Sáng 20.12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XV thông qua.
Các luật được công bố gồm: Luật Di sản văn hoá 2024; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Công đoàn; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Công chứng; Luật Dữ liệu; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lí, sử dụng tài sản công, Luật Quản lí thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lí vi phạm hành chính.
Giới thiệu về Luật Di sản văn hoá 2024, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, Luật Di sản văn hoá 2024 được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2024 đã thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà hước về văn hoá và di sản văn hoá. Luật thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đồng thời cải cách và đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Luật Di sản văn hoá 2024 đã cụ thể hoá từ ba chính sách được Chính phủ và Quốc hội thông qua trong Dự án xây dựng Luật Di sản văn hoá là: Hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; Hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấm phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hoá phù hợp với thực tiễn; Tăng cường cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hoá và nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Với những điểm mới nổi, Luật tạo ra tác động sâu rộng tới đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, góp phần tạo bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của quốc gia và các địa phương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều này đáp ứng mục tiêu “phát huy vai trò động lực của văn hóa thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước”.
Luật Di sản văn hoá 2024 gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (7 chương, 73 điều) đã thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hoá và di sản văn hoá, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Với những điểm mới, Luật thay đổi, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quảnlí, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của cả nước, của các địa phương, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Luật đã làm rõ các hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng) và việc xác lập di sản văn hoá theo từng loại hình; rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các đối tượng (chủ sở hữu, được giao quản lý trực tiếp, cộng đồng và xã hội); nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Luật quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong hoạt động vào vệ phát huy giá trị di sản văn hoá gồm nguồn tài chính, nguồn nhân lực; xây dựng, cập nhật quản lí , khai thác cơ sở dữ liệu về di sản văn hoá; số hoá di sản văn hoá và phát huy giá trị di sản văn hoá trên môi trường số; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, tuyên truyền quảng bá di sản; xã hội hoá hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; sử dụng, khai thác di sản văn hoá; hợp tác công tư; hợp tác quốc tế; Quỹ bảo tồn di sản văn hoá.
Quy định mới về cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hoá, rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND các cấp;
Luật cũng đã quy định rõ các nội dung liên quan đến các biện pháp quản lí, bảo vệ và phát huy giá trị theo từng lĩnh vực, loại hình di sản văn hoá, như: Quy định rõ việc bảo vệ đối với khu vực bảo vệ của di tích; nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích; khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II. Quy định rõ di tích phải có tổ chức quản lí, người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quản lí, bảo vệ và phát hiệu giá trị di tích; quy định rõ trách nhiệm cảu tổ chức được giao quản lí di tích đối với di tích thuộc sở hữu toàn dân,…
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Luật Di sản văn hoá 2024 đã khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Một trong những đột phá quan trọng của Luật là mở rộng các quy định liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hoá, khai thác và sử dụng di sản, thúc đẩy hợp tác công tư và thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá. Điều này tạo cơ chế thu hút tối đa các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Đồng thời, Luật cũng đồng bộ với các quy định phát luật liên quan, cho phép triển khai các dự án đầu tư và công trình kinh tế – xã hội tại khu vực di sản. Quy định này đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định di sản trở thành tài sản, tài nguyên đặc biệt trong phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch bền vững và phát triển công nghiệp văn hoá ở các địa phương.
Đồng thời, Luật góp phần định vị thương hiệu địa phương, quốc gia và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của di sản văn hoá Việt nam trong kho tàng di sản văn hoá nhân loại.
Một điểm nhấn quan trọng khác của Luật Di sản văn hoá 2024 với các quy định liên quan đến việc chuyển đổi số, số hoá di sản văn hoá và phát huy giá trị di sản văn hoá trên môi trường điện tử. Việc chuyển đổi số di sản văn hoá quy định trong Luật góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh và hiện đại”.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-phan-cap-phan-quyen-manh-me-116024.html