Trang chủNewsThế giớiNga bác tin giả về sông Dnipro, cựu Thủ tướng Anh bất...

Nga bác tin giả về sông Dnipro, cựu Thủ tướng Anh bất ngờ tái xuất



Nga chỉ trích “tiêu chuẩn kép” về Ukraine và dải Gaza, Thủ tướng Israel ngầm thừa nhận một điều, Mỹ lo ngại điều này…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

(11.13) Cựu Thủ tướng David Cameron trở lại Chính phủ Anh trên cương vị Ngoại trưởng. (Nguồn: Reuters)
Cựu Thủ tướng David Cameron trở lại Chính phủ Anh trên cương vị Ngoại trưởng. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

* Nga cáo buộc phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép ở Ukraine, Gaza: Ngày 13/11, Phó Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy cho hay: “Các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đã nước mắt cá sấu trong nhiều trường hợp ở Ukraine, nơi tình hình đáng nghi ngờ hơn nhiều và có nhiều vấn đề hơn. Họ thậm chí không dám thẳng thắn khi nói đến hành động của Israel”.

Theo ông, việc Mỹ chưa muốn ngừng bắn trong xung đột Israel-Hamas và phản đối bất kỳ hành động nào của Hội đồng Bảo an LHQ có thể “gây nguy hiểm” cho hoạt động trên bộ của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ở dải Gaza. (Sputnik)

* Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin giả về điều chuyển quân ở Dnipro: Ngày 13/11, Bộ này cho hay: “Việc truyền tải thông tin sai lệch về ‘tái bố trí’ quân ở khu vực Dnipro, được cho là thay mặt cho trung tâm báo chí của Bộ Quốc phòng Nga đích thị là hành động khiêu khích”.

Trước đó, 2 hãng thông tấn nhà nước Nga công bố thông tin cho rằng Moscow đang điều quân đến “các vị trí thuận lợi hơn” ở phía Đông sông Dnipro ở Ukraine, nhưng đã rút lại thông tin vài phút sau đó.

Vụ việc bất thường này cho thấy sự xáo trộn trong cơ sở quân sự và truyền thông nhà nước Nga liên quan tới cách đưa tin về tình hình khu vực miền Nam Ukraine. Trước đó, ngày 10/11, Quân đội Nga cho biết, họ đã ngăn chặn nỗ lực của Ukraine nhằm xây dựng một đầu cầu ở bờ Đông sông Dnipro và các đảo lân cận. (RBC)

* Ông Zelensky cảnh báo nguy cơ Nga đẩy mạnh tấn công lưới điện Ukraine: Ngày 12/11, Tổng thống Ukraine nhắc lại những cuộc tấn công của quân đội Nga nhằm vào lưới điện nước này, khiến hàng nghìn hộ gia đình không được sưởi ấm hoặc bị mất điện trong thời tiết giá lạnh suốt những khoảng thời gian dài.

Ông cảnh báo: “Chúng ta phải sẵn sàng trước nguy cơ họ có thể gia tăng số vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa vào cơ sở hạ tầng. Mọi sự chú ý nên dành cho phòng thủ… vào tất cả những gì Ukraine có thể thực hiện để nhân dân được thuận lợi hơn khi trải qua mùa Đông năm nay và nâng cao năng lực của quân đội”. (AFP)

* Đức tăng gấp đôi viện trợ quân sự Ukraine vào năm sau: Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố chính quyền Berlin sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev trong năm 2024, lên mức 8 tỷ Euro (8,5 tỷ USD).

Trả lời phỏng vấn kênh ARD (Đức), quan chức này bày tỏ: “Đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Ukraine, chứng tỏ chúng ta sẽ không bỏ rơi họ”, trong bối cảnh sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn về cuộc xung đột Hamas-Israel. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Cựu quan chức NATO: Ukraine cần chấp nhận thực tế mất mát

* Israel: Các vụ phóng tên lửa từ dải Gaza đã giảm mạnh: Ngày 13/11, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết từ ngày 15-21/10, họ nhận được 818 cảnh báo, từ 22-28/10 có 802 cảnh báo, từ 29/10-4/11 giảm xuống còn 582 cảnh báo.

