TanzaniaLửng mật có thể kết hợp với chim sẻ honeyguide để lấy mật và sáp ong hoang dã trước cả con người.
Chim sẻ và lửng mật có thể hợp tác trộm mật ong, theo nghiên cứu công bố hôm 29/6 trên tạp chí Zoology. Nghiên cứu phát hiện 61% thợ săn mật ong người Hadzabe ở Tanzania từng trông thấy chim sẻ honeyguide và lửng mật tương tác theo cách này.
Chim sẻ honeyguide thích sáp ong, nhưng chúng không đủ khỏe để đập vỡ tổ ong nhằm tiếp cận sáp. Trong thời gian dài, loài chim sẻ này dẫn đường cho thợ săn mật ong tới chỗ tổ ong hoang dã. Chờ con người lấy xong mật ong, chúng sẽ tận hưởng lớp sáp ong còn lại. Sau đó, chim sẻ honeyguide đoán ra cách làm trên có thể áp dụng với loài khác là lửng mật.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Đại học California, Los Angeles, là nghiên cứu đầu tiên tìm kiếm bằng chứng trên quy mô lớn về chim sẻ honeyguide (Indicator indicator) và lửng mật (Mellivora capensis) phối hợp với nhau để chiếm tổ ong. Nhóm nghiên cứu tiến hành hơn 400 cuộc phỏng vấn với thợ săn mật ong trên khắp châu Phi, một số từng hợp tác với chim sẻ honeyguide để tìm nguồn mật.
Trong khi 80% nhóm được khảo sát chưa bao giờ thấy hai loài tương tác và nghi ngờ tính tính chân thực của câu chuyện, các nhà nghiên cứu phát hiện vài ngoại lệ. Ở Tanzania, nhiều người đến từ 3 cộng đồng riêng biệt cho biết họ từng thấy chim sẻ honeyguide và lửng mật kết hợp đột kích tổ để trộm mật và sáp ong. Thợ săn mật ong người Hadzabe hoạt động tại đây, 61% trong số họ tiết lộ đã chứng kiến hành vi. Thổ dân Hadzabe lặng lẽ di chuyển qua địa hình trong khi săn động vật bằng cung tên, vì vậy họ dễ dàng bắt gặp chim sẻ honeyguide và lửng mật tương tác, theo tiến sĩ Brian Wood ở Đại học California, Los Angeles.
Lửng mật là loài hợp tác ngoài dự kiến với chim sẻ do thính giác và thị lực kém của chúng. Điều này có thể giải thích tại sao chim sẻ honeyguides sẵn sàng chuyển sang hợp tác với con người nếu có cơ hội.
“Một số người suy đoán hành vi dẫn đường của chim sẻ honeyguide có thể tiến hóa thông qua tương tác với lửng mật, nhưng sẻ chuyển sang phối hợp với con người khi chúng tôi tới nơi bởi con người có nhiều kỹ năng ưu việt hơn trong việc xử lý ong và tiếp cận tổ ong”, tiến sĩ Claire Spottiswoode ở khoa Động vật học của Đại học Cambridge, cho biết.
An Khang (Theo IFL Science)