Thứ nhất, UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú.
Thứ hai, công an nơi xảy ra vụ việc.
Thứ ba, cơ quan LĐ-TB-XH các cấp.
Hoặc, người dân có thể điện số 113 (Công an TP.HCM); 1900 54 55 59 (Trung tâm công tác xã hội trẻ em TP.HCM); 1800 90 69 (Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM); 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em) để phản ánh.
Đồng thời, TP.HCM đã có mô hình một cửa tại Bệnh viện Hùng Vương (địa chỉ số 128 Hồng Bàng, P.12, Q.5), nhằm tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM (số 14 Nguyễn Văn Bảo, P.4, Q.Gò Vấp) để can thiệp trị liệu.
65 trường hợp trẻ em bị xâm hại từ đầu năm tới nay
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện TP.HCM có hơn 1,8 triệu trẻ em (chiếm tỷ lệ hơn18,8% dân số của thành phố). Trong đó, có 10.196 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, và 19.565 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng.
Thống kê cho thấy, năm 2021, TP.HCM có 114 trẻ bị xâm hại, năm 2022 có 147 trẻ bị xâm hại. Từ đầu năm nay tới 30.4.2023 có 65 trẻ em bị xâm hại.
TP.HCM đánh giá, thách thức lớn nhất mà địa phương phải tập trung giải quyết là tình trạng quá tải trường học, bệnh viện phục vụ người dân nhập cư; công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.
Bên cạnh đó, phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình… Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.
Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em. Các dạng hành vi xâm hại trẻ em phổ biến là cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán…
Độ tuổi trẻ em bị bạo lực, xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ
Đặc biệt, nếu như trước đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động… thì thời gian gần đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em là các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.
UBND TP.HCM cũng đánh giá thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng giảm về số vụ nhưng có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức khác như bạo hành thể xác (tra tấn, đánh đập), bạo hành tinh thần (hăm dọa, mắng chửi).
Độ tuổi trẻ em trong các vụ bạo lực, xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16, phần lớn là trẻ em gái.