Đề án được triển khai nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Theo đó đề án đã đưa các các gải pháp hữu hiệu như giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị.
Xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm. Lồng ghép quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và đời sống của người dân.
Phố Tạ Hiện – một điểm ăn chơi về đêm, thu hút đông du khách của Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Ưu tiên phát triển mô hình sản phẩm du lịch đêm ở khu vực có tiềm năng như lượng khách du lịch tập trung đông, được đảm bảo các yếu tố về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp và có điều kiện để nâng cấp, mở rộng, kết nối với các hoạt động kinh tế ban đêm hoặc đã có Đề án phát triển kinh tế đêm được chính quyền địa phương phê duyệt.
Trong đó xây dựng mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đảm bảo kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông, trung tâm đô thị, khu, điểm du lịch; tổ chức phân luồng giao thông, quản lý các tuyến phố cho các hoạt động du lịch đêm. Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhà ở phù hợp với các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Về cơ chế chính sách rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và các điều kiện kinh doanh khác nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đêm phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Rà soát, kiến nghị, bổ sung các quy định liên quan về quản lý rủi ro, ứng phó với các tai nạn, sự cố, bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi triển khai hỗ trợ các hoạt động du lịch đêm.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian văn hóa công cộng, có nhiều hoạt động thú vị (Ảnh: Hoàng Triều)
Căn cứ các quy định của pháp luật và chủ trương phát triển kinh tế đêm và điều kiện thực tế, nghiên cứu, xem xét đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cung cấp dịch vụ, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h00 sáng hôm sau tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nghiên cứu, rà soát kiến nghị điều chỉnh chính sách phúc lợi, tiền công phù hợp đối với lao động làm việc đêm, bảo đảm khuyến khích phát triển các dịch vụ đêm. Tổ chức đội ngũ an ninh, trật tự viên tại các địa phương áp dụng mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách.
Về tổ chức và quản lý dịch vụ tổ chức phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm theo thời gian cố định; không gian du lịch đêm linh hoạt theo từng sự kiện; tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử làm cơ sở quản lý hoạt động du lịch đêm hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, đơn vị khai thác với người lao động, khách du lịch và người dân, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tuân thủ quy định pháp luật. Xây dựng và ban hành một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả triển khai các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm.
Về nguồn nhân lực cần hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển nhân lực du lịch, trong đó chú trọng thu hút lao động tham gia hoạt động du lịch đêm. Chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch, phù hợp hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong ngành du lịch. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng nghiệp vụ quản lý, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…cho các đối tượng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm, trong đó chú trọng vai trò tích cực của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch, phát huy tinh thần “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.
Khuyến khích doanh nghiệp, người sử dụng lao động triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực lao động tham gia các hoạt động du lịch đêm. Về đầu tư khuyến khích thu hút nguồn lực trong xã hội, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thứ cấp, cộng đồng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm và các dịch vụ bổ trợ theo chuỗi giá trị.
Khuyến khích đầu tư, xây dựng có hệ thống và đồng bộ các sản phẩm văn hóa truyền thống, hiện đại giàu tính nghệ thuật, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo phục vụ khách du lịch về đêm; phát triển ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền; phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, các trung tâm mua sắm hiện đại. Có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; sau khi tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tại các địa phương, từ sau năm 2026 sẽ xem xét nhân rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Nghiên cứu thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; đánh giá, dự báo hàng năm về thị trường khách và sản phẩm phù hợp để định hướng thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch đêm. Triển khai các kế hoạch xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đêm hướng tới khách du lịch nội địa và quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt nhóm lưu trú dài ngày, có khả năng chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Về ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả hoạt động du lịch đêm. Xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch ban đêm. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá về du lịch nói chung và sản phẩm du lịch đêm nói riêng.
Triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, trong đó ưu tiên triển khai ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và thẻ du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đặc biệt khuyến khích các nhà hát, bảo tàng, thư viện, triển lãm, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa, thương mại, hệ thống nhà hàng, các cơ sở cung cấp dịch vụ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ, để mở cửa phục vụ du khách về đêm. Khuyến khích các điểm tham quan, di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng… tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch tổ chức chương trình phục vụ khách du lịch vào ban đêm. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng, vận tải du lịch đường bộ, đường thủy nâng cấp trang thiết bị theo quy định để đáp ứng yêu cầu kéo dài thời gian phục vụ khách vào ban đêm.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các điểm tham quan; các trung tâm thương mại, tổ hợp mua sắm quy mô lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24h với hàng hóa chất lượng cao, đại diện cho các sản phẩm vùng miền, có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế. Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa, niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định vào ban đêm để phục vụ khách du lịch. Tăng cường công tác quản lý điểm đến, thiết lập trung tâm hỗ trợ du khách, các ứng dụng trên thiết bị di động, đường dây nóng, để hỗ trợ, cung cấp thông tin và giải quyết kịp thời các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường ảnh hưởng đến du khách. Bố trí hệ thống camera giám sát và các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực tổ chức hoạt động du lịch ban đêm./.
Vương Thanh Tú