GĐXH - Trong lễ tốt nghiệp trung học của cậu con trai mình, ông đến với tư cách là một vị phụ huynh. Thay vì những lời nói hoa mĩ thì ông lại chúc con trai: "Từ giờ về sau, ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công".
John Roberts, sinh năm 1955, hiện là Chánh án đương nhiệm Tòa án Tối cao Mỹ. Ông từng "gây bão" với nguyên tắc dạy con rất khác biệt: Không mong con gặp toàn điều tốt đẹp, mà muốn con nếm trải nhiều cung bậc đau khổ, cô đơn, bị phản bội... trong cuộc sống.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trung học của con trai Jack tại trường nội trú nam Cardigan Mountain, ở New Hampshire năm 2017, John Roberts khiến nhiều người bất ngờ khi mở đầu bằng câu nói: "Thông thường những người diễn thuyết trong các lễ tốt nghiệp sẽ chúc các con may mắn và mọi điều tốt đẹp trong tương lai sẽ đến với các con. Ta sẽ không làm thế. Và giờ ta sẽ nói tại sao".
Ông John Roberts, Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ
Mở đầu, ông John Roberts nói: "Ta rất lấy làm tiếc phải nói với các con một điều rằng, thời khắc vui vẻ nhất và thoải mái nhất trong cuộc đời của các con sắp trở thành quá khứ rồi…".
Ngài Chánh án đã bắt đầu bài diễn văn của mình trong sự ngỡ ngàng của đám học trò non nớt chưa từng trải đời. Lũ trẻ vô cùng kinh ngạc bởi điều chúng chờ đợi là những lời chúc may mắn, mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai, nhưng ông đã không làm thế, và đây là lý do tại sao:
"Từ giờ về sau, ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có như vậy con mới có thể cảm nhận được giá trị của sự công bằng.
Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi chỉ có như vậy con mới có thể hiểu được tầm quan trọng của sự chân thành.
Xin lỗi phải nói thế này, nhưng ta hy vọng con cảm nhận được sự cô đơn hàng ngày, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được rằng bạn bè không phải là điều đương nhiên mà con cần phải giữ gìn.
Ta hy vọng con có thể gặp xui xẻo một vài lần, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được ý nghĩa của may mắn trong đời, để con khiêm tốn hiểu rằng thành công mình có lẽ là nhờ vận may, và sự thất bại của người khác cũng không phải là đáng đời.
Và khi con gặp thất bại, từ nay về sau còn nhiều, đối thủ của con sẽ châm chọc và cười nhạo trên sự đau khổ của con. Bởi như vậy con mới hiểu có phong độ rốt cuộc quan trọng như thế nào.
Ta hy vọng thi thoảng con bị người khác coi thường, chỉ có như vậy con mới hiểu được học cách tôn trọng và lắng nghe là quan trọng tới mức nào. Và ta cũng hy vọng con sẽ học được đủ đau đớn để học cách cảm thông.
Cho dù ta có hy vọng những điều này hay không thì thật ra sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra trong cuộc sống của con. Con có thể tiếp thụ giáo huấn hoặc thu hoạch được gì trong đó hay không, đều dựa vào việc con có nhìn thấy những bài học trong khổ đau của mình hay không."
Ông còn căn dặn lũ trẻ, rằng thành công đến từ những người không biết sợ hãi. "Nếu các con có thất bại, con đứng dậy và thử lại một lần nữa. Nếu thất bại lần thứ 2, con hãy lại đứng dậy và thử lại lần nữa.
Và nếu con có thất bại một lần nữa – đó có thể là lúc hãy suy nghĩ làm một việc gì khác".
Vị chánh án đã cho bọn trẻ bài học quý khi đối diện với cuộc đời nhiều khắc nghiệt.
Vị Chánh án cũng khuyên thế hệ trẻ không nên quá thỏa mãn với bản thân, đừng chỉ là chính mình. "Có lúc, các con không nên là chính mình. Các con phải trở nên tốt đẹp hơn", ông nói.
Ông Roberts nói đau khổ có thể khiến con người trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta giữ được bình tĩnh. Nhờ bình tĩnh, chúng ta sẽ có một cách tiếp cận sâu lắng, chứ không phải chỉ có thái độ "làm là được".
Trong phần cuối bài phát biểu, ông đã trích dẫn lời của triết gia Hy Lạp Socrates: "Cuộc sống vô nghĩa là một cuộc sống không đáng sống".
Bài phát biểu của Roberts kết thúc với những tràng pháo tay nồng nhiệt. Lời nhắn nhủ của ông đi thẳng vào thực tế, xuất phát từ tận đáy lòng của một người cha, hy vọng con trai lớn lên trưởng thành hơn và sẵn sàng đối mặt với những trải nghiệm.
John Roberts nổi tiếng là người có học vấn cao khi tốt nghiệp Khoa luật Đại học Harvard. Gắn liền với hình ảnh quyền lực, nghiêm nghị trên tòa án, nhưng ông lại là một người cha rất ấm áp và sâu sắc.
Vai trò quan trọng của người cha trong quá trình trưởng thành của con cái
Trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, người cha đóng vai trò định hình những nguyên tắc, lý trí, sức mạnh và sự kỷ luật.
