“Tôi tên là Sean Combs, một chàng trai da đen trẻ tuổi, và tôi chỉ có ước mơ là trở nên thành công” – Sean Combs, hay thường được biết với nghệ danh Diddy, chia sẻ trong một chương trình truyền hình năm 1997.
Sao có thể, Diddy?
27 năm sau, Sean Combs đã thực sự thành công, trở thành một trong những rapper huyền thoại của nước Mỹ kiêm ông chủ hãng đĩa Bad Boy.
Cho đến khi y bị cảnh sát vây bắt trong một hoạt cảnh không khác gì cuộc bố ráp một trùm xã hội đen.
Và với những gì công chúng được biết tới thời điểm này thì có lẽ Diddy thực sự là một trùm xã hội đen.
Anh ta không chỉ là một gã “trai hư” như tên hãng đĩa mình sáng lập, vụ án của Diddy cũng không chỉ là một bê bối đời tư để ta bàn tán khi rỗi việc.
Trong bộ phim tài liệu The Downfall of Diddy do Hãng tin TMZ thực hiện, có một nhận xét rằng khi xem video cảnh sát ập vào dinh cơ của Diddy, không ai tin nổi. Chẳng phải đây chỉ là một ngôi sao ca nhạc? Một nghệ sĩ thì có thể phạm tội lỗi tày đình đến thế nào?
Với những tín đồ âm nhạc thập niên 1990, chắc chắn càng khó để liên kết hình ảnh Diddy lần đầu toả sáng trên sân khấu MTV trong tiết mục tưởng nhớ rapper vĩ đại Notorious B.I.G bằng bản rap I’ll be Missing You với đoạn sample ca khúc Every Breath You Take của Sting với hình ảnh kẻ bị bắt vừa qua.
Puff Daddy – I’ll Be Missing You
Lúc ấy, Diddy mặc đồ trắng từ đầu tới chân, nhảy múa trong khi Sting hát, và khi đến đoạn rap của bản thân, anh khiến mọi người cảm động vì lời rap chân tình dành cho người bạn quá cố.
Bản ghi âm I’ll be Missing You có 11 tuần liền đứng ở vị trí số 1 Billboard Hot 100, bán ra gần 10 triệu bản – trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời.
Các nhà phê bình xác quyết đây là một trong những bản nhạc định hình âm thanh hip hop những năm 1990.
Nghệ thuật có mối liên hệ gì với cái ác không?
Bộ phim tài liệu Can’t Stop, Won’t Stop: A Bad Boy Story năm 2017 về sự ra đời cùng sức ảnh hưởng văn hóa rộng khắp của hãng đĩa Bad Boy có ghi lại một căn phòng trong dinh thự của Diddy: một căn phòng chỉ để đựng kẹo.
Hàng chục hộp thủy tinh bày la liệt trên bàn, trên kệ, khiến ta đâu đấy liên tưởng đến nhà máy chocolate của Willy Wonka trong tiểu thuyết của nhà văn thiếu nhi Roald Dahl.
Luận tội Diddy, đó là trách nhiệm của công lý.
Nhưng sau khi tội được luận xong thì hẳn cũng nên đặt ra câu hỏi: điều gì khiến một con người mà xuất phát điểm có lẽ cũng không lấy gì làm đặc biệt.
Đó chỉ là một chàng trai da đen có khát khao đổi đời, một người thực sự say mê và đã cống hiến cho âm nhạc – dù sao cũng không thể phủ nhận y đã để lại những dấu ấn khó quên trong âm nhạc – cuối cùng sụp đổ hoàn toàn về nhân tính?
Nghệ thuật có mối liên hệ gì với cái ác hay không – nó là chất xúc tác hay là kháng thể cho cái ác?
Những chủ đề ấy, từ Oscar Wilde trong tiểu thuyết Chân dung Dorian Gray đến Edgar Allan Poe trong truyện ngắn Sự sụp đổ của dòng họ Usher đều đã từng nghiền ngẫm. Nhưng sau rốt, khi chứng kiến câu chuyện người thật việc thật, ta vẫn cảm thấy thật khó để đi tới đáp án tối hậu.
Trong Can’t Stop, Won’t Stop, khi kể lại tuổi thơ, Diddy nhớ về những lần mình ngồi trước cửa nhà nhìn sang nhà hàng xóm ở bên kia phố có bể bơi. Cậu bé Sean Combs lúc đó ao ước được họ rủ sang bơi lội. Chẳng ai rủ cả, thế là cậu quyết định: mình cũng phải có bể bơi.
Ai biết được, có thể chỉ từ mong ước có một chiếc bể bơi cho riêng mình ấy, một khao khát đã biến thành một lòng tham, một dục vọng, và cứ thế sau hàng chục năm, biến Diddy trở thành Diddy hôm nay. Ai biết được, có thể mọi tội lỗi đã bắt đầu từ một chiếc bể bơi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/rung-dong-vu-an-diddy-am-nhac-o-dau-trong-toi-ac-20240929090736713.htm