Cán bộ chơi golf trong giờ hành chính ở Bắc Ninh.
Golf – môn thể thao quý tộc từ châu Âu du nhập vào Việt Nam từ gần 3 thập niên, và đang trở thành môn thể thao được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam. Giới chuyên môn khẳng định, chơi golf mang lại rất nhiều iợi ích mà những môn thể thao khác không thể có được.
Theo đó, người chơi golf (golfer) có cơ hội hòa mình cùng với thiên nhiên và cải thiện tâm trạng. Chơi golf nâng cao thể chất tổng thể, tác dụng giảm cân và kiểm soát trọng lượng cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ, tốt cho trí não và cải thiện tư duy, suy nghĩ…
Thế nhưng, khi golf dần trở thành một trào lưu phổ biến, không ít người bắt đầu tìm thấy ở đó những yếu tố kịch tính, ganh đua để rồi những biến tướng xuất hiện làm biến tướng bản sắc của môn thể thao mang vẻ đẹp lịch lãm, tinh hoa, có rất nhiều tác dụng đối với sức khoẻ thể chất và tinh thần này.
Những ngày qua, câu chuyện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh một tuần dành 2-3 buổi đi chơi golf trong giờ hành chính khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người cho rằng, đây không phải là trường hợp cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương. Không thể phủ nhận sức hút và những lợi ích mà môn thể thao này mang lại nhưng sân golf cũng có những góc khuất.
Cán bộ bỏ việc đi chơi golf trong giờ làm việc là một trong những hệ quả của sự biến tướng môn golf.
Dễ “gây nghiện”
“Tôi nghĩ người giàu cảm thấy họ ở đẳng cấp khác khi cầm trên tay một bộ gậy golf”, một huấn luyện viên golf có tiếng tại Việt Nam chia sẻ với VTC News. Vị này cho biết, với điều kiện kinh tế ở Việt Nam hiện nay, môn golf ngày càng phổ biến. Đây là môn thể thao kích thích giới hạn bản thân.
“Tôi vốn là người chơi quần vợt trước khi biết đến golf. Khi thử chơi, tôi nghĩ tại sao golf dễ hơn Quần vợt mà mình đánh không được. Vì vậy, tôi luôn tạo động lực chiến thắng bản thân“, vị HLV nọ cho biết thêm.
Chia sẻ với VTC News, anh Thành Văn (tên nhân vật được thay đổi) – một doanh nhân hơn 40 tuổi trong ngành xây dựng ở Hà Nội –người từng nhiều năm chơi golf bật mí cách anh đến với môn thể thao thời thượng này và ngày càng đam mê.
“Tôi biết đến golf đúng theo kiểu bạn bè rủ rê thì chơi thử. Vốn dĩ tôi là fan bóng đá từ bé, khi còn đi du học châu Âu thì cũng chỉ bỏ tiền xem bóng đá. Nhưng golf mang đến những trải nghiệm hoàn toàn khác”, anh Văn nói.
Theo vị này, tập golf không khó như nhiều người nghĩ. Sau một thời gian nhất định, khi đã làm tốt động tác cơ bản, người chơi sẽ khám phá ra một thứ cảm xúc mới, chẳng khác nào thứ chất “gây nghiện” với não bộ.
“Với tôi và nhiều bạn chơi, môn golf là môn thể thao đối kháng với chính mình, thắng thua hoàn toàn do bản thân, thành tích cá nhân ít bị tác động. Mình đánh tốt nhất trong khả năng và không đối kháng với ai cả. Do đó, môn golf là môn mang đến sự kích thích cho bản thân, vượt lên chính bản thân mình”, doanh nhân Thành Văn cho hay.
Môn golf có nhiều lợi ích nhưng đi kèm với đó là những góc khuất.
Khi đã “nghiện golf”, vị doanh nhân này không còn thiết tha với bóng đá, và cũng bỏ luôn tennis. Cứ có thời gian rảnh, anh Văn lập tức sắp xếp để có mặt tại sân golf. Niềm đam mê với golf cứ thế lớn dần. Sau đó, anh Văn cũng mời thêm nhiều người bạn có cùng điều kiện cũng tham gia chơi golf mỗi lúc rảnh rỗi.
Cũng bởi là môn thể thao “quý tộc”, thành phần người chơi golf cơ bản vẫn là tầng lớp “tinh hoa” của xã hội. Có người tìm đến golf để mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh, để tiếp khách và thậm chí là để “làm hình ảnh”.
