sống có thế nào thì mình cũng ở nhà thôi, ở Việt Nam thôi”. Quãng thời gian 2 năm cực khổ ở xứ người được anh Quán nhắc đi nhắc lại rằng: “Khổ không sao kể xiết, nước mắt mình chảy đầy cả hai chai coca rồi đó”.
Khi vượt biên đến Thái Lan, gia đình anh Quán và anh Páo thuê hai phòng trọ chỉ rộng tầm 20 m2/phòng với giá 2.000 baht/tháng (khoảng gần 1,5 triệu đồng) cho mỗi gia đình chục người ở, tối nằm ngủ xếp lớp như cá. Hằng ngày anh Quán và cậu con trai lớn 18 tuổi đi lang thang xin việc phụ hồ ở các công trình xây dựng, việc lúc có lúc không, có khi làm xong bị quỵt tiền công.
Vợ anh là chị Thào Thị Sung và cô con gái 16 tuổi phải xin đi rửa bát thuê cho các quán ăn. Sau đó, chị Sung lại có thai và sinh thêm con; việc sinh nở cũng diễn ra trong căn phòng trọ chật chội, tồi tàn đó. 30 triệu đồng bọc túi cầm theo từ quê hương bay vèo trong thoáng chốc, rồi sau đó là cảnh bữa đói bữa no, đau ốm cũng không dám đi bệnh viện, phải sống chui nhủi, trốn tránh nhà chức trách của nước sở tại.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Trở về
Vân Lam – Hồng Thủy – Nguyễn Xuân