Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nhận nhượng quyền muốn có lãi nên chọn mô hình phù hợp với nhu cầu của bản thân và tận dụng tối đa sự hỗ trợ của đối tác.
Gần đây, các mô hình nhượng quyền thương hiệu như trà sữa, cà phê, mỳ cay, ẩm thực vẫn mọc lên “như nấm sau mưa”, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty Go Global Holdings Nguyễn Phi Vân – chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền – cho rằng mô hình này không dành cho tất cả mọi người. “Vẫn có những nhà đầu tư tham gia mô hình nhượng quyền lỗ nặng”, bà Vân nói trong hội thảo Hiểu đúng để đầu tư nhượng quyền thành công, ngày 27/5.
Theo bà Vân, nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thất bại là thiếu hiểu biết về nhượng quyền nên lựa chọn mô hình không phù hợp. Mặt khác, nhiều người dựa hoàn toàn vào đối tác mà không chịu tìm hiểu về mô hình vận hành.
Để tránh sai lầm, bà Vân chỉ ra ba chìa khóa để đầu tư nhượng quyền thành công. Trước hết, người tham gia chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. 50% thành công đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết.
Bà Vân dẫn chứng, một nhà đầu tư muốn nhượng quyền mô hình cửa hàng tiện lợi nhưng thời gian họ bỏ ra cho cửa hàng này chỉ hai giờ mỗi ngày. Trong khi đó, nhóm mô hình kinh doanh này có tới 1001 thứ cần làm. Do đó, nếu không chịu bỏ thời gian và công sức để hiểu về chúng và vận hành, dù “đổ” bao nhiêu tiền cho mô hình nhượng quyền, nhà đầu tư vẫn thất bại.
Chìa khóa tiếp theo, nhà đầu tư cần tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền. Theo bà Vân, đơn vị nhượng quyền họ có đội ngũ nhân sự, marketing chuyên nghiệp. Mỗi bộ phận đều có người phụ trách và quy trình rõ ràng. Do đó, khi tham gia vào chuỗi này, nhà đầu tư cần thường xuyên trao đổi và làm việc trực tiếp với từng bộ phận của đối tác. Trường hợp xảy ra rủi ro, bạn cần tham khảo ý kiến và hỗ trợ từ đối tác để có thêm trải nghiệm và hướng xử lý.
Cuối cùng, bà Vân cho rằng mỗi người phải nắm rõ khẩu vị đầu tư để chọn thương hiệu sao cho phù hợp với nhu cầu của chính mình. Đồng thời, các bên hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.
Nếu không thích rủi ro, nhà đầu tư nên chọn thương hiệu có chiều dài lịch sử lâu đời. Mô hình này thường đàm phán lâu và chi phí cao. Trường hợp nhà đầu tư thích mạo hiểm và sáng tạo nên chọn thương hiệu trẻ. Mô hình này đàm phán dễ dàng và chi phí đầu tư thấp.
Đồng quan điểm, ông Trần Nhật Vũ, Chủ tịch chuỗi trà sữa Phúc Tea – với 135 chi nhánh trên toàn quốc, có tỷ lệ lợi nhuận 18-28% trên doanh thu – cho rằng bí quyết nhượng quyền thành công là doanh nghiệp phải hiểu việc chọn thương hiệu phát triển bền vững và hoàn thành tốt vai trò của đối tác nhận nhượng quyền.
Tại Phúc Tea đang có 3 mô hình theo nhu cầu của từng nhóm đối tác. Với nhóm có khả năng vận hành có thể chọn đầu tư mở theo mô hình xe đẩy hoặc tiêu chuẩn. Nhóm không có khả năng vận hành, chọn theo mô hình đầu tư tài chính (bỏ vốn và nhận lãi suất 10-12% một năm).
Ngoài ra, theo ông Vũ, nhu cầu của gen Z thay đổi liên tục, nếu chỉ tập trung vào 1 công thức “đinh” sẽ không tồn tại được nên công ty phải liên tục cập nhật, bắt xu hướng tiêu dùng mới trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các sự kiện triển lãm, hội thảo chuyên ngành trong bối cảnh thị trường nhượng quyền tại Việt Nam còn manh mún.
Ông Nguyễn Đức Hưng, sáng lập Napoli Coffee – đơn vị có 3.000 cửa hàng nhượng quyền – cũng cho biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để duy trì và có lãi, đơn vị nhượng quyền và nhà đầu tư cần cân đối chi phí và kinh doanh sản phẩm theo từng “sóng xu hướng”.
Nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia nếu được đầu tư đúng mức. Tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, với Mỹ là 5,1%, Australia là 9% và tại Canada là 10%. Ngoài GDP, đây cũng là ngành tạo công ăn việc làm, lao động lớn cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, ẩm thực được xem là một trong những ngành tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền nhờ lợi thế tính khác biệt cao và người tiêu dùng mong chờ. Việt Nam với những món ăn truyền thống và ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì, đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam. Trong hai năm đại dịch, số lượng thương hiệu gia nhập hoặc tái ký hợp đồng để tiếp tục ở lại thị trường là 26 trong năm 2021 và 22 trong năm 2020.
Thi Hà