Tôi vừa được ăn cỗ ở nhà người anh bên vợ sinh sống tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cùng dự hôm ấy có những người con quê hương Quảng Ngãi và khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người vui vẻ chuyện trò, cùng nhau thưởng thức những món ngon do chủ nhà khéo léo chế biến và bài trí đẹp mắt. Trong đó, đĩa gỏi bún (ảnh) khiêm nhường nằm cạnh những thứ sơn hào hải vị nhưng được thực khách “ưu ái” suốt cả bữa ăn với lời ngợi khen chân tình.
Người Quảng Ngãi sống xa quê khi thấy gỏi bún như được gặp “cố nhân”, lòng hân hoan chào đón. Món ăn này mang hương vị đặc trưng với những nguyên liệu chế biến sẵn có ở quê hương núi Ấn sông Trà. Đó là sợi bún mì hay bún gạo phơi khô trong những ngày ngày nắng nôi như đổ lửa, thịt heo bằm, ruốc biển phơi khô, chanh, hẹ, rau ngò… cùng gia vị trong căn bếp ấm nồng.
Bún trắng phau cho vào ngâm sơ trong nước sôi rồi nhúng qua nước lạnh. Lát sau, vớt ra rổ cho ráo nước. Cho ít dầu phộng lên chảo đun sôi cùng hành tím xắt lát đến khi bốc mùi thơm thì cho thịt heo băm nhỏ vào rồi dùng đũa đảo đều. Khi thịt vừa chín tỏa hương thơm nồng thì nhấc xuống khỏi bếp. Bún cắt đoạn ngắn cho vào đĩa lớn cùng thịt heo xào rồi dùng đũa đảo đều.
Tiếp đến, cho ruốc đã rang sơ qua lửa và gia vị, hẹ, rau ngò xắt nhỏ cùng tỏi băm nhuyễn, thêm ít tiêu xay nhuyễn, vắt ít nước cốt chanh rồi trộn đều. Khi nguyên liệu hòa vào nhau tỏa hương thơm phức là đã có món gỏi đậm đà hương vị. Đĩa gỏi với màu trắng của bún, nâu đỏ của ruốc biển và vàng nhạt của thịt bằm xào chín, điểm thêm màu xanh của hẹ, rau ngò trông thật hấp dẫn.
Chậm rãi thưởng thức món gỏi bún cảm thấy cuộc đời thật thú vị. Sợi bún mềm dai nên khi nhai vô cùng phấn khích. Vị mặn mà từ ruốc biển phơi khô đã rang qua lửa quyện với vị béo của thịt, chua của chanh hòa cùng gia vị thấm vào từng sợi bún tạo nên dư vị khó phai. Hương thơm từ hẹ và rau ngò cho món gỏi thêm ngon, đủ đầy hương vị. Món gỏi bún Quảng Ngãi phảng phất hương đồng gió nội và biển cả bao la.
Thuở cuộc sống còn khốn khó, gỏi bún là món “chủ lực” trong mâm cỗ của người dân quê tôi vì nguyên liệu chế biến khá rẻ. Những bậc cao niên hay con trẻ ân cần san sớt gỏi bún cho nhau rồi cùng thưởng thức món ăn quê nhà. Dần dà, món này hiện diện trong bữa ăn hằng ngày, trở nên quen thuộc với người dân quê lam lũ. Để rồi, kẻ đi xa xúc động bồi hồi khi nhận được món quà là nguyên liệu chế biến món gỏi dân dã từ người thân nơi quê nhà. Ôi! Món ăn đậm đà, thấm đượm tình quê.