GĐXH – Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là qua lời nói. Nên việc lựa chọn những từ ngữ phù hợp để dạy con cũng là cách giúp con trưởng thành tốt nhất.
Cô Dương, một giáo viên lâu năm ở Thượng Hải (Trung Quốc) chia sẻ: Khi đã làm giáo viên nhiều năm, tôi thường nhận được các câu hỏi từ phụ huynh về những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái: “Con tôi luôn trả lời “không biết’, không muốn nói chuyện”; “Dù cha mẹ nói thế nào cũng không nghe, nhưng người khác nói gì thì lại nghe theo”; “Chúng tôi giải thích nhiều thì con cảm thấy phiền, nói ít thì lại sợ con đi sai đường, thật khó khăn”…
Dù có nhiều vấn đề, nhưng tất cả đều quay về một gốc rễ: Vấn đề giao tiếp. Trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, dù ý định của cha mẹ là tốt, nhưng thường không đạt được kết quả mong muốn.
Nhiều phụ huynh thường tự hỏi: “Tại sao chúng tôi nói đúng nhưng con không chịu nghe?” “Rõ ràng là vì lợi ích của con, nhưng sao con không trân trọng?”.
Thực ra, nguyên nhân chính nằm ở chỗ những lời dạy bảo của chúng ta và những gì con cái thực sự tiếp nhận có thể không đồng nhất.
Dưới đây là những câu nói của cha mẹ vô tình khiến con bị tổn thương mà bạn nên tránh:
1. “Làm lại đi, con thật ngốc!”
Ý nghĩ thực sự: “Nếu con chăm chỉ hơn, con có thể thành công”. Con cái hiểu: “Tôi là một kẻ thất bại”.
Khi đối mặt với một vài thất bại, trẻ dễ dàng cảm thấy thất vọng. Nếu trong thời điểm đó, cha mẹ không cung cấp sự khuyến khích, cảm xúc thất bại không được hướng dẫn và giải tỏa đúng cách, trẻ có thể trở nên thiếu tự tin, nhút nhát và từ chối thử lại.
Có một câu nói: “Đừng dùng cảm xúc của bạn để chỉ trích sự thất bại của trẻ”.
Khi trẻ thất bại, cha mẹ nên áp dụng nguyên tắc “bắt đầu từ mục tiêu cuối cùng” trong giao tiếp: Mục tiêu là giúp trẻ tránh thất bại lần sau, hãy tìm kiếm bài học từ thất bại hiện tại và tiếp tục thử nghiệm, thay vì dùng cảm xúc để giao tiếp.
Ví dụ, trong cuộc sống hàng ngày, hãy sử dụng “kính lúp” thay vì “kính cận” để bỏ qua những lỗi nhỏ của trẻ và thường xuyên khen ngợi: “Mẹ thấy con đã tiến bộ, con có muốn thử lại không?”.
Trẻ là những cá thể độc lập, chúng cần được tôn trọng, hiểu biết và tin tưởng.
Chúng cần giao tiếp bình đẳng và có sự tương tác để hình thành sự tự trọng, tự tin và tính độc lập. Những điều này chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất khi trẻ đối mặt với tương lai.
2. “Ở tuổi của con, bố/mẹ còn làm được nhiều hơn thế”
So sánh không hẳn là cách tốt giúp tạo động lực cố gắng cho con, đôi khi điều này lại khiến những đứa trẻ cảm thấy mình thấp kém và vô dụng.
Đặc biệt, nếu bạn so sánh con với chính mình, người đang làm cha mẹ, còn có thể làm cho tổn thương của con nhiều hơn gấp bội.
Chúng có thể bị mặc cảm tâm lý và nghĩ mình không xứng đáng có được tình yêu thương từ phía cha mẹ.
Nếu việc so sánh diễn ra liên tục sẽ khiến đứa trẻ bị căng thẳng, hạ thấp lòng tự trọng của chúng và thậm chí có thể trở thành lý do khiến chúng trở nên xa cách cha mẹ.
3. “Chỉ là một thành tích nhỏ thôi mà/ Điều này có là gì so với…”
Dạy con biết khiêm tốn là một đức tính cần thiết, nhưng cha mẹ không khiêm tốn đúng cách sẽ vô tình trở thành “đòn giáng” mạnh vào tâm lý trẻ.
Ví dụ, khi con làm bài kiểm tra được điểm cao, cha mẹ vì sợ con tự kiêu nên vô tình buông những lời tiêu cực: “Do con may mắn thôi, điều này có là gì so với các bạn khác…” hoặc “Chỉ là một bài kiểm tra nhỏ, có đáng gì!”.
Khi trẻ đang vui mừng và phấn khởi vì đạt điểm cao, những lời nói tiêu cực, thậm chí có ý “xem thường” này của cha mẹ cũng giống như một “gáo nước lạnh” dội lên người chúng.
4. “Con khiến cha/mẹ buồn khi làm như vậy”
Câu nói này thường được các bậc phụ huynh sử dụng để mong con mình thay đổi hành vi.
Tuy nhiên, trẻ có thể cảm thấy mình là nguyên nhân khiến cha mẹ buồn, chúng sẽ cảm thấy tội lỗi và áp lực rất lớn.