“Tôi biết nhiều trường hợp, và cá nhân tôi cũng vậy, đến sân golf, đánh một trận golf đôi khi là đánh giá cả đối tác của mình như thế nào. Golf là môn khiến người chơi bộc lộ rất nhiều về tính cách. Ngoài ra, đối tác được tiếp mình tiếp trên sân golf là điều bình thường. Golf có nhiều mặt tích cực”, anh Văn nói.
Trong khi đó, cách đây 6 năm, anh N.V.S (Bắc Ninh) tình cờ được bạn rủ đi cùng nhưng giờ đây lại tự nhận là người “nghiện golf”.
“Golf cũng là thể dục thể thao. Lên sân golf thì mình cảm giác như ở một đẳng cấp khác khi được rất nhiều người phục vụ, được sự tôn trọng thậm chí đưa mình lên. Ngoài ra, sân golf cũng rất đẹp, cảnh quan rộng rãi. Mỗi sân golf là những trải nghiệm khác nhau.
Đặc biệt khi chơi golf, tôi dường như thoát khỏi những bức xúc và căng thẳng trong công việc”, anh S lý giải vì sao nhiều người ham chơi dẫn đến mức có thể gọi là nghiện golf.
Vì vậy, anh S không ngại ngần thừa nhận “hở ra có thời gian là mình đi đánh golf”.
Anh S. cũng kể trước đây, anh có thể đánh 2 trận/ngày, mỗi trận golf 18 hố và ít nhất cũng phải dành ra trên 5 tiếng đồng hồ, có khi là cả một ngày trên các sân golf.
Làm việc trên sân golf
Cũng có cùng chia sẻ với với nhiều người đam mê golf, anh P.T giám đốc một doanh nghiệp ở Hải Phòng tâm sự rằng, hiện nay, rất nhiều người đến sân golf chơi trong giờ hành chính không phải chỉ đi chơi mà là đi làm việc, đi giao dịch, trao đổi công việc.
“Nói đi chơi golf là một góc nhìn thôi, còn thực ra bây giờ họ làm việc ở sân golf là nhiều. Đi làm mà như đi chơi, đi chơi như đi làm”, anh T. nói và cho rằng tại sân golf việc giao dịch, trao đổi, tiếp cận đối tác dễ dàng và tuyệt mật.
Trên sân golf cũng xuất hiện không ít cán bộ nhà nước, không ít trong số đó đi chơi trong giờ hành chính như VTC News đã đăng tải.
Say mê golf quá đà – như những “con nghiện” – kéo theo nhiều hệ lụy.
“Đến như chủ tịch phường cũng đi đánh golf, họ đi để phục vụ cấp trên, để dễ lên chức. Nói đúng ra là hoàn toàn đi làm ăn”, anh T. nhận định.
“Các ông ấy đi thì phải có người phục vụ. Người phục vụ thì đông lắm”, anh T. chia sẻ và cho rằng trên sân golf, phần nhiều là “văn hóa đi hầu”, chủ yếu là cấp dưới hầu cấp trên, doanh nghiệp hầu quan chức.
Anh T. cho rằng nhiều quan chức bỏ bê công việc để tham gia môn thể thao quý tộc, bởi họ không cưỡng lại được sức hút của “quyền lực mềm” trên sân golf.
Khách vào sân golf được kiểm soát rất chặt chẽ, camera đặt khắp nơi. Một lần, anh T. cùng bạn vào resort sân golf ở Hải Phòng. Thấy khách, bảo vệ liền đến hỏi thăm ở phòng nào, anh T. trả lời “chúng tôi thấy đẹp chúng tôi vào thăm”. Ngay lập tức, bảo vệ yêu cầu: “Các anh ra ngoài ngay”.
“Cho nên cái văn hóa sân golf với nhiều người không còn là đi thể dục thể thao nữa”, golfer này chia sẻ.
Cá độ trên sân golf
Để vào chơi trong các sân golf, người chơi phải mua thẻ theo kỳ, theo quý, cao cấp hơn là thẻ 1 năm. “VIP nhất là mua theo năm. Còn thành phần “ong ve” mới mua thẻ trả tiền theo ngày. Bèo bọt nhất cũng từ 3-5 triệu một buổi chơi golf”, vị này bật mí.
Tiêu tiền trên sân golf cũng là cách thể hiện đẳng cấp trong quan điểm của nhiều người.
Ngoài ra, người chơi cũng phải “bo” cho người phục vụ 200 nghìn đồng/người, mà mỗi tổ phục vụ thường có 5-7 người, riêng tiền bo cũng mất 1-2 triệu. Tiền thuê sân, mỗi người cũng mất ít nhất 5 triệu, một buổi chơi nhanh nhất cũng mất nửa ngày (4 tiếng). Mỗi tháng ít nhất cũng mất khoảng 50 triệu.
