ANTD.VN – Một cuộc gặp mặt thân tình, xúc động của doanh nhân họ Phan và thân hữu được tổ chức tại Hà Nội đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 / 13-10-2024). Và không chỉ có các doanh nhân dòng họ Phan, những trăn trở, đúc kết từ thực tiễn dường như có điểm chung khi đất nước đang ở giai đoạn phát triển mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các dòng họ, doanh nhân ngày càng giàu mạnh
Họ Phan trong hành trình dựng nước và giữ nước có những danh nhân lưu truyền sử sách dân tộc. Chính điều này làm Tiến sĩ Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cảm thấy xúc động khi cùng các nhà khoa học, doanh nhân chủ trì cuộc gặp mặt tọa đàm tại Hà Nội mang chủ đề “Vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới”.
Lễ vinh danh doanh nhân họ Phan tiêu biểu và thân hữu trong sự nghiệp Đổi mới |
Ở góc độ sử học, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ – Võ Việt Nam cho rằng: “Nói đến đất nước là nói đến xã tắc bền vững, nói đến nhân dân là nói đến trăm họ yên vui. Dòng họ nào cũng có những đặc sắc, đóng góp rất đa dạng trong toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của đất nước và đặc biệt là trong giai đoạn đất nước Đổi mới”. Giáo sư Vũ Minh Giang nói đến 3 chữ T. Chữ T thứ nhất là tình cảm, chữ T thứ hai là tương trợ, chữ T thứ ba là tâm linh, thờ phụng. “Làm thế nào huy động đóng góp của doanh nhân cho đất nước, dòng họ. Doanh nhân không đóng góp theo mức khoán mà tốt nhất là sự tự nguyện. Sự quy tụ của doanh nhân khi tham gia hoạt động của dòng họ có tính lan tỏa, lay động tới nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi”- Giáo sư Vũ Minh Giang nói.
Xây dựng dấu ấn, thương hiệu Việt
Tiếp nối câu chuyện của các dòng họ và doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành lại đi vào câu chuyện doanh nhân đề cao tính kết nối, tính mở của các dòng họ Việt Nam. Qua 40 năm Đổi mới, đất nước phát triển như ngày hôm nay không thể thiếu những đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp, kể cả các hộ gia đình, cá thể kinh doanh, sản xuất… Các doanh nghiệp, dòng họ cần nghĩ đến những đặc sắc để xây dựng được những dấu ấn, thương hiệu Việt lớn mạnh và xứng tầm. Phân tích vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với góc nhìn thiết thực, doanh nhân Vũ Minh Phú – Tổng Giám đốc Công ty nhôm Việt – Pháp cho biết, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, công ty ông tiết kiệm được 39 triệu đồng mỗi ngày. Vậy mới biết, chuyển đổi số chẳng phải điều gì xa lạ mà nó tạo ra lợi ích trông thấy, hiệu quả tích tụ lại thật khổng lồ.
Không có doanh nhân giỏi, có tâm, thì đất nước khó mà hưng thịnh
Chủ trì cuộc gặp gỡ, tọa đàm, ông Phan Hồng Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc), Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Phan miền Bắc và thân hữu, hóm hỉnh giới thiệu Tiến sĩ Võ Trí Thành là một người con rể của họ Phan. Cũng bởi vậy, không khí tọa đàm càng thêm gần gũi, thân tình khiến các nhà khoa học, doanh nhân họ Phan sôi nổi tham luận để cân bằng “đối trọng” trước các tên tuổi trí thức, doanh nhân họ Vũ – Võ.
Các doanh nhân, dòng họ cần nghĩ đến những đặc sắc để xây dựng được những dấu ấn, thương hiệu Việt lớn mạnh và xứng tầm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Sơn – giảng viên cao cấp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã thảo luận về vai trò của doanh nhân trong thời kỳ mới không chỉ là những người tạo ra lợi nhuận mà còn có trách nhiệm với xã hội và quốc gia. Doanh nhân cần nắm vững luật pháp, hiểu rõ hệ thống chính trị để làm chủ trong thời đại mới.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ những thông tin số liệu phân tích mới nhất về phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2024, bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh những khó khăn thử thách chung của nền kinh tế, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn chứa đựng nhiều mảng sáng, nhiều xu thế tích cực. Ông đồng thời nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển.
Nhìn doanh nhân và công việc kinh doanh ở góc độ truyền thông, Thiếu tướng, nhà báo Phan Khắc Hải – Chủ tịch Hội đồng họ Phan, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, cho rằng: “Ăn ra làm nên nhưng còn phải có cái tâm. Không có doanh nhân giỏi, có tâm, thì đất nước ta khó mà hưng thịnh”. Chủ tịch Hội đồng họ Phan đã biểu dương những hoạt động thiết thực và hiệu quả của CLB Doanh nhân họ Phan và thân hữu. Ông khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân họ Phan trong sự phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ.
Thành công của doanh nghiệp không ở doanh thu hay lợi nhuận
Cuộc tọa đàm thu hút những doanh nhân nói lên tiếng nói của thời đại với đầy ắp những khát vọng trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. “Khát vọng tương lai của tôi với nhiều doanh nhân khác là không chỉ xây dựng những doanh nghiệp thành công, mà còn tạo ra giá trị bền vững cho xã hội. Tôi đam mê và chọn lĩnh vực hoạt động giáo dục, bởi tôi tin rằng giáo dục đã, đang và sẽ luôn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của đất nước” – bà Phan Thị Niềm, Phó Chủ tịch CLB doanh nhân họ Phan và thân hữu, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn giáo dục và phát triển AM, bày tỏ tại tọa đàm. Theo bà Phan Thị Niềm, thành công của doanh nghiệp “không chỉ dừng lại ở những con số về doanh thu hay lợi nhuận mà nó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là sự đóng góp vào sự phát triển của cả dòng họ, gia đình, và cộng đồng”.
Khi doanh nghiệp vững mạnh, chúng ta không chỉ có khả năng cải thiện đời sống của gia đình mình, mà còn có thể tạo ra những cơ hội về việc làm, học tập và phát triển cho các thế hệ sau. Bởi vậy, bà luôn tâm niệm rằng, Công ty CP tập đoàn giáo dục và phát triển AM không chỉ hướng tới mục tiêu kinh doanh mà còn đặt ra sứ mệnh xây dựng một cộng đồng thịnh vượng. Đó là sự phát triển bền vững về nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, tri thức và truyền thống. “Khi một doanh nghiệp phát triển bền vững, nó không chỉ góp phần đưa dòng họ, gia đình vươn lên mà còn lan tỏa giá trị tích cực ra cộng đồng và xã hội” – bà Phan Thị Niềm nói.
Cuộc tọa đàm đã có những trao đổi chân tình và thẳng thắn, cũng như Lễ vinh danh 10 doanh nhân tiêu biểu của CLB doanh nhân họ Phan miền Bắc và thân hữu đã làm cộng đồng doanh nghiệp họ Phan thêm hào hứng, sẵn sàng đóng góp sức mình cho dòng họ, cộng đồng và đất nước ngày càng giàu mạnh.
Vai trò của doanh nhân Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Doanh nhân không chỉ là người khởi xướng các ý tưởng kinh doanh mới mẻ, mà còn là cầu nối giữa nền kinh tế quốc gia với thị trường quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng giữa bối cảnh đất nước đang ở giai đoạn phát triển mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/nghi-ve-doanh-nhan-va-cac-dong-ho-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-post592401.antd