Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Ninh Bình đạt 86,64 điểm (86,64%), xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021 và cao hơn chỉ số CCHC trung bình của cả nước 1,85%. Con số “biết nói” này đã cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong chỉ đạo thực hiện công tác CCHC nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Chỉ số CCHC cấp tỉnh được xác định trên cơ sở Bộ tiêu chí được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần. Trong 8 lĩnh vực được đánh giá, Ninh Bình tiếp tục duy trì xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, đạt 9,5/9,5 điểm (100%); 4 lĩnh vực tăng thứ hạng so với năm 2021, trong đó lĩnh vực Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế – xã hội có sự bứt phá, tăng 31 bậc so với năm 2021.
Có thể nói, công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, Ninh Bình nhiều năm qua được đánh giá là một trong những tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất và có hiệu quả về cải thiện môi trường thu hút đầu tư (2 năm liền duy trì vị trí thứ 1 trong lĩnh vực công tác chỉ đạo, điều hành CCHC).
Để đạt kết quả này, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, trọng tâm là triển khai thực hiện Chủ đề công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính”. Tích cực đề xuất các sáng kiến, giải pháp CCHC. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về CCHC, về chuyển đổi số, qua đó vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng, đồng thời khuyến khích sự nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến hay về CCHC. Thực hiện tốt chế độ báo cáo CCHC, công tác kiểm tra CCHC, vừa đảm bảo tỷ lệ cơ quan được kiểm tra theo quy định và tích cực chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được kiểm tra hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh duy trì thực hiện tốt việc đối thoại với doanh nghiệp và xử lý các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Các lĩnh vực tăng thứ hạng so với năm 2021, đó là: lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 12,78/13 điểm (đạt 98,31%), xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố (tăng 0,53% và 22 bậc so với năm 2021); Lĩnh vực Cải cách tài chính công đạt 10,38/12 điểm (đạt 86,5%), xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 6% và 11 bậc so với năm 2021). Đặc biệt, lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đạt 13,57/16,5 điểm (đạt 82,44%), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 10,8% và 31 bậc so với năm 2021).
Sở dĩ các lĩnh vực tăng thứ hạng là do tỉnh đã thực hiện tốt các quy định về kiểm soát TTHC, kịp thời xử lý các vấn đề phát hiện qua rà soát TTHC và thực hiện việc công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo đúng quy định việc đưa TTHC vào giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp và giữa các cấp chính quyền. Cùng với đó, đã thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC.
Trong cải cách tài chính công, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt quy định về việc sử dụng kinh phí nguồn từ ngân sách Nhà nước; không có sai phạm về các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh ban hành về quản lý, sử dụng tài sản công.
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Anh Hoàng Đình Xuyên, ở xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) cho biết: Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền huyện Yên Khánh đã có nhiều nỗ lực trong CCHC gắn với chuyển đổi số. Nhiều thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: việc cấp thẻ CCCD; xác nhận lý lịch tư pháp; đăng ký thẻ BHYT… đã được liên thông, giải quyết nhanh chóng. Các thủ tục hành chính, lệ phí giải quyết TTHC được thực hiện công khai, minh bạch đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức ở Bộ phận Một cửa trong thực thi nhiệm vụ. Do vậy tôi rất hài lòng.
Tiếp tục nỗ lực cải thiện các chỉ số
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, có 3 lĩnh vực giảm thứ hạng so với năm 2021 (Cải cách thể chế; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Cải cách chế độ công vụ), trong đó lĩnh vực Cải cách thể chế giảm 39 bậc so với năm 2021. Sở dĩ có tình trạng này là do tỉnh còn 4 văn bản quy phạm pháp luật cần phải xử lý theo Kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số điểm điều tra xã hội học về tính đồng bộ thống nhất, tính hợp lý, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành còn đạt thấp.
Qua việc phân tích, tổng hợp kết quả chỉ số CCHC năm 2022 cũng giúp tỉnh nhìn nhận các điểm mạnh, điểm tích cực để phát huy, đồng thời thấy rõ các mặt hạn chế, những điểm nghẽn dẫn đến mất điểm ở các tiêu chí đánh giá. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường giải pháp để khắc phục nhằm cải thiện điểm số, nâng cao chất lượng CCHC. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, giải pháp CCHC. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt việc đối thoại với người dân, doanh nghiệp và tập trung xử lý các kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp tại các hội nghị đối thoại.
CCHC là khâu đột phá chiến lược, tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 cũng cho thấy một số tiêu chí thành phần còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Những hạn chế, bất cập này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do đó cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nghiêm túc đánh giá khách quan những hạn chế, có giải pháp khắc phục để thực hiện. Cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn, giảm tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn, trường hợp có trễ hạn phải thực hiện nghiêm việc xin lỗi đối với tổ chức, công dân. Tiếp tục xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, thực hiện thanh toán trực tuyến. Nâng cao hiệu quả triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư của tỉnh, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra trong năm. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng về CCHC đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Mai Lan