Trong một gia đình, tình cảm của mẹ thường đem lại cho trẻ niềm tin, giá trị của sự nhân ái, trong khi đó, tình cảm của người cha thể hiện thông qua kỷ luật, sức mạnh. Ảnh minh họa
Người cha là tấm gương nuôi dạy con tinh thần trách nhiệm
"Bạn nhỏ thân yêu" (tên tiếng Anh: Left Right), một bộ phim truyền hình của Trung Quốc đang gây sốt những ngày gần đây với chủ đề về vai trò làm cha.
Trong phim, nhân vật nam Tiêu Lộ sinh ra trong gia đình cha mẹ ly hôn từ nhỏ, một mình người mẹ nuôi dưỡng hai con.
Tiêu Lộ từ nhỏ đã sống ỷ lại mẹ. Đến khi kết hôn, anh trở thành người đàn ông thờ ơ với trách nhiệm gia đình.
Một nghiên cứu do Bệnh viện đa khoa Bắc Kinh thực hiện đã chỉ ra, trên thực tế, vấn đề hành vi trong quá trình khôn lớn, trưởng thành của trẻ em có liên quan mật thiết đến người cha.
Khi trẻ thiếu vắng cha trong quá trình trưởng thành, trái tim trẻ thiếu cảm giác mạnh mẽ và an toàn.
Sự tổn hại này khiến trẻ không có dũng khí đối đầu với những thăng trầm của cuộc sống, khó phát triển tinh thần trách nhiệm và có xu hướng lựa chọn cách trốn tránh.
Trong một gia đình, nếu người cha không dạy con, đặc biệt là con trai, cách chịu trách nhiệm và trở thành một người đàn ông tốt, đứa trẻ sẽ gánh chịu những tổn thất trong hôn nhân hoặc sự nghiệp trong tương lai.
Người cha là hiện thân của lý trí và phép tắc trong gia đình
Một nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, sự tồn tại của người cha có lợi cho việc ngăn chặn "mối quan hệ khép kín" được hình thành giữa mẹ và con, đồng thời giúp chuyển sang "mối quan hệ ba chiều mở" và thúc đẩy sự phát triển của trẻ em.
Trong một gia đình, tình cảm của mẹ thường vô điều kiện, đem lại cho trẻ niềm tin, giá trị của sự nhân ái trong cuộc sống.
Trong khi đó, tình cảm của người cha là có điều kiện, thể hiện thông qua kỷ luật, sức mạnh.
Khi hành vi của trẻ không đáp ứng được yêu cầu của các quy tắc chung, người cha sẽ uốn nắn, răn dạy con, đưa trẻ vào khuôn khổ.
Gần đây, chương trình "Bài học đầu tiên", do đài truyền hình trung ương CCTV, Trung Quốc sản xuất đã mời một nghiên cứu sinh của Đại học Bắc Kinh đến để chia sẻ về ảnh hưởng của bố đến mình.
Vị khách mời cho biết, năm anh học cấp hai, do nghiện game nên học hành sa sút, mẹ nói không được chỉ biết khóc lóc.
Có lúc, anh bỏ học để chơi game. Cuối cùng, bố anh phải tạm dừng công việc, đưa con trai về quê.
Để làm gương cho con, bố anh không dùng di động trước mặt con, cũng không xem tivi.
Khi con học, ông đọc sách. Người bố đồng hành cùng con trong suốt những năm trung học, cùng thảo luận với con về kiến thức, quan điểm sống...
Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng, thanh niên cũng bỏ được game và học hành đỗ đạt.
Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2021 tiến hành một cuộc điều tra về trẻ em qua các giai đoạn và nhận thấy, trẻ từ 5-9 tuổi đáp ứng tốt với lời mẹ dạy dỗ, so với cha.
Tuy nhiên, khi học lớp 3 trở đi, trẻ đáp ứng tốt với lời bố dạy dỗ hơn mẹ.
Do đó, nếu trong giai đoạn này, vai trò của người cha không được khẳng định, trẻ dễ bỏ qua các quy tắc cốt yếu.
Người cha là bạn đồng hành cho con trên đường đời
Trong khi người mẹ "chân yếu tay mềm", người cha có sức mạnh tự nhiên lớn hơn, do đó đảm nhận vai trò phong phú hơn người mẹ.
Vai trò đồng hành của người cha ảnh hưởng lớn đến trẻ, từ khi còn thơ đến khi trưởng thành.
Trần Hưng Dung, một cậu bé người Hải Nam, Trung Quốc được chẩn đoán tự kỷ.
Năm 5 tuổi, cậu được bố thuê huấn luyện viên bơi lội để dạy bơi, nhưng người này chỉ vài buổi là xin nghỉ dạy.
Không còn cách nào khác, ông Trần tự rèn luyện cho cậu con trai đặc biệt của mình.
Dưới sự hỗ trợ của bố, Trần Hưng Dung ở tuổi trưởng thành đã giành được 5 huy chương vàng trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật toàn quốc, Trung Quốc lần thứ 11.
Đến nay, dù là người tự kỷ, Trần Hưng Dung có thể đi chợ một mình, được mọi người yêu quý.
Nhiều khán giả nhận xét, sức mạnh anh có được, chính nhờ sự mạnh mẽ, can đảm... bố truyền cho anh, khi đồng hành cùng anh.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bo-la-tham-phan-cap-cao-gui-con-loi-chuc-gay-chan-dong-tu-gio-ve-sau-ta-hy-vong-con-se-bi-doi-xu-bat-cong-172250218110010833.htm
Bình luận (0)