Trong tuần từ ngày 5-12/11, số vụ cảnh báo đã giảm chỉ còn 455. Tuy nhiên, gần đây, IDF ghi nhận số lượng các cảnh báo liên quan các vụ tấn công của Hezbollah vào miền Bắc Israel, cũng như một số vụ phóng tên lửa và tấn công bằng IAV, được cho là do Houthi gây ra, vào miền Nam quốc gia Do Thái. Tuy nhiên, IDF cho rằng Hamas còn tích trữ nhiều tên lửa cho cuộc xung đột lâu dài. Mặc dù vậy, việc IDF đổ bộ và đang dần kiểm soát khu vực phía Bắc dải Gaza khiến các nhóm vũ trang của người Palestine khó phát động các vụ phóng tên lửa vào Israel hơn.

Trước đó, chỉ tính riêng trong 4 giờ đầu tiên ngày 7/10, Hamas đã phóng 3.000 quả tên lửa. Tính đến nay, IDF đã ghi nhận tổng cộng khoảng 7.000 quả được phóng vào Israel. Trong tuần đầu tiên từ ngày 7-14/10, Bộ Tư lệnh phòng thủ nội địa Israel đã phát đi 3.523 cảnh báo, trong đó chủ yếu là các đợt phóng tên lửa, một số vụ tấn công bằng UAV và tình nghi có các lực lượng thâm nhập. (TTXVN)

* Thủ tướng Israel ám chỉ khả năng đạt thỏa thuận giải phóng con tin: Ngày 12/11, trả lời phỏng vấn chương trình “Meet the Press” trên kênh NBC (Mỹ), ông Benjamin Netanyahu chia sẻ: “Chúng tôi nghe nói sắp có một thỏa thuận thuộc loại này hoặc loại kia. Sau đó, chúng tôi biết rằng tất cả chỉ là vô nghĩa. Nhưng ngay khi chúng tôi phát động chiến dịch trên bộ, mọi việc bắt đầu thay đổi”.

Đề cập thỏa thuận tiềm năng nhằm giải phóng thêm con tin, ông Netanyahu tiết lộ có khả năng tồn tại một thỏa thuận như vậy, song từ chối cung cấp thông tin cụ thể. Thủ tướng Israel cũng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng càng ít nói về chủ đề này, tôi sẽ càng nâng cao cơ hội để thỏa thuận đó trở thành hiện thực”.

Trong một tin liên quan, phát biểu trên kênh Channel 14 (Israel) cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen tuyên bố nước này tiếp tục chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và bảo vệ an ninh quốc gia kể cả khi không có sự ủng hộ của quốc tế. Ông khẳng định: “Đầu tiên, chúng tôi đã nhìn thấy sự ủng hộ chưa từng có dành cho Israel trên trường quốc tế. Hàng chục lãnh đạo thế giới và ngoại trưởng các nước đã tới đây và bày tỏ tình đoàn kết. Song, tôi cần nói thật rõ ràng rằng kể cả khi không còn sự tin tưởng ấy, chúng tôi vẫn sẽ hướng tới đạt được 2 mục tiêu mà chúng tôi đặt ra: loại bỏ Hamas và giải phóng tất cả con tin”. (AFP/Sputnik)

* Quan chức Palestine bác bỏ nỗ lực của Israel về “tách Dải Gaza khỏi bờ Tây”: Ngày 12/11, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh, nhấn mạnh Dải Gaza là một phần không thể tách rời của Palestine, thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Theo ông, nỗ lực của Israel nhằm tách Gaza khỏi Bờ Tây sẽ thất bại và không được phép, bất kể áp lực hay mối đe dọa nào.

Bên cạnh đó, quan chức này hối thúc Israel “ngừng gây hấn” với người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, kêu gọi Mỹ hành động ngay lập tức để ngăn chặn xung đột đây. Ngoài ra, ông Abu Rudeineh còn nhấn mạnh an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới “chỉ đạt được bằng cách chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967”.