Điều này có thể dẫn đến việc trẻ trở nên thu mình, thiếu tự tin và sợ hãi khi mắc lỗi. Điều quan trọng là cha mẹ cần đặt ra và duy trì giới hạn mà không để cảm xúc lấn át.
Cha mẹ cần nhớ những cảm xúc đó là của bản thân, không phải của trẻ.
5. “Nếu con không làm như thế này, con sẽ bị…”
Cha mẹ luôn cảm thấy đau đầu bởi con nghịch ngợm, hiếu động. Để con vâng lời, họ thường dùng những hành động, lời nói mang tính “đe dọa”.
Ví dụ, cha mẹ sẽ thường xuyên nói những lời này khi con không vâng lời: “nếu không ngồi im, con sẽ bị bắt cóc”, hoặc “nếu không dọn đồ chơi gọn gàng, ba mẹ sẽ vứt đồ chơi đi”, “nếu không chăm chỉ học tập, mai mốt lớn lên con sẽ đi nhặt rác”,…
Cha mẹ thích nói những lời mang tính “đe dọa” với những điều mà con cái quan tâm. Lý do họ nói những lời này, là vì nó có thể khiến con ngừng lại hành động “chướng mắt” đó ngay lập tức.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ít khi biết rằng, sự vâng lời này xuất phát từ nỗi sợ hãi bên trong tâm hồn đứa trẻ.
Ở “bên ngoài”, con cái sẽ làm theo những gì cha mẹ muốn, nhưng ngược lại cũng tồn tại nguy cơ tiềm ẩn “bên trong” đứa trẻ.
Khi trẻ lớn lên, chúng đã bắt đầu hiểu chuyện và cha mẹ không thể dùng mãi cách đe dọa này để khiến con ngoan ngoãn, do đó, những lời đe dọa càng trở nên vô hiệu, thậm chí dẫn đến sự “đối đầu” gay gắt giữa cha mẹ và con cái.
Quan trọng hơn, những lời nói kiểu này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác an toàn của trẻ, lâu dần khiến con không còn niềm tin vào cha mẹ mình nữa.
6. “Bố/mẹ không tin con”
Trẻ em ở độ tuổi hiếu động đôi khi có thể gây ra những rắc rối không đáng có. Hầu hết khi đối mặt với những rắc rối ấy, cha mẹ thường chất vấn và có nhiều lời mắng mỏ, kèm theo các câu khẳng định như “Con đang nói dối”, “Bố/mẹ không tin những gì con vừa nói”.
Những câu nói này sẽ là “con dao” gây tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ của cha mẹ và con. Điều này có thể dẫn tới việc trẻ không còn tin tưởng vào cha mẹ mình và không còn muốn chia sẻ, tâm sự bất cứ chuyện gì của bản thân.
Để tránh làm con tổn thương, cha mẹ hãy chú ý tới những lời nói của mình, cần tôn trọng, tin tưởng và hiểu được những việc trẻ làm.
7. “Con lớn rồi, phải biết suy nghĩ chín chắn hơn chứ”
Khi bạn nói điều gì đó như “con phải biết chứ”, bạn đang cố gắng khiến trẻ cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ để thay đổi.
Tuy nhiên, điều đó khiến trẻ em trở nên đề phòng, thậm chí ít lắng nghe hơn. Nó cũng làm sụt giảm sự tự tin của trẻ. Thay vì đổ lỗi, cha mẹ hãy cùng con tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Khi làm như vậy, cha mẹ đang dạy con cách chịu trách nhiệm về hành động của mình và phát triển kỹ năng tư duy độc lập.
8. “Con phải như thế này, thế kia…”
Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học nổi tiếng người Thụy Sĩ, đã đề ra 3 phương pháp giáo dục “vô dụng” nhất của cha mẹ, trong đó, giảng đạo, nói đạo lý là phương pháp quen thuộc được nhiều cha mẹ sử dụng.
Con cái phạm sai lầm, cha mẹ không đánh đập, la mắng là đúng, nhưng tại sao ông không khuyến khích cha mẹ giảng đạo lý?
Khi bạn đang trong trạng thái tức giận, mất bình tĩnh, bạn có muốn nghe người khác “nói nhiều” hay “giảng đạo” không? Câu trả lời là không.
Các bậc cha mẹ lâu nay đã quen với việc đóng vai trò là những “nhà giáo dục” gắn mác “vì lợi ích của con mình”, và ép buộc nhận thức, suy nghĩ của họ lên những đứa con.
Nhưng, cha mẹ không biết trẻ đang cảm thấy ra sao và nghĩ gì vào lúc mất bình tĩnh. Những lời thuyết giảng, nghe có vẻ cực kỳ đúng, nhưng những đứa trẻ không thực sự cần thiết vào lúc đó. Điều chúng cần chính là sự lắng nghe.
Là cha mẹ, hãy gác lại sự bảo thủ, ích kỷ của mình để kết nối, lắng nghe suy nghĩ, đồng cảm với cảm xúc của con, để thấu hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng của con mình.
Một gia đình có hạnh phúc, ấm áp hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử và lời nói của cha mẹ. Hãy để con được phát triển cảm xúc một cách tự nhiên.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/giao-vien-lau-nam-nhieu-hoc-sinh-roi-vao-tuyet-vong-vi-thuong-xuyen-phai-nghe-8-cau-noi-nay-cua-cha-me-172250105185457867.htm