EcuadorBẫy camera ở vùng hoang dã Amazon ghi lại video hiếm hoi về cách lười hai ngón Nam Mỹ thoát khỏi kẻ săn mồi nhanh nhẹn là mèo gấm Ocelot.
Nổi tiếng là sinh vật sống trên cây và di chuyển chậm, lười thường được cho là dễ dàng thua bất cứ kẻ săn mồi nào khi ở dưới mặt đất. Bẫy camera ở vùng hoang dã Amazon đã cung cấp thước phim hiếm hoi về một cuộc đụng độ như vậy, và thước phim gây ngạc nhiên khi cho thấy cách lười chống trả và thoát khỏi mèo gấm Ocelot, Science Alert hôm 10/8 đưa tin.
Sự việc xảy ra tại Trung tâm Đa dạng sinh học Tiputini, Ecuador. Lười hai ngón Nam Mỹ (Choloepus didactylus) bị tấn công khi đang ghé thăm một vùng đầm lầy gọi là bãi liếm khoáng chất (nơi động vật có thể tới để liếm những khoáng chất thiết yếu). Video cho thấy, lười đã đẩy lùi cuộc tấn công của kẻ đi săn, mèo gấm Ocelot (Leopardus pardalis), bằng cách sử dụng những cú chọc nhanh và thông minh để tạo cơ hội bỏ trốn tương đối nhanh men theo thanh gỗ bắc qua đầm lầy.
Thước phim như vậy rất hiếm, theo nhóm nghiên cứu từ Đại học de los Andes (Colombia), Đại học Texas Austin (Mỹ) và Đại học San Francisco de Quito (Ecuador). Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Food Webs.
Thứ nhất, các cuộc tấn công để ăn thịt thường không được ghi lại trên camera. Thứ hai, lười thường đến bãi liếm khoáng chất vào ban đêm, khi nơi này trở nên an toàn hơn. Thứ ba, lười chưa từng được ghi nhận là mục tiêu của mèo gấm Ocelot và các chuyên gia không rõ kẻ đi săn lên kế hoạch bắt mồi như thế nào.
“Lười hai ngón và mèo gấm Ocelot đều là những sinh vật khó nghiên cứu. Chúng yên lặng, thường ẩn mình, khó phát hiện và quan sát trong tự nhiên”, Anthony Di Fiore, nhà nhân chủng học tại Đại học Texas Austin, cho biết.
Nhóm nghiên cứu không chắc con lười có trốn được mà hoàn toàn không chịu thương tích hay không do tầm nhìn hạn chế của bẫy camera. Tuy nhiên, họ đã tới đầm lầy hai ngày sau khi xảy ra sự việc và không tìm thấy bằng chứng nào về xác lười.
Nhóm nhà khoa học cho biết, những thước phim như trên rất hữu ích trong việc cung cấp thêm thông tin về lười hai ngón Nam Mỹ và mèo gấm Ocelot, cả về thói quen của lười lẫn con mồi của mèo gấm Ocelot. Kẻ đi săn này thường ăn những sinh vật nhỏ như rắn, rùa, ếch, nhưng cũng có thể tấn công con mồi lớn hơn. Nghiên cứu mới cũng là lời nhắc nhở rằng động vật có xu hướng di chuyển chậm và trao đổi chất chậm vẫn có thể là đối thủ của những sinh vật nhanh nhẹn ngoài tự nhiên.
Thu Thảo (Theo Science Alert)