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký Ủy ban điều hành PLO Hussein Al-Sheikh đã chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề cập việc duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Gaza sau khi cuộc xung đột hiện nay kết thúc. (Tân hoa xã)

* Mỹ lo ngại về đợt tấn công của Israel tấn công vào bệnh viện Al-Shifa: Ngày 13/11, trao đổi với chương trình thời sự của đài CBS (Mỹ), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói: “Mỹ không muốn chứng kiến các cuộc đọ súng trong bệnh viện, nơi những người vô tội, bệnh nhân đang được điều trị, bị vướng vào làn đạn. Chúng tôi đã tham vấn tích cực với các quan chức IDF về vấn đề này”.

Quan chức này ủng hộ nhận định của Israel rằng Hamas sử dụng bệnh viện là nơi ẩn náu và sử dụng dân thường làm “lá chắn sống” trước các đợt tấn công.

Liên quan tình hình Dải Gaza hậu xung đột, ông Sullivan nhắc lại các nguyên tắc cơ bản Mỹ đã đề ra là: Không tái chiếm dải Gaza, không cưỡng bức người Palestine di dời, không thu hẹp lãnh thổ dải Gaza và bảo đảm vùng lãnh thổ này không bao giờ bị biến thành căn cứ cho chủ nghĩa cực đoan tương lai. Cuối cùng, ông mong muốn người Palestine nắm quyền quản lý cả Bờ Tây và Dải Gaza.

Trước đó, theo IDF, bệnh viện lớn nhất Dải Gaza, Al-Shifa bị tình nghi là một cứ địa quan trọng của Hamas, thậm chí là nơi giam giữ một số con tin trong các đường hầm sâu dưới chân bệnh viện này. Hiện bệnh viện đã ngừng hoạt động do bị tấn công và không còn nhiên liệu để chạy máy phát điện. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2.500 bệnh nhân và dân thường Palestine mắc kẹt ở bên trong. (Reuters)

* Saudi Arabia tiếp tục gửi hàng cứu trợ tới Dải Gaza: Ngày 12/11, chuyến bay thứ 4 chở hàng cứu trợ của nước này đã tới sân bay quốc tế El Arish của Ai Cập, mang theo 35 tấn hàng cứu trợ khác nhau gồm lương thực và lều trại.

Hoạt động này nằm trong chiến dịch gây quỹ nhằm giúp đỡ người Palestine ở Dải Gaza, do Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử kiêm Thủ tướng Mohammed Bin Salman khởi xướng. Theo truyền thông Saudi Arabia, lô hàng viện trợ nêu trên thể hiện tinh thần của nước này luôn sát cánh cùng người dân Palestine trong khủng hoảng, nhằm vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Chiến dịch từ thiện hỗ trợ người dân Palestine thông qua nền tảng Sahem của Trung tâm khắc phục và trợ giúp nhân đạo King Salman (KS Relief) đã nhận quyên góp lên tới 461.714.848 riyal (123 triệu USD). (TTXVN)

TIN LIÊN QUAN
Máy bay quân sự của Mỹ rơi xuống Địa Trung Hải

Đông Nam Á

* Ủy ban bầu cử Indonesia công bố các ứng cử viên tổng thống: Ngày 13/11, Ủy viên Tổng tuyển cử Indonesia (KPU) Idham Holik thông báo rằng 3 cặp đôi Anies Baswedan-Muhaimin Iskandar, Ganjar Pranowo-Mahfud MD và Prabowo Subianto-Gibran Rakabuming Raka đủ điều kiện để tranh cử ngày 14/2/2024.

Cặp đôi thứ nhất bao gồm cựu Thống đốc Jakarta Anies và người liên danh tranh cử là ông Muhaimin, Chủ tịch Đảng Thức tỉnh dân tộc (PKB) – đảng Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia và có quan hệ với tổ chức Hồi giáo gồm 40 triệu thành viên.

