Màn biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc SEA Games 32 trên sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 5/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhà sử học Sorn Samnang, công tác tổ chức SEA Games 32 của Campuchia đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả quốc tế khi đan xen trong đó những yếu tố lịch sử và văn hóa. Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm 5/5 đã mang lại góc nhìn tích cực về lịch sử và xã hội Campuchia, khi bắt đầu với màn trình diễn lấy bối cảnh từ thời Nokor Kork Thlok, được xem là thời kỳ khởi thủy của lịch sử quốc gia Đông Nam Á. Lễ bế mạc đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 17/5 cũng thu hút sự chú ý dự luận quốc tế.
Nhà sử học Sorn Samnang bày tỏ niềm tự hào về sự phát triển của thể thao Campuchia, với thế hệ vận động viên tài năng, cũng như việc đầu tư sân vận động mới và các cơ sở hạ tầng thể thao khác. Ông khẳng định “tất cả đều đại diện tích cực cho hình ảnh Campuchia với thế giới”. Ngoài ra, ông Sorn Samnang cũng cho biết khẩu hiệu “Thể thao – Sống trong hòa bình” của SEA Games 32 vô cùng phù hợp với tầm nhìn của thế giới, hướng tới văn hóa hòa bình.
Với tư cách là nước chủ nhà đăng cai SEA Games 32, Campuchia đã nỗ lực để tổ chức thành công đại hội, mở ra cơ hội thúc đẩy chi tiêu trong nước, quảng bá hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, thu hút đầu tư tiềm năng và nâng cao hình ảnh của người dân nước này.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Tiến sĩ Ky Sereyvath – một chuyên gia về kinh tế, đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia – nhận định việc Chính phủ Hoàng gia Campuchia chi hàng triệu USD cho công tác tổ chức SEA Games 32 đã mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Chuyên gia Ky Sereyvath cho biết, nước chủ nhà SEA Games 32 đã miễn phí vé vào cửa cho khán giả tới các trận đấu tại đại hội, miễn phí lưu trú và dịch vụ ăn uống cho tất cả thành viên các đoàn thể thao, cũng như không thu phí bản quyền phát sóng của các đối tác truyền thông. Ông Ky Sereyvath nhấn mạnh đây là những hình thức tích cực nhằm quảng bá hình ảnh của Campuchia với thế giới, theo đó tạo điều kiện phát triển cho ngành du lịch Campuchia, cũng như cải thiện thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, SEA Games 32 cũng là dịp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư thông qua việc các hãng truyền thông quốc tế đưa tin về Campuchia. Chuyên gia Ky Sereyvath nhận định SEA Games 32 cũng là sự kiện đặc biệt để chính người dân ý thức hơn về sự phát triển của Campuchia hiện nay và lòng yêu nước.
Campuchia được các quốc gia Đông Nam Á, cũng như các nước khác trên thế giới, đánh giá cao với tư cách là chủ nhà của SEA Games 32. Điều này tái khẳng định cam kết của Vương quốc Campuchia trong việc tổ chức sự kiện thể thao khu vực, đảm bảo các nước tham gia đại hội cảm nhận được lòng hiếu khách nồng hậu, tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.
Theo QUANG ANH (Báo Tin Tức)