Cửu Đỉnh - Di sản độc đáo của người Việt

“Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng (Cửu Ðỉnh) ở Hoàng cung Huế” vừa mới được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo Đăk LắkBáo Đăk Lắk30/01/2025

Có gì đặc biệt trong những bức phù điêu chạm khắc trên 9 chiếc đỉnh đồng, để trở thành di sản tư liệu của nhân loại? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Phạm Ðức Thành Dũng, nguyên nghiên cứu viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về giá trị của di sản độc đáo này.

♦ Thưa ông, xin ông cho biết khái quát về Cửu Đỉnh? Tại sao lại là 9 cái đỉnh? Con số 9 ở đây có ý nghĩa gì đặc biệt?

Cửu Đỉnh là 9 cái đỉnh bằng đồng, được an vị tại sân trước Thế Tổ miếu, ngay phía sau Hiển Lâm các, trong Hoàng Thành (Đại Nội) của Kinh thành Huế. Cửu Đỉnh được khởi công đúc từ cuối năm 1835 và hoàn tất đầu năm 1837 dưới triều vua Minh Mạng, tổng cộng 15 tháng. Cửu Đỉnh là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ thể hiện đỉnh cao về kỹ thuật đúc đồng, sự hoàn hảo về mỹ thuật chế tác, và là một tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu đậm, là một văn vật duy nhất có của người Việt.

Vua Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh và đặt ở Thế Tổ miếu như là một cách để cáo với trời đất, với tổ tiên, với tông miếu xã tắc và thần dân trăm họ, về “tôn chỉ” của một bậc quân vương: “Quốc gia trường cửu, triều đại vững bền, thần dân trăm họ thái bình no ấm”. Nhà vua đã xây dựng được một đất nước độc lập về cả vùng trời, vùng biển, về cương vực lãnh thổ núi sông bờ cõi; một đất nước thanh bình, tươi đẹp, nhờ vào tài nguyên thiên nhiên có sẵn, và sự tác động tích cực của con người, của triều đại. Những điều đó đều được những bức phù điêu trên Cửu Đỉnh mã hóa bằng một ngôn ngữ biểu tượng độc đáo và duy nhất có của Việt Nam.

Con số 9 trong Cửu Đỉnh là noi theo phép xưa: đúc Cửu Đỉnh để biểu trưng cho sự thống nhất 9 châu, của vua Đại Vũ trong truyền thuyết. Từ đó, 9 cái đỉnh là biểu tượng cho độc lập thống nhất. Minh Mạng là vị vua đã hoạch định những vấn đề của tương lai quốc gia một cách hệ thống. Nhà vua đã hoạch định cách đặt tên của các vị hoàng đế kế tục cũng như tên cả hoàng tộc cho đến 20 đời sau. Thụy hiệu của 9 đời vua Nguyễn từ thời vua Gia Long trở về sau cũng được đặt bằng 9 mỹ tự và khắc luôn vào từng gian của Thế Miếu. 9 mỹ tự này cũng là tên của 9 chiếc đỉnh. Đó là các chữ Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. 9 mỹ tự này tượng trưng cho những đặc tính lý tưởng mà một triều đại hướng tới, đó là Cao: cao lớn vững càng; Nhân: nhân ái thiện lương; Chương: rực rỡ sáng suốt; Anh: tinh hoa nhân tài hội tụ; Nghị: uy nghi vững chãi; Thuần: trong sạch thuần khiết; Tuyên: tuyên đạt thông suốt; Dụ: thanh bình no ấm; Huyền: sâu xa huyền diệu.

9 chiếc đỉnh đồng trong Hoàng cung Huế.

♦  Thưa ông, hình ảnh nào trên Cửu Đỉnh cho phép chúng ta nhận định rằng: “Cửu Đỉnh biểu trưng cho một nền độc lập về cả vùng trời, vùng biển, về cương vực lãnh thổ núi sông bờ cõi”?

Trên Cửu Đỉnh có hình ảnh của Đông Hải, là vùng biển phía Đông; hình ảnh của Nam Hải là vùng biển phía Nam (thuộc các tỉnh Nam Bộ); hình ảnh của Tây Hải là vùng biển Hà Tiên, nên biểu tượng độc lập về vùng biển quá rõ nét qua những bức phù điêu.

Biểu tượng độc lập về núi sông bờ cõi trên Cửu Đỉnh thì rõ ràng hơn. Đó là những ngọn núi danh tiếng của quốc gia đều có chạm khắc trên Cửu Đỉnh: Thiên Tôn sơn ở Thanh Hóa, Tản Viên sơn (núi Ba Vì) ở Hà Nội, núi Hồng Lĩnh ở Nghệ An, Ngự Bình Sơn, Thương Sơn, Duệ Sơn ở Kinh đô Huế, Đại Lãnh ở Phú Yên. Và những con sông biểu trưng cho các miền Tổ quốc cũng được chạm khắc trang trọng, như: Bạch Đằng, sông Hồng, sông Lô, sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Vệ, sông Bến Nghé, sông Tiền, sông Hậu… đều hiện diện trên Cửu Đỉnh.

♦​​​​​​​ Thế còn ý nghĩa biểu trưng của đất nước giàu đẹp và thanh bình được thể hiện qua những bức phù điêu trên Cửu Đỉnh như thế nào, thưa ông?

Cửu Đỉnh có những hình ảnh như là báu vật do thiên nhiên ban tặng, và những hình ảnh thể hiện thành quả của con người. Như ý nguyện của vua Minh Mạng, là đầy đủ tam tài: Thiên - Địa - Nhân, biểu trưng cho một đất nước giàu có - tươi đẹp - thanh bình.

Sự giàu có, tươi đẹp của một đất nước được biểu trưng qua hình ảnh của chim muông hoa trái, mà vua Minh Mạng đã khái quát bằng mấy chữ Phi (loài bay), Tiềm (loài bơi lặn), Động (các loài thú), Thực (các loài cây cỏ). Điều này vua Minh Mạng cũng có ghi trong lời Dụ. Đó là biểu tượng của một đất nước giàu có tươi đẹp và thanh bình.

Hình khắc Đông Hải (Biển Đông) trên Cao đỉnh - chiếc đỉnh lớn nhất đặt chính giữa.

♦​​​​​​​ Bên cạnh những giá trị mà ông đã trình bày qua ngôn ngữ biểu tượng, Cửu Đỉnh còn những giá trị nổi bật nào để UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu?

Chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World, viết tắt là MOW) do UNESCO khởi xướng từ năm 1992, với mục đích bảo tồn và quảng bá những tư liệu có giá trị đang được bảo tồn tại các đơn vị lưu trữ, thư viện hoặc bảo tàng trên thế giới. Về tiêu chí đánh giá để ghi danh một di sản là Di sản tư liệu của nhân loại, MOW lưu tâm đến: tính xác thực, tính quý hiếm, tính toàn vẹn, và ý nghĩa quốc tế… Tất cả tiêu chí ấy, Cửu Đỉnh đều đáp ứng một cách toàn vẹn.

Những bức phù điêu trên Cửu Đỉnh có nội dung, hình thức quá độc đáo, quá riêng biệt, là di sản duy nhất có của người Việt, không thể thay thế, nếu mất đi hoặc bị hủy hoại sẽ là tổn thất lớn cho kho tàng văn vật của nhân loại. Đó là giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này.

♦ Trân trọng cảm ơn ông!




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available