Cặp đôi thứ hai là ông Ganjar, cựu Thống đốc tỉnh Trung Java, và Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Mahfud, được một liên minh do Đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P), đảng lớn nhất nước này, dẫn đầu ủng hộ.

Ông Prabowo, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Gerindra, đảng lớn thứ 3 ở Indonesia, cùng ông Rakan, Thị trưởng Solo và là con trai cả của Tổng thống Joko Widodo, được một liên minh rộng lớn bao gồm 9 chính đảng ủng hộ.

Dự kiến, giai đoạn tranh cử chính thức sẽ bắt đầu ngày 28/11. Trước đó 1 ngày, kết quả rút thăm xác định số thứ tự của các cặp ứng cử viên trên lá phiếu sẽ được công bố. Người giành chiến thắng tuyên thệ nhậm chức tháng 10 cùng năm.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do Indikator Politik (Indonesia) công bố ngày 12/11 cho thấy tỷ lệ ủng hộ cặp đôi Prabowo-Raka đạt 39,7%, tăng so với mức 36,1% trước đó. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ cặp đôi Ganjar-Mafud giảm xuống còn 30% từ mức 33,7%, đứng trước cặp đôi Anies-Muhaimin (24,4%). (TTXVN)

TIN LIÊN QUAN
Indonesia tuyên án 15 năm tù với một nguyên Bộ trưởng vì lí do này

Nam Á

* Quan chức cấp cao Trung Quốc sắp thăm Maldives, Sri Lanka: Ngày 13/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Đặc phái viên và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Thầm Di Cầm sẽ thăm Maldives từ ngày 15-18/11 và tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống nước chủ nhà Mohamed Muizzu, vốn dự kiến tổ chức vào ngày 17/11 tại Male.

Theo người phát ngôn, bà Thầm Di Cầm đến thăm Maldives theo lời mời của chính ông Mohamed Muizzu. Từ ngày 18-21/11, vị Ủy viên quốc vụ Trung Quốc này cũng sẽ thăm Sri Lanka theo lời mời của Chính phủ Sri Lanka. (Tân hoa xã)

TIN LIÊN QUAN
Sau 4 thập niên, Ấn Độ và Sri Lanka ‘hồi sinh’ dịch vụ phà

Đông Bắc Á

* Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho công dân bị buộc tội gián điệp: Ngày 13/11, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu nêu rõ : “Chúng tôi biết rằng vào ngày 3/11, bản án 12 năm tù đối với một người đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 50, bị bắt giữ vào tháng 7/2019, đã được đưa ra vì kháng cáo của ông ta bị bác bỏ” tại tòa án ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Tokyo tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ có thể từ quan điểm bảo vệ công dân nước này.

Trước đó, Trung Quốc đã kết án 12 năm tù một công dân Nhật Bản vì tội gián điệp. Người này là nhân viên Astellas Pharma, tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Theo Tokyo, kể từ khi luật chống gián điệp sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ ít nhất 17 người Nhật Bản. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Nhật Bản ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích nam giới chăm sóc con

* Nga cảnh báo Ba Lan về hành động này: Ngày 13/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Ba Lan triển khai một tiểu đoàn xe tăng mới tới Brest, gần biên giới Belarus sẽ làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, ông nêu rõ các “đồng minh” ở Minsk sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo đảm an ninh.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak thông báo nhiệm vụ của tiểu đoàn xe tăng mới là phối hợp với các sư đoàn bộ binh ở khu vực để tạo ra một rào cản hiệu quả, ngăn chặn các mối đe dọa từ phía Đông. (Reuters)

* Cựu Thủ tướng Anh làm Ngoại trưởng: Ngày 13/11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cải tổ nội các quy mô lớn lần đầu tiên sau gần 13 tháng nắm quyền.

Sau khi sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman do sức ép dư luận và nội bộ về việc bà chỉ trích cách cảnh sát xử lý tuần hành ủng hộ Palestine, ông Sunak đã bổ nhiệm Ngoại trưởng James Cleverly làm Bộ trưởng Nội vụ để thay thế bà.

