HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)
Châu Âu coi Philippines như “mỏ neo” an ninh châu Á giữa lúc quốc gia Ðông Nam Á tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và Nhật Bản để đối phó Trung Quốc trên Biển Ðông.
Lực lượng tuần duyên Philippines tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông hồi tháng 6. Ảnh: U.S. Coast Guard
Hồi sinh lập trường thân phương Tây
Trong chuyến thăm Philippines hồi tháng 3, Ðặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương Richard Tibbels nêu rõ liên minh “thật sự quan tâm đến việc đảm bảo sự tiếp tục tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở khu vực, và mạng lưới thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng gia tăng trong khu vực”. Kết quả là vào cuối tháng 6, một tiểu ban mới về hợp tác hàng hải giữa Brussels và Manila đã được thành lập nhằm “đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề hàng hải”. Ước tính khoảng 40% giá trị thương mại quốc tế của EU hiện lưu thông qua Biển Ðông, vì thế việc duy trì ổn định tuyến hàng hải này là mối quan tâm chính của liên minh gồm 27 quốc gia.
Mới đây, Chuẩn Ðô đốc Geoffroy d’Andigne, Chỉ huy Lực lượng vũ trang Pháp tại châu Á – Thái Bình Dương, đã đến thăm Manila nhằm nhấn mạnh mối quan tâm của Paris đối với quan hệ an ninh. Tại cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, ông d’Andigne đã mời quân đội quốc gia Ðông Nam Á tham gia các cuộc diễn tập cứu trợ thảm họa tại Polynesia và New Caledonia (2 vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp) và nâng cao năng lực chia sẻ thông tin.
Giới phân tích nhận định Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người nhậm chức năm ngoái, đang trở về với lập trường thân phương Tây và thể hiện quan điểm cứng rắn hơn ở Biển Ðông. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) từng ước tính giao dịch thương mại trị giá gần 3 ngàn tỉ euro, tương đương 21% giá trị thương mại toàn cầu, đã được vận chuyển qua Biển Ðông vào năm 2016. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Ðông.
Lập liên minh 4 bên?
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Philippines Manalo vào cuối tháng 6, hai nước đã quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác song phương trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, hàng hải, thực thi luật pháp, thương mại và đầu tư. Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã cùng người đồng cấp Philippines chủ trì cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp song phương tại New Delhi. Theo tuyên bố chung sau cuộc họp, hai bên quyết định nâng cấp các tương tác chính thức giữa các cơ quan quốc phòng hai nước, mở văn phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại thủ đô Manila và xem xét đề nghị của Ấn Độ về Hạn mức tín dụng ưu đãi để mua thiết bị quốc phòng. |
Khi gặp nhau bên lề Ðối thoại Shangri-La tại Singapore gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Là lần đầu tiên Washington – Manila – Tokyo – Canberra có cuộc hội đàm cấp bộ trưởng quốc phòng, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh 4 nước tăng cường hợp tác quân sự cả đa phương lẫn song phương.
Ðầu tháng 6, Mỹ cùng Nhật và Philippines lần đầu tổ chức tập trận tuần duyên chung ở Biển Ðông, trong khi Úc tham gia sự kiện với vai trò quan sát viên. Trước đó vào tháng 2, Washington và Manila đạt được thỏa thuận mới cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, nâng tổng số căn cứ ở Philippines mà quân đội Mỹ được sử dụng lên 9. Hai bên cũng cân nhắc khả năng tuần tra chung ở Biển Ðông – động thái được xem là đáp trả chiến lược vùng xám của Trung Quốc.
Trong chuyến công du của Tổng thống Marcos Jr đến Nhật Bản, Tokyo và Manila cũng thống nhất cho phép quân đội Nhật tiếp cận nhiều hơn với lãnh thổ Philippines. Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida còn thông tin rằng Tokyo và Manila sẽ tiếp tục đàm phán để tăng cường hơn nữa và hợp lý hóa các cuộc tập trận chung và các hoạt động khác của lực lượng quân sự hai bên, đồng thời tìm cách mở rộng việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản cho Philippines và tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ.
Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia cho rằng với việc căng thẳng trong khu vực tăng cao, đặc biệt là tương lai của Ðài Loan, Nhật nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hợp tác sâu hơn với quân đội Philippines. “Theo nhiều cách, Philippines là đồng minh hoàn hảo cho Nhật Bản khi Manila đang đối mặt nhiều thách thức từ Bắc Kinh giống như Tokyo”, Giáo sư Yakov Zinberg tại Ðại học Kokushikan (Tokyo) nhận định.