AN NHIÊN (Theo Daily Mail, MedicalXpress)
Thực phẩm chứa nhiều đường từ lâu đã được chứng thực làm tăng nhiều rủi ro sức khỏe như thừa cân, béo phì, mắc bệnh tiểu đường, tim mạch… Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện rằng càng tiêu thụ hơn đường bổ sung trong thực phẩm chế biến sẵn (như bánh quy, bánh kem và nước ngọt), thì nguy cơ phát triển bệnh sỏi thận càng tăng cao.
Tiêu thụ nhiều đường từ thực phẩm chế biến sẵn gây hại cho cơ thể về nhiều mặt.
Ðược biết, sỏi thận ảnh hưởng từ 7-15% dân số ở Bắc Mỹ, 5-9% dân số châu Âu và 1-5% dân số châu Á. Nguyên nhân gây sỏi thận là do các chất thải trong máu tạo thành các tinh thể. Theo thời gian, các tinh thể có thể tích tụ thành những viên sỏi cứng trong thận, gây đau dữ dội và nhiễm trùng thận nếu không được điều trị đúng cách. Các triệu chứng sỏi thận thường gặp là đau dữ dội, buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh và tiểu ra máu. Sỏi thận không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, mà về lâu dài còn có thể dẫn đến nhiễm trùng, sưng thận (do ứ nước), suy thận và bệnh thận giai đoạn cuối. Các yếu tố rủi ro dẫn đến phát triển sỏi thận bao gồm béo phì, tiêu chảy mãn tính, mất nước, mắc bệnh viêm ruột, tiểu đường hoặc bệnh gút.
Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Frontiers in Nutrition, các chuyên gia tại Bệnh viện trực thuộc Ðại học Y khoa Bắc Tứ Xuyên đã phân tích dữ liệu theo dõi trong hơn 11 năm của 28.300 người từ 20 tuổi trở lên, với 10% có tiền sử sỏi thận. Trong đó, những người tham gia tự báo cáo về tình trạng sức khỏe, thói quen trong lối sống hằng ngày – bao gồm chế độ ăn uống, cũng như trải qua các cuộc kiểm tra thể chất theo yêu cầu.
Thông qua nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, các nhà nghiên cứu đã ước tính lượng đường bổ sung hàng ngày của từng người tham gia dựa trên mức độ tiêu thụ thực phẩm và đồ uống của họ. Ví dụ, những người tham gia được hỏi cụ thể rằng họ có dùng thêm xi-rô, mật ong, đường bắp dextrose, đường trái cây fructose hoặc đường nguyên chất trong vòng 24 giờ qua hay không. Ngoài ra, từng người tham gia cũng được đánh giá về chỉ số ăn uống lành mạnh (HEI-2015) – điểm tóm lược chế độ ăn uống hằng ngày dựa trên 2 phương diện chính: ăn đầy đủ của các thành phần có lợi cho sức khỏe (như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám) và ăn hạn chế các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe (như ngũ cốc tinh chế, chứa muối và chất béo bão hòa).
Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ phát triển sỏi thận khác (bao gồm giới tính, độ tuổi, chỉ số khối cơ thể, tình trạng hút thuốc hoặc mắc bệnh tiểu đường), nhóm nghiên cứu phát hiện tỷ lệ năng lượng hấp thụ từ đường bổ sung có liên quan mạnh mẽ và nhất quán với nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Theo đó, những người tham gia có lượng đường bổ sung thuộc “nhóm 25% dân số dung nạp đường cao nhất” có tỷ lệ phát triển sỏi thận cao hơn 39% trong thời gian nghiên cứu. Tương tự, những người dùng đường bổ sung với hàm lượng cao hơn 1/4 tổng mức năng lượng dung nạp hằng ngày có tỷ lệ khởi phát sỏi thận cao hơn 88% so với những người dùng đường bổ sung ít hơn 5% tổng mức năng lượng.
Tuy chưa xác định rõ cơ chế vì sao tiêu thụ nhiều đường bổ sung dẫn đến nguy cơ cao phát triển bệnh sỏi thận, nhưng Tiến sĩ Shan Yin – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ này. Kết quả nghiên cứu cũng gợi ý rằng hạn chế lượng đường bổ sung từ thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành sỏi thận.