Đáng chú ý, song song với điều chuyển ông James Cleverly, Thủ tướng Sunak đã quyết định bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron giữ chức Ngoại trưởng.

Động thái này gây ngạc nhiên lớn trong dư luận và chính giới Anh. Ông Cameron đã phải từ chức Thủ tướng sau trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) năm 2016 và không có hoạt động chính trị nào kể từ đó. Gần đây nhất, ông đã chỉ trích quyết định hủy bỏ dự án đường sắt tốc độ cao HS2 nối Birmingham với Manchester của Thủ tướng Sunak. Do đó, giới quan sát đánh giá quyết định bổ nhiệm ông Cameron là sự thỏa hiệp của ông Sunak với nhóm ôn hòa trong đảng Bảo thủ cầm quyền trước sự bất mãn của họ với chính sách có phần quyết đoán trong các vấn đề nhập cư, cảnh sát và nhà ở của chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt vẫn tại vị trong đợt cải tổ nội các lớn này, dù ông có quan điểm không thống nhất với Thủ tướng Sunak về ngân sách.

Việc cải tổ nội các sâu rộng lần này của Thủ tướng Rishi Sunak được đánh giá vừa là biện pháp vừa mang tính đối phó, vừa là chiến lược nhằm thu hút đồng minh và loại bỏ các bộ trưởng chưa đáp ứng kỳ vọng. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Rộ tin Thủ tướng Anh sắp thăm Ấn Độ và triển vọng ký kết FTA song phương

* Israel: Lãnh đạo đối lập không ủng hộ việc lật đổ ông Netanyahu: Ngày 13/11, Đài truyền hình nhà nước Israel (KAN) cho biết, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh quốc gia, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz phản đối các động thái chính trị nhằm lật đổ Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngay thời điểm này.

Hiện trong xã hội Israel đang xuất hiện ý kiến chỉ trích việc nhà lãnh đạo Israel chưa nhận trách nhiệm cá nhân trước sơ sót về an ninh, dẫn đến cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10. Nhiều cựu quan chức và người dân Israel cũng tuần hành, đòi ông Netanyahu phải từ chức ngay giữa thời điểm cuộc xung đột.

Trước động thái nêu trên, ông Gantz cho rằng, không thể thay thế thủ tướng ngay giữa xung đột. Theo ông, việc đàm phán hay gây sức ép để lật đổ ông Netanyahu vào thời điểm này “chẳng khác gì một sự ảo tưởng”.

Ông Gantz là chủ tịch đảng đối lập Liên minh quốc gia, đã gia nhập Nội các thống nhất từ ngày 11/10. Hiện ông đang thể hiện uy tín cao trong xử lý cuộc xung đột Hamas ở phía Nam và xung đột với Hezbollah ở phía Bắc. (Times of Israel)

* Mỹ xác nhận tiến hành không kích miền Đông Syria: Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ra tuyên bố xác nhận cùng ngày, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh không kích các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở miền Đông Syria.

Tuyên bố này nêu rõ: “Hôm nay (12/11), các lực lượng quân sự của Mỹ đã thực hiện những cuộc tấn công chính xác vào các cơ sở ở miền Đông Syria được lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm liên kết với Iran sử dụng để đáp trả các vụ tập kích liên tiếp nhằm vào đội ngũ nhân viên Mỹ ở Iraq và Syria. Những cuộc tấn công được tiến hành nhằm vào một cơ sở huấn luyện và ngôi nhà an toàn gần các thành phố Abu Kamal và Mayadin”.