“Như trường hợp bố em, đi là đi cả tuần, đi kiểu đi tour, đi đánh giải ở các sân. Tốn kém lắm, nói chung là mất tiền tỷ 1 năm”, anh T. dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo vị doanh nhân, số tiền trên chỉ đơn thuần là chơi golf, còn chưa nói đến chuyện cá độ. Cá độ là văn hóa của người chơi golf, mà cá độ là tiền trăm triệu, tiền tỷ. Việc cá độ thường diễn ra trong một nhóm cùng đi chơi golf với nhau.
“Cá độ cả nghìn USD ấy, cá độ bằng tiền Việt chỉ mấy ông chơi với nhau cho vui thôi. Trò này là cái trò tiêu tiền không phải nghĩ”, anh T. bày tỏ.
Chính vấn nạn cá cược trong môn golf đang dần khiến môn thể thao này “méo mó”. Thậm chí, cá độ golf cũng chẳng khác gì các hình thức đánh bạc, mà người chơi hoá thân vào chính hoạt động mình tham gia cá cược.
Doanh nhân Thành Văn (Hà Nội) cũng không ngần ngại chia sẻ câu chuyện cá độ với phóng viên.
“Chắc chắn rồi, golf cũng như những trận bóng đá cúp C1 châu Âu, phải có cá độ. Dĩ nhiên, việc cá độ với nhà cái không phải thứ mà nhiều golfer quan tâm. Ở đây, cá độ và ăn thua với bạn chơi golf mới là thứ khiến nhiều người không tài nào dứt được môn golf”, doanh nhân Thành Văn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mức chi phí “tốn kém” nhất với golfer thời điểm này không phải tiền sân, tiền “bo” caddy hay tiền ăn ở mà là tiền “độ” với đối thủ. Có nhiều hình thức độ. Số tiền độ không giới hạn từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thậm chí là nhiều tỷ đồng cho một trận đấu, tuỳ vào túi tiền của người chơi.
Thậm chí, tiền độ còn tính theo từng gậy (càng đánh ít gậy để hoàn thành một vòng hố sẽ càng được tính thành tích cao). Ví dụ, nếu quy ước người thua phải nộp 10 triệu cho mỗi gậy nhiều hơn đối thủ. Số tiền có thể lên đến cả trăm triệu đồng nếu golfer mới không may gặp phải “cao thủ”.
“Đánh độ có khi chỉ là để vui thôi, ví dụ như ai thua phải trả tiền caddy chẳng hạn. Tuy nhiên, rất nhiều người chơi cá độ, coi đó là một nghề. Nhiều người ở Việt Nam nêu lý do chơi đánh độ là luyện thần kinh, nhưng đó chỉ là lời bao biện.
Họ sẽ cá độ dựa trên Handicap (chỉ số “chấp” của golfer). Trong bóng đá có hình thức cá độ phạt góc, ghi bàn, tỷ số thì trong golf có cá độ đánh bóng rơi xuống nước, rơi vào bẫy hoặc độ hơn thua gậy, hố. Họ có thể đánh 200 nghìn, 500 nghìn một gậy. Nhiều hơn thì có tiền triệu, thậm chí trăm triệu“, vị huấn luyện viên chuyên nghiệp golf hé lộ.
Chuyện “tan cửa, nát nhà”, bán tháo tài sản trả nợ vì thua độ golf không phải không có. Theo lời kể của doanh nhân Thành Văn, một người bạn ở phía Nam của doanh nhân này từng thua “một căn nhà TP.HCM” chỉ vì máu cờ bạc nổi lên.
Thế rồi, khi càng thua thì golfer – con bạc càng trở nên “khát nước”. Từ đây, công việc kinh doanh, gia đình ngày càng bị xem nhẹ. Tất cả chỉ nghĩ đến việc đánh golf và gỡ gạc tiền thua độ golf.
Vào giữa tháng 3 năm nay, công an đã bắt qủa tang nhiều golfer đánh bạc dưới hình thức chơi poker trong khách sạn khi chuẩn bị tham gia giải golf tại sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc). Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, 41 bị can đã phạm vào các tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc” và một số bị can bị xác định phạm cùng lúc cả 2 tội danh này.
Các bị can phần lớn là doanh nhân, có chung sở thích chơi golf. Đáng chú ý, trong số này có 2 phó chủ tịch hiệp hội golf.