Nhằm đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng một cách có trách nhiệm, Malaysia đã ban hành bộ Nguyên tắc quản trị và đạo đức khi sử dụng AI (AIGE).
AIGE sẽ được áp dụng theo các nguyên tắc quốc gia, để không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Malaysia, mà còn phản ánh các giá trị văn hóa của đất nước.
Phó Thủ tướng Fadillah Yusof cho biết, bộ quy tắc này sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cho người dùng AI trong ngành công nghiệp, đồng thời đóng vai trò như một biện pháp quản lý, nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ AI một cách có đạo đức.
Ông nhấn mạnh, mọi quyết định từ hệ thống AI đều phải dựa trên dữ liệu chính xác, không thiên vị, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.
Theo Phó Thủ tướng Fadillah Yusof, công nghệ AI có thể thay thế nguồn nhân lực và làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, do đó cần giáo dục thế hệ trẻ về tiềm năng và rủi ro của AI. Vào tháng 11 tới, Chính phủ Malaysia sẽ vận hành Văn phòng AI quốc gia (NAIO) và dự kiến thành lập một ủy ban dữ liệu.
Giới chuyên gia đánh giá, bước đi mới của Chính phủ Malaysia cho thấy tầm quan trọng của tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi giai đoạn phát triển của AI.
Đây cũng là cam kết của Chính phủ Malaysia trong việc xây dựng niềm tin của công chúng đối với công nghệ này. Quản trị AI một cách đáng tin cậy và hiệu quả sẽ trở thành động lực ngày càng quan trọng cho tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (MOSTI) Chang Lih Kang cho biết, AIGE sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc ban hành luật.
AIGE tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính: người dùng, nhà hoạch định chính sách và các nhà cung cấp công nghệ. AIGE sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố các luật hiện hành về sử dụng dữ liệu và công nghệ, như Đạo luật An ninh mạng 2024 và Đạo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2010. Theo Bộ Kỹ thuật số, AI có tiềm năng tạo ra 113,4 tỷ USD cho nền kinh tế Malaysia.
Châu Á hiện là nhà cung cấp chính các linh kiện điện tử quan trọng cho AI, bao gồm chất bán dẫn và cảm biến, cũng như cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất phần cứng AI. Một số quốc gia tại châu Á đã có những bước đi tương tự trong việc quản lý AI, trong đó Trung Quốc được coi là chính phủ tích cực nhất.
Mặc dù đạo luật AI nói chung vẫn chưa có hiệu lực, một loạt quy định hướng dẫn hành chính cho lĩnh vực này đã có hiệu lực từ năm 2022, từ những đề xuất về thuật toán đến những hướng dẫn về deepfake. Deepfake là công nghệ sử dụng AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật, để bắt chước giọng nói và gương mặt của người.
Tại Hàn Quốc, các cơ quan quản lý đang xem xét một đạo luật về AI. Khác với Luật AI ở châu Âu, luật này dựa trên nguyên tắc chấp thuận công nghệ đầu tiên, sau đó xây dựng quy định quản lý. Trong khi đó, Nhật Bản đã để các doanh nghiệp tự quản lý về những hoạt động liên quan tới AI dựa trên những hướng dẫn của chính phủ.
PHƯƠNG NAM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/malaysia-co-bo-quy-tac-dao-duc-ai-post760551.html