Cũng theo tuyên bố trên, “Tổng thống (Biden) không có ưu tiên nào cao hơn sự an toàn của đội ngũ nhân viên Mỹ. Ông chỉ đạo hành động ngày hôm nay để khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ chính mình, đội ngũ nhân viên và các lợi ích của đất nước”.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, Mỹ sẵn sàng tiến hành những cuộc tấn công tiếp theo, nếu cần thiết, nhằm vào các nhóm mà Washington cho là được Iran tài trợ và thực hiện những hoạt động tập kích đối với các lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Theo Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ ở Syria và Iraq đã bị tấn công khoảng 50 lần kể từ ngày 17/10. Hôm 26/10, 2 chiến đấu cơ F-16 của Không quân Mỹ đã oanh kích các kho chứa vũ khí và đạn dược của IRGC. Hiện có 900 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Syria và 2.500 quân nhân khác đồn trú ở Iraq. (TASS)





Nguồn

Cùng chủ đề

Một bên vẫn “nắm đằng chuôi”, Hamas “ngã ngửa” nhận ra đòn giáng, hòa bình liệu còn xa?

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah đang được kỳ vọng là "tia hy vọng lóe lên từ vực thẳm' trong cuộc xung đột tại khu vực sau nhiều tháng leo thang. Tuy vậy, Israel vẫn đang ở thế chủ động trong mọi việc và vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những cam kết của hai bên.

Tổng thống Mỹ Biden và ‘nước cờ cuối’ củng cố di sản, tạo không gian để ông Trump trổ tài ‘bậc thầy thương thuyết’

Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn nỗ lực nhằm thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine và Trung Đông. Tuy nhiên, sẽ chỉ là "muối bỏ bể' với tình hình hiện tại, còn một khoảng trống chính sách rất lớn để Tổng thống đắc cử Donald Trump có cách tiếp cận mang bản sắc của riêng mình.

Tòa án Hình sự quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel, Czech và Bulgaria đồng loạt phản ứng

Thủ tướng Czech Petr Fiala coi quyết định của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) là "điều đáng tiếc".

Thủ tướng Hungary tuyên bố “ngó lơ” lệnh bắt giữ quốc tế với Thủ tướng Israel

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán ngày 22/11 lên tiếng chỉ trích Tòa án hình sự quốc tế (ICC) về việc phát lệnh bắt giữ người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, đồng thời tuyên bố sẽ không tuân thủ lệnh này và mời ông Netanyahu đến Hungary.

ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Israel phản ứng mạnh

Ngày 21/11, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjmain Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel cũng như thủ lĩnh Hamas Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri.

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Những động thái mới nhất từ các Tổng thống Nga và Ukraine

Ngày 28/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tiến hành điều tra "khách quan và minh bạch" vụ tai nạn máy bay của hãng Azerbaijan Airlines tại Kazakhstan, mà theo các chuyên gia phương Tây và Mỹ là do hệ thống phòng không Nga bắn hạ.

Truy kích 10 ngày, bắt giữ 93 người có liên quan đến tổ chức Gulen

Theo thông báo từ Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya, cảnh sát nước này vừa tiến hành một chiến dịch quy mô lớn, bắt giữ 93 đối tượng bị tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Nga lập kỷ lục xuất khẩu vũ khí, rút khỏi thỏa thuận hợp tác hạt nhân với châu Âu

Tổng giám đốc Công ty Rosoboronexport Alexander Mikheyev tuyên bố, danh mục đơn hàng của công ty bán vũ khí quốc gia Nga này vào cuối năm 2024 đã đạt mức cao kỷ lục trên 57 tỷ USD.

Người vô gia cư tăng 18% trong năm 2024

Bộ Nhà ở và phát triển đô thị Mỹ ước tính có 771.480 người vô gia cư chỉ trong một đêm vào tháng 1/2024, tăng 18% so với năm 2023.

Tiếp đà tăng, lý do khiến thị trường phục hồi, có dấu hiệu đầu cơ đẩy giá?

Giá tiêu hôm nay 29/12/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 146.000 - 147.000 đồng/kg.

Bài đọc nhiều

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo Tổng thống Putin đang tiến hành tấn công hỗn hợp và Berlin là mục tiêu đặc biệt

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Nga đang thực hiện các cuộc tấn công hỗn hợp nhằm vào Đức.

Tổng thống Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Ukraine, sẵn sàng gặp ông Trump, Kiev muốn phương Tây triển khai quân

Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định điều kiện đàm phán hiệp định hòa bình với Ukraine, EU cam kết với Kiev, ông Zelensky muốn phương Tây triển khai quân đội, xả súng tại Mỹ, sóng gió trên chính trường Canada… là những ảnh ấn tượng trong tuần do Reuters, The Guardian… tổng hợp.

