RMIT Việt Nam tổ chức hội thảo, nghiên cứu về giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) để giảm thiểu tác động của các vấn đề đô thị hóa, quản lý nước thải…
NBS lấy cảm hứng và hỗ trợ từ tự nhiên, hiệu quả về mặt chi phí, mang lại lợi ích môi trường, xã hội và kinh tế, đồng thời, giúp xây dựng khả năng phục hồi. Những giải pháp này có thể đa dạng hóa đặc điểm quy trình tự nhiên và thiên nhiên vào các thành phố, cảnh quan thông qua biện pháp can thiệp, điều chỉnh để thích ứng với địa phương, mang lại hiệu quả về mặt tài nguyên một cách hệ thống.
Để nâng cao nhận thức và thúc đẩy áp dụng NBS vào quy trình xử lý các vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu và quản lý nước thải, Đại học RMIT Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia APN 2023 vào tháng 8. Với chủ đề “Khả năng mở rộng và áp dụng đại trà các giải pháp NBS: Thách thức và cơ hội”, sự kiện có sự tham gia của đại diện từ các trường đại học hàng đầu trong nước như Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Cần Thơ và Đại học Quốc tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp dựa vào thiên nhiên, bao gồm hệ thống đầm lầy nổi và mái nhà xanh cho các thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao như TP HCM và Cần Thơ. Đây là một phần của mạng lưới châu Á – Thái Bình Dương về tài trợ nghiên cứu thay đổi toàn cầu cho dự án “Đánh giá tổng hợp hoạt động hiện có, phát triển lộ trình để tích hợp hiệu quả xử lý nước dựa vào thiên nhiên tại các khu vực đô thị ở Sri Lanka, Philippines và Việt Nam”.
Kết thúc hội thảo, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy – giảng viên cấp cao ngành Tài chính Đại học RMIT nhấn mạnh loạt công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ vệ tinh, cảm biến và blockchain có thể cải thiện các dự án NBS, quy trình giám sát, báo cáo và xác minh bằng cách giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.
Song song với vai trò chủ trì các hội thảo trong nước và quốc tế, RMIT Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu có tác động đến địa phương, ứng dụng NBS vào giải quyết vấn đề thực tế. “Việc quản lý nước thải sao cho hiệu quả đặt ra thách thức không nhỏ, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội. Với tình trạng quản lý nước thải hiện tại và tầm nhìn bao quát của Chính phủ, chúng ta phải có các giải pháp bền vững”, Th.S Nguyễn Thị Thu Trang – giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT chia sẻ.
Theo đó, nhóm nghiên cứu do cô làm chủ nhiệm đã tiến hành phân tích và đề xuất giải pháp cho các thách thức quản lý nước thải, chủ yếu tại Hà Nội. Năm 2021, công suất xử lý nước thải ở Hà Nội đạt 276.000m3 mỗi ngày, tương đương với chỉ 28,8% tổng lượng nước thải.
Một trong những giải pháp xanh tiềm năng để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải cho khu vực ngoại thành là hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung), có thể giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nước thải chưa qua xử lý đối với nguồn nước mặt. Ví dụ, các hệ thống xử lý nước thải hoạt động nhờ sự kết hợp giữa đất, nước, thực vật và khí quyển.
Đây là loại hình NBS có thể áp dụng cho hộ gia đình riêng lẻ hoặc nhóm ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Xử lý nước thải phi tập trung (DWWT) là phương pháp có khả năng vận hành hài hòa cùng với Xử lý nước thải tập trung (CWWT) để tăng số lượng hộ dân được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch và vệ sinh.
Sau khi tiến hành phân tích chi phí và lợi ích, nhóm nghiên cứu kết luận, các giải pháp này có thể mang lại lợi ích xã hội, môi trường và kinh tế hơn 200 triệu USD mỗi năm cho Hà Nội, đồng thời, phù hợp với kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị của thủ đô năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhật Lệ