LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”. Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. VietNamNet mời độc giả “đến thăm” các lõm chính trị - căn cứ giữa lòng địch: địa đạo Củ Chi, chiến khu Rừng Sác, căn cứ Vườn Thơm, khu lao động Bàn Cờ, các hầm biệt động trong nội thành Sài Gòn... |
Trong nội thành TPHCM ngày nay, nhiều địa điểm bí mật thời chiến đã được công khai.
Đó là các địa điểm có hầm tối và những lối đi bí mật, từng âm thầm chứng kiến hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Mỗi ngày, hàng trăm, hàng nghìn lượt người hối hả đi ngang các điểm tưởng niệm và bảo tàng, nhưng ít người chậm bước hay dừng lại để tìm biết những gì mà một lớp người anh dũng trước đây từng trải qua.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1 là một địa điểm như vậy... Quán còn được biết dưới cái tên "Cà phê Biệt động".
Đây từng là một trong nhiều căn nhà mà năm xưa, chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM…) dùng làm cứ điểm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trước năm 1975, đây là nơi bán cà phê, cơm tấm của vợ chồng ông Đỗ Miễn và vợ là bà Nguyễn Thị Sự.
"Đỗ Phủ" có nghĩa là phủ (nhà) của họ Đỗ. Còn sở dĩ, quán được đặt tên là cơm tấm Đại Hàn bởi đây là tụ điểm quen thuộc không chỉ đối với cư dân mà còn là nơi tụ tập của binh lính Đại Hàn (lính Hàn Quốc tham chiến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam) ở cư xá Công Binh gần đó.
Tuy nhiên, khách đến quán ăn giản dị này không thể ngờ rằng địa điểm này thực chất lại được cách mạng dùng làm nơi trú ẩn, giao liên, hội họp, giao nhận thư từ, tài liệu mật, nuôi giấu cán bộ…
Khách đến tham quan hay uống cà phê sẽ thấy những chứng tích của một thời hoạt động cách mạng bí mật nhưng sôi nổi. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều bút tích của các vị lãnh đạo đã từng tới thăm.
Nhiều hình ảnh ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự tại căn nhà hộp thư bí mật được lưu giữ ở đây.
Vách tường giữa nhà 113A Đặng Dung và 113B Đặng Dung chính là một hầm nổi cất giấu thư từ, tài liệu, thuốc men, tiền, vàng… Hầm nổi rộng chưa đến 20cm, được ngụy trang dưới lớp sàn gỗ, do chính ông Trần Văn Lai thiết kế và xây dựng.
Ở tầng hai còn có hầm bí mật sâu 3m, vừa đủ một người chui vào. Căn hầm này được ngụy trang dưới đáy chiếc tủ quần áo.
Khi có động, các chiến sĩ biệt động vào bên trong tủ khóa trái cửa, mở nắp hầm và thoát ra con đường phía sau căn nhà.
Ngay cạnh bồn rửa tay ở khu vực bếp có 1 ô gạch để các chiến sĩ giao liên giấu tài liệu. Mỗi tối, bà Nguyễn Thị Sự đem tài liệu lên lầu, sau đó chờ giao lại cho chiến sĩ khác...
Cách không xa quán cà phê Đỗ Phủ là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ở 145 Trần Quang Khải, quận 1. Đây là một căn nhà 3 tầng xây dựng từ năm 1963. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn nhà này cũng được ông Trần Văn Lai gây dựng, với bề ngoài là cơ sở phục vụ cho công việc làm thầu khoán nội thất, thầu xây dựng cho Dinh Độc lập.
Nhưng đồng thời, căn nhà còn phục vụ và các nhiệm vụ công tác bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu…
Sau năm 1975, chủ nhà chia làm 3 căn để bán cho những người khác. Hiện, gia đình ông Trần Văn Lai đã mua lại một phần trệt và hai tầng còn lại để xây dựng bảo tàng, sưu tập hiện vật từ cuối năm 2019. Ngày 21/6/2023, bảo tàng được cấp giấy phép hoạt động.
Gây xúc động mạnh tại bảo tàng là bức tường tưởng niệm với những hình ảnh những chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa được lưu giữ trang trọng.
Không chỉ góp phần lưu giữ ký ức lịch sử, với lòng biết ơn vô hạn, một Bức tường Tưởng niệm được xây dựng trang trọng trong không gian ấm cúng của Bảo tàng để tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc.
Hiện tại, ở đây có các bộ sưu tập với các hình ảnh và khoảng 300 hiện vật quý giá về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động, gồm: các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; xe các chiến sĩ biệt động dùng để đi lại, hoạt động; vũ khí; vật dụng sinh hoạt; dụng cụ đồ nghề sản xuất của ông Trần Văn Lai; thiết bị thông tin liên lạc…
Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn