Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Internet mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng có những nguy cơ không nhỏ đối với trẻ.
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp trẻ mở mang thêm kiến thức một cách tự do và độc lập. (Nguồn: Intnernet) |
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin… Điều 54 của Luật Trẻ em quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em đang lạm dụng công nghệ? Làm sao để kéo con ra khỏi màn hình ti vi, máy tính, điện thoại?
Có thể nói, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Internet mang lại rất nhiều lợi ích cho con trẻ. Các em có thể xem phim, học tập, sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng, tìm kiếm thông tin, trò chuyện với bạn bè, người thân…
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp trẻ mở mang thêm kiến thức một cách tự do và độc lập, hoàn toàn tự tin trở thành một công dân toàn cầu. Và sự tiến bộ này còn giúp ích cho ngành giáo dục trong việc cải cách, tìm ra trung tâm của giáo dục.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, hiện trẻ em ở nước ta sử dụng từ 5 – 7 tiếng/ngày vào Internet, cao hơn 2-3 lần so với khuyến cáo. Với nhiều trẻ em, thói quen sử dụng điện thoại, máy tính và tivi mỗi ngày đã trở nên phổ biến.
Một thực tế đáng lo ngại là thời gian trẻ dành cho các thiết bị điện tử để giải trí nhiều hơn là phục vụ cho việc học tập. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết bị điện tử, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Cùng với đó, việc biết áp dụng công nghệ vào học tập sẽ trở thành một công cụ đắc lực trong việc phát triển tư duy của trẻ.
Chia sẻ tại một diễn đàn, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục khẳng định: “Thế giới công nghệ tạo nên không hề ảo như mọi người vẫn thường ví von, mà ngược lại nó đã mang lại những giá trị rất thực. Nếu như những trường ở vùng sâu vùng xa, không thể trang bị những chiếc máy tính đắt tiền cho các em, nhưng nếu mỗi em học sinh ở đây có cho mình những chiếc điện thoại có thể kết nối mạng là đã dễ dàng sử dụng thêm nhiều tiện ích và chính từ đó, các em sẽ được mở mang tầm mắt, được học thêm rất nhiều điều”.
Rõ ràng, khoa học công nghệ đã mở ra một thế giới phẳng, nơi mà không có giới hạn nào được đặt ra để cho trẻ có thể thỏa thích tìm tòi. Bên cạnh đó cũng có những mặt trái mà phụ huynh và con trẻ cần nhận thức rõ để có thể sử dụng công nghệ trong thời đại số một cách đúng đắn và hiệu quả.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bạo lực, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi.
Vì vậy, để môi trường số trở nên an toàn, lành mạnh hơn với trẻ em, giải pháp nào cho các bậc phụ huynh, để giúp các em trong việc cải thiện thói quen dùng mạng xã hội, tránh lạm dụng quá nhiều vào việc giải trí?
PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cho rằng, để trang bị cho trẻ năng lực miễn dịch số khi tham gia môi trường mạng, kinh nghiệm các nước đều có chiến lược giúp học sinh tiếp xúc với giáo dục an toàn mạng từ sớm (giai đoạn 6-8 tuổi). Bởi lẽ, đây là lứa tuổi đã được cha mẹ cho sử dụng mạng một cách độc lập và có nguy cơ cao nhất.
Theo ông Nam, cha mẹ cần được cập nhật kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ hoạt động trực tuyến của trẻ, hiểu rõ về lợi ích và nguy cơ tồn tại ở thế giới số và những kỹ năng để nhận diện khi trẻ có nguy cơ bị lạm dụng trực tuyến cũng như biết cách ứng phó, nơi tìm kiếm sự hỗ trợ.
“Muốn dạy trẻ bơi thì người dạy cũng phải biết bơi và biết phương pháp huấn luyện bơi, trên ‘đại dương số’ cũng như thế”, PGS. TS. Trần Thành Nam nói.
Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia và Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030. Nếu phụ huynh cấm con sử dụng Internet là lấy mất các cơ hội kết nối, giải trí, cập nhật thông tin và tự giáo dục của đứa trẻ. Điều này sẽ làm trẻ tụt hậu và không thể trở thành công dân toàn cầu được.
Nhưng để cho con có thể sử dụng an toàn trên môi trường ảo, cha mẹ cũng cần cởi mở để tự cập nhật bản thân mình với các kỹ năng công dân số. Đồng thời, ở trong gia đình, cha mẹ cũng phải trở thành tấm gương cho việc sử dụng mạng an toàn vì thực tế không ít bậc người lớn cũng đang mắc các lỗi sử dụng mạng không an toàn.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội cho rằng, tạo “vaccine số” cho trẻ em là cần thiết, để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những nội dung độc hại trên mạng xã hội. Nên giáo dục trẻ cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội an toàn để tránh nguy cơ sa vào những “hố đen” trên thế giới ảo. Muốn vậy, cần cung cấp cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/de-tre-su-dung-cong-nghe-thong-minh-khong-bi-lac-vao-ho-den-the-gioi-ao-281044.html