Những đêm diễn không chỗ trống
19h, cả khán phòng tại Trung tâm tiệc cưới Anfamariview, Mường Pách, Xiêng Khoảng (Lào) không còn một chỗ trống. Người già, người trẻ, người Việt, người Lào đều mang tâm trạng háo hức tới xem.
Được biết, đây là đêm diễn cuối cùng trong chuỗi 3 đêm diễn tại Lào của Nhà hát Kịch Việt Nam, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Lào phối hợp tổ chức.
Tiết mục văn nghệ ca ngợi tình hữu nghị Việt- Lào. Ảnh: Hiếu Minh |
Đêm diễn mở đầu bằng những tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người hai nước, ca ngợi tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào do Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Lào biểu diễn. Tiếp đến là vở kịch nói “Đôi mắt sáng” do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn.
Đêm diễn đã chạm tới cảm xúc người xem theo một cách riêng biệt và cảm động. Không khỏi bắt gặp được những giọt nước mắt của khán giả khi được nhìn thấy hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu trong vở kịch “Đôi mắt sáng”, giọt nước mắt của sự xúc động xen lẫn hạnh phúc.
Bà Soudala Chanthavithong, một người Lào đã có nhiều năm sang Việt Nam học tập, cho biết bà rất vinh dự và tự hào khi được tới xem buổi biểu diễn văn nghệ ngày hôm nay. Bà mong muốn, thời gian tới có nhiều hoạt động tương tự để nhân dân hai nước giao lưu, tìm hiểu về. Đồng thời, để các thế hệ ngày nay tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp để các thế hệ con cháu mai sau noi gương, cùng nhau chung tay bảo vệ gìn giữ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn nữa.
Vở kịch nói “Đôi Mắt Sáng” với nội dung ý nghĩa về ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội. Từ đó động viên các thương binh, những người đã hi sinh một phần thân thể của mình cho đất nước, cho dân tộc, nay lại tiếp tục nỗ lực cống hiến, hăng say lao động, sản xuất, học tập, tiếp tục là người có ích và đóng góp cho xã hội. |
“Khi nghe thông báo có chương trình nghệ thuật Việt Nam biểu diễn ở Viêng Chăn, em thật sự rất vui. Em ấn tượng nhất là vở kịch “Đôi mắt sáng”. Lần đầu em thấy được hình tượng Bác Hồ sống động như thế. Qua vở kịch, em nhận ra bài học là dù bản thân mình như thế nào thì luôn phải tiến lên, bước tiếp và không nên gục ngã. Em mong muốn những thế hệ hôm nay nên cùng nhau hướng về những mục tiêu lớn hơn để giúp xây dựng đất nước cũng như vun đắp cho tình hữu nghị của hai đất nước ngày càng thân thiết và bền chặt hơn”, em Trần Thị Nha – học sinh lớp 7 Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du chia sẻ.
Được biết, nhằm ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt Nam – Lào, Nhà hát Kịch Việt Nam đã phối hợp cùng với Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Lào mang chương trình nghệ thuật với vở kịch “Đôi mắt sáng” đến với kiều bào tại tỉnh Chăm Pa Sắc, thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Xiêng Khoảng – Lào.
Vở kịch “Đôi mắt sáng” do các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Hiếu Minh |
NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, trước khi sang Lào biểu diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam đã xây dựng và chọn lựa các chương trình nghệ thuật chất lượng để đem đến cho khán giả Việt Nam và Lào các tiết mục hay và hấp dẫn. Đồng thời, truyền tải hình ảnh Bác Hồ, những giá trị nhân văn và nghị lực sống đến người dân hai nước để từ đó họ không ngừng cố gắng vươn lên trong học tập, lao động và vun đắp, gắn kết cho mối tình keo sơn hai nước Việt Nam-Lào.
Nghệ thuật kết nối trái tim
Trong những năm qua, đã có nhiều vở kịch nói được xây dựng ca ngợi về mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Có thể kể đến là: vở kịch “Đồng chí Việt” do nghệ sỹ ưu tú Hongnakhon Thumphala, Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào viết kịch bản và đạo diễn, xây dựng hình tượng anh bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào thành biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm và tràn đầy tình thương mến trong lòng nhân dân các dân tộc Lào.
Vở kịch “Chung một chiến hào” do nghệ sỹ ưu tú Hongnakhon Thumphala, Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, viết kịch bản và đạo diễn được xây dựng từ câu chuyện có thật về hình ảnh các anh bộ đội tình nguyện Việt Nam đã cùng các đồng đội Lào chiến đấu và hy sinh anh dũng trên một chốt tiền tiêu tại mặt trận Xiengkhuang, Bắc Lào năm 1972.
Các buổi diễn nhận được sự háo hức của cộng đồng người Việt và Lào. Ảnh: Hiếu Minh |
Diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam cho biết, những đêm biểu diễn thành công rực rỡ là những đêm đã thu hút rất đông khán giả tới xem, các điểm biểu diễn tại Lào chật kín. Sau khi vở diễn kết thúc, ngoài tiếng vỗ tay lớn, liên thanh, nhiều khán giả vẫn còn nán lại xếp hàng để cảm ơn và chụp ảnh lưu niệm với các diễn viên. Mỗi lần như vây, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào lại có dịp hiểu nhau hơn, đồng cảm xúc.
Mỗi vở kịch đều góp phần giáo dục nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ và vun đắp, phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào, Lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào nhấn mạnh.