Thổ Nhĩ Kỳ gửi thông điệp cứng rắn tới chính quyền Syria mới lẫn Mỹ

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố Ankara sẽ làm 'bất cứ điều gì cần thiết' để đảm bảo an ninh của nước này nếu chính quyền Syria mới không thể giải quyết mối quan ngại về nhóm người Kurd mà...

Nước Mỹ trong vòng xoáy quyền lực của tỉ phú Elon Musk

Có tài sản khổng lồ cùng nhiều công ty đầy ảnh hưởng và nắm giữ một vị trí trong chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, tỉ phú Elon Musk đang tạo dựng quyền lực chưa từng có ở xứ...

Nga tấn công Ukraine ồ ạt trong ngày Giáng sinh?

Không quân Ukraine cáo buộc Nga đã phóng hơn 180 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine trong ngày Giáng Sinh 25.12. ...

Cùng chuyên mục

Những động thái mới nhất từ các Tổng thống Nga và Ukraine

Ngày 28/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tiến hành điều tra "khách quan và minh bạch" vụ tai nạn máy bay của hãng Azerbaijan Airlines tại Kazakhstan, mà theo các chuyên gia phương Tây và Mỹ là do hệ thống phòng không Nga bắn hạ.

Truy kích 10 ngày, bắt giữ 93 người có liên quan đến tổ chức Gulen

Theo thông báo từ Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya, cảnh sát nước này vừa tiến hành một chiến dịch quy mô lớn, bắt giữ 93 đối tượng bị tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Nga lập kỷ lục xuất khẩu vũ khí, rút khỏi thỏa thuận hợp tác hạt nhân với châu Âu

Tổng giám đốc Công ty Rosoboronexport Alexander Mikheyev tuyên bố, danh mục đơn hàng của công ty bán vũ khí quốc gia Nga này vào cuối năm 2024 đã đạt mức cao kỷ lục trên 57 tỷ USD.

Ông Putin xác nhận phòng không Nga đang kích hoạt khi máy bay Azerbaijan đến Grozny

Hôm nay (28.12), Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev nói rằng lực lượng phòng không Nga đang được kích hoạt khi máy bay của Hãng Azerbaijan Airlines tìm cách đáp xuống Grozny (thủ phủ CH...

Ngoại trưởng Jaishankar gặp “người quen” ở Washington, nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Ấn Độ vì lợi ích toàn cầu

Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã có "cuộc trò chuyện sâu rộng" về quan hệ đối tác song phương cũng như các vấn đề toàn cầu với Cố vấn an ninh quốc gia tiếp theo của Mỹ, ông Michael Walts.

Mới nhất

Chân dung nữ sinh FPT Kiều Duy vừa đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam

Tân Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 Nguyễn Ngọc Kiều Duy là nữ sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh Đại học FPT Cần Thơ. Tân Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 Nguyễn Ngọc Kiều Duy, sinh năm 2003 hiện theo học năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học FPT Cần Thơ. Cô sở hữu...

Tổng kết công tác hậu cần toàn quân năm 2024

(Bqp.vn) - Sáng 27/12, Tổng cục Hậu cần tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hậu cần toàn quân năm 2024. Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự, chỉ đạo hội nghị. Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trì hội nghị.Các đại...

Bản quyền AI khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ đối mặt thách thức lớn

Theo nhận định từ Reuters, năm 2025 có thể mang tới những diễn biến quan trọng trong loạt vụ kiện bản quyền. Những yếu tố này có thể trở thành bước ngoặt lớn góp...

Tập đoàn năng lượng có doanh thu kỷ lục hơn 1 triệu tỉ đồng chính thức đổi tên mới

Petrovietnam chính thức đổi tên mới là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia và đạt mốc doanh thu kỷ lục hơn 1 triệu tỉ đồng. ...

Mới nhất