Virus HPV có thể lây nhiễm khi dùng chung khăn tắm, đồ lót bên cạnh đường tình dục, âm thầm gây bệnh vùng sinh dục và ung thư.
Hiền, 25 tuổi bị rối loạn kinh nguyệt, dịch âm đạo bất thường đã ba tháng. Đi khám phụ khoa, Hiền được chẩn đoán nhiễm virus HPV type 16, nghi ngờ ung thư cổ tử cung. Tại bệnh viện Ung bướu TP HCM, cô gái cũng nhận kết quả mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 2.
“Tôi rất sốc, vì chưa quan hệ tình dục. Thời sinh viên, tôi ở chung với rất nhiều người. Cả dãy trọ chỉ có một máy giặt nên thường gom quần áo bẩn và đồ lót giặt chung với bạn cùng phòng, không rõ đây có phải là nguồn lây không”, Hiền hoang mang.
Còn Việt Anh, 30 tuổi, giữa tháng 6 phát hiện bao quy đầu nổi một số nốt mụn, để lâu thì mọc thành cụm. Ban đầu, anh chọn đốt laser để trị mụn do ngại đến bệnh viện. Đến khi các nốt mụn tái phát và mọc nhiều hơn, anh mới đến bệnh viện khám, chẩn đoán mắc sùi mào gà. Người đàn ông cho biết đã có vợ, không quan hệ tình dục ngoài luồng, hàng ngày chỉ tập gym và sử dụng khăn tắm do phòng tập cung cấp.
BS Đoàn Ngọc Thiện, khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết HPV (Human papilloma virus) là loại virus gây u nhú ở người. Nhiễm trùng HPV rất phổ biến, nam giới và nữ giới nhiễm HPV trung bình ít nhất một lần trong đời. HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Nếu chưa quan hệ tình dục, mọi người vẫn có khả năng nhiễm HPV qua nhiều đường âm thầm mà họ không ngờ tới.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, chia sẻ đồng quan điểm. Quan niệm virus HPV chỉ lây qua đường tình dục khiến nhiều người liên tưởng đến đời sống tình dục “phóng khoáng”, thiếu an toàn. Tuy nhiên, HPV vẫn có thể lây theo nhiều cách khác nhau.
Giải thích rõ hơn, BS Chính trích dẫn bài báo khoa học đăng tải tại Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2020 chủ đề đường lây HPV phi tình dục. HPV có thể sống nhiều ngày trên các bề mặt như quần áo, vật dụng vệ sinh cá nhân, thiết bị phụ khoa được sử dụng thường xuyên. Virus tồn tại trong nước có thể lây nhiễm sau 7 ngày (kể cả khi ở môi trường khô sau đó), tỷ lệ 30%. DNA của HPV cũng được tìm thấy trong nước, gợi ý thêm về khả năng lây lan của virus, tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng về đường lây này.
Các biện pháp vệ sinh thông thường không có tác dụng ngăn lây truyền HPV. Có bằng chứng cho thấy HPV type 16 vẫn sống sót sau khi bị khử trùng bằng cồn.
“Như vậy, dù không quan hệ tình dục, mọi người vẫn có thể tiếp xúc mầm bệnh khi dùng chung quần áo, đồ lót, khăn tắm; hoặc mầm bệnh lây nhiễm qua vết xước trên da”, bác sĩ Chính nói.
HPV là nguyên nhân chính gây ung thư vùng sinh dục ở phụ nữ. Tại Việt Nam, nghiên cứu vào năm 2013-2014 của Trường Đại học Y Hà Nội do UNFPA tài trợ, thực hiện tại Hải Phòng và Cần Thơ, cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung xâm lấn lên đến 91%; trong đó HPV type 16 là 45%, HPV type 18 là 19%, các type 33, 52, 58 chiếm 1-3%.
Hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm HPV ở nam giới Việt Nam. Trên thế giới, HPV là tác nhân gây ra hơn 600.000 ca ung thư cổ tử cung, 80.000 ca ung thư hầu họng, 11.000 ca ung thư hậu môn.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần cảnh giác với HPV. Ngoài các biện pháp như quan hệ tình dục an toàn, tầm soát HPV định kỳ (đối với nữ giới), mọi người cần chú ý lối sống, không mặc chung đồ lót, sử dụng chung khăn tắm… với người khác. Khi giặt giũ, nên giặt riêng đồ lót, khăn và quần áo hàng ngày.
Theo bác sĩ Chính, mọi người nên chủ động tiêm vaccine phòng HPV để phòng bệnh. Hiện vaccine HPV được chỉ định cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi; có thể kéo dài tới 45 tuổi nếu có nguy cơ.
Bác sĩ Chính cho rằng người dân cũng cần quan tâm tới tiêm ngừa HPV cho trẻ em từ 9-14 tuổi. Việc tiêm chủng ở độ tuổi này giúp trẻ em phòng bệnh tốt hơn do chưa sinh hoạt tình dục.
Hiện Việt Nam sử dụng 2 loại vaccine HPV là vaccine Gardasil và Gardasil 9. Vaccine Gardasil chứa 4 chủng HPV 6, 11, 16, 18, phòng các bệnh liên quan đến virus HPV như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, ung thư hầu họng, sùi mào gà… Vaccine Gardasil 9 chứa 9 chủng virus HPV nguy cơ cao gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58; có thể tiêm chủng phòng bệnh cho cả nam và nữ giới. Người đã quan hệ tình dục hoặc nhiễm virus HPV trước đó vẫn có thể tiêm vaccine để phòng các chủng khác và phòng tái nhiễm.
Chi Lê
*Tên nhân vật được thay đổi.