Wang Xiaokun, một người đàn ông 40 tuổi ở Trung Quốc, đã gia nhập hàng ngũ tỷ phú thế giới sau khi chuỗi cửa hàng trà sữa Cha Panda do ông sáng lập được định giá ở mức 2,1 tỷ USD.
Theo ước tính của Forbes, ông Wang hiện có tài sản ròng trị giá 1,1 tỷ USD, chủ yếu dựa trên gần 60% cổ phần của chuỗi đồ uống có trụ sở tại Thành Đô với mạng lưới hơn 7.000 cửa hàng. Đồ uống đặc trưng của chuỗi bao gồm trà cao lương xoài bưởi, trà trân châu khoai môn và trà xanh sữa hoa nhài, hầu hết đều có giá từ 3,6 USD (gần 86.000 đồng) trở xuống.
Vợ của ông Wang, bà Liu Weihong, cũng đã tích lũy được khối tài sản trị giá 700 triệu USD dựa trên 33% cổ phần của bà trong công ty.
Cha Panda xuất phát là một cửa hàng nhỏ bán trái cây và trà sữa được mở năm 2008 gần một trường học ở thành phố Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc.
Ông Wang đã cố gắng phát triển mạng lưới cửa hàng của Cha Panda lên con số 531 vào năm 2020. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của ông thực sự khởi sắc khi ông áp dụng mô hình nhượng quyền thương mại.
Chiến lược hiện tại của Cha Panda là phát triển các công thức pha chế đồ uống của mình, sau đó bán các nguyên liệu như trái cây và lá trà cho các cửa hàng đồ uống mang thương hiệu Cha Panda. Bằng cách đó, ông Wang có thể tiết kiệm được một khoản, trong khi các đối thủ như Nayuki Holdings phải chi nhiều hơn để trả lương cho nhân viên và thuê các cửa hàng do họ trực tiếp điều hành.
Tổng số cửa hàng mang thương hiệu Cha Panda đã tăng lên 7.117 tính đến tháng 8 năm nay. Báo cáo của công ty cho thấy, họ chỉ quản lý trực tiếp 6 cửa hàng trong quý I.
Năm ngoái, Cha Panda đã đạt doanh thu 580,3 triệu USD, cao hơn 16% so với năm 2021. Lợi nhuận của công ty tăng 24% lên 132,3 triệu USD so với cùng kỳ. Đây là hệ thống trà sữa lớn thứ ba tính theo doanh số bán lẻ ở Trung Quốc, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Frost & Sullivan (Mỹ).
Trà sữa trân châu có thể là xu hướng mới cho người tiêu dùng Trung Quốc. Hãng thông tấn Bloomberg cho biết, ít nhất 6 nhà sản xuất trà sữa trân châu, bao gồm Mixue Bingcheng – chuỗi cửa hàng trà sữa lớn nhất Trung Quốc, đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông hoặc ở Mỹ.
Dữ liệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc có thể “thắt lưng buộc bụng” đối với các sản phẩm có giá trị lớn như hàng xa xỉ và xe hơi, nhưng họ vẫn sẵn sàng chi tiêu cho các lĩnh vực khác.
Theo công ty nghiên cứu China Beige Book, doanh số bán hàng của chuỗi nhà hàng và du lịch nước này tăng trưởng mạnh trong tháng 7. Starbucks cũng báo cáo mức tăng doanh thu ấn tượng 46% (so với cùng kỳ năm 2022) tại thị trường Trung Quốc trong quý II/2023.
Nguyễn Tuyết (Theo Forbes, Reuters)