Chế độ ăn uống nhiều đường và chất béo, lười tập thể dục và căng thẳng thường xuyên khiến bụng tích mỡ.
Mỡ bụng chia làm hai dạng là mỡ nội tạng và dưới da. Trong đó, mỡ dưới da có thể bảo vệ cơ và xương khỏi tác động của các cú va chạm từ bên ngoài như ngã, va đập. Mỡ nội tạng lưu trữ trong khoang bụng, nằm gần một số cơ quan quan trọng như gan, dạ dày; có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2, một số loại ung thư. Dưới đây là nguyên nhân hình thành mỡ bụng.
Ăn kiêng sai cách
Cơ thể hấp thụ nhiều calo hơn mức tiêu hao trong một khoảng thời gian khiến cân nặng tăng và mỡ bụng nhiều hơn. Cụ thể, thực phẩm giàu đường, chế biến sẵn là nguyên nhân phổ biến gây thừa cân, làm chậm quá trình trao đổi chất, cản trở nỗ lực giảm béo. Đồ ăn có chất béo chuyển hóa có thể gây viêm, dẫn đến béo phì. Chế độ ăn nên hạn chế thức ăn nhanh, đồ nướng như bánh nướng xốp, bánh quy giòn.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mỗi người thay thế chất béo chuyển hóa bằng ngũ cốc nguyên hạt lành mạnh, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.
Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường như soda, nước tăng lực có liên quan đến tăng mỡ nội tạng ở bụng. Uống nước lọc, ưu tiên cà phê, trà không đường và thực phẩm nguyên chất sẽ tốt hơn.
Ăn thực phẩm chứa protein góp phần thúc đẩy giảm cân bằng cách tăng cảm giác no. Bởi cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa protein so với các chất dinh dưỡng đa lượng khác. Protein cũng hỗ trợ sửa chữa, phát triển cơ, tăng cường trao đổi chất cao, đốt cháy nhiều calo hơn khi nghỉ ngơi. Người tiêu thụ nhiều protein ít có nguy cơ thừa mỡ bụng.
Ít tập thể dục
Ngoài chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, lối sống ít vận động còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ít hoạt động thể chất là yếu tố nguy cơ chính gây béo phì và tăng tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Tập thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần mang đến nhiều lợi ích.
Uống nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như viêm, xơ gan, ảnh hưởng giấc ngủ… Rượu chứa lượng lớn calo (7 calo trong một gam), uống nhiều có thể dẫn đến thiếu tỉnh táo, tiêu thụ nhiều thực phẩm ít dinh dưỡng hơn. Đồ uống có thể làm thay đổi các hormone liên quan đến cảm giác đói và no. Rượu cũng làm giảm quá trình oxy hóa chất béo, do đó tích trữ chất béo.
Stress
Khi stress, tuyến thượng thận tiết ra nhiều hormone cortisol. Nồng độ cortisol cũng tăng khi làm việc quá sức hoặc thiếu ngủ. Thừa hormone này gây ra rối loạn nội tiết khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát mỡ bụng, tăng cân. Nhiều người thường tìm đến đồ ăn để giải khuây khi căng thẳng.
Lê Nguyễn (Theo Medicalnewstoday)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |