Loại nấm này mọc nhiều ở miền sơn cước thuộc các tỉnh miền Trung. Chúng thường có màu tím nhạt và tai tròn, mọc nhiều sau những cơn mưa đầu mùa. Đến mùa nấm mọc, từ mờ sáng người dân í ới rủ nhau đội đèn pin đến những rẫy keo tìm nhổ nấm.
Nhổ được nhiều nấm, rửa sạch, cho vào nồi luộc sơ cùng một ít muối. Sau đó, vớt ra để nguội rồi cho vào hộp đựng thực phẩm hoặc túi ni lông bảo quản trong tủ lạnh ăn dần mà không sợ hư.
Theo nhiều tài liệu, ăn nấm đắng có thể giúp chữa mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giã rượu. Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào nên những món ăn được chế biến từ nấm đắng luôn được ưa thích.
Nấm đắng mới nhổ về đem gọt sạch phần chân nấm, có thể chẻ đôi hoặc chẻ ba, đem ngâm vào nước muối hoặc luộc sơ qua nước sôi để nấm nhả bớt vị đắng rồi mới chế biến. Cách nào thì nấm vẫn luôn béo ngậy.
Rất nhiều món hảo hạng được chế biến từ nấm đắng nhưng ưa thích nhất vẫn là món nấm xào lòng heo, vừa lạ miệng vừa béo bổ. Lòng heo chọn loại mới mổ, rửa sạch, tao với dầu ăn cho lòng vừa chín, sau đó mới cho phần nấm đã chuẩn bị vào. Nấm đắng khi xào thì tai nấm uốn cong, phơi bụng trắng ngần, mới nhìn thôi đã ứa nước miếng.
Xào lòng với nấm sao cho hai nguyên liệu này vừa quyện với nhau, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp và thưởng thức. Hấp dẫn nhất của món ăn này là sự hòa quyện của các nguyên liệu và gia vị, làm cho món ăn tăng độ khoái khẩu. Dùng bánh tráng nướng xúc hoặc ăn cùng cơm nóng, kiểu nào cũng chắc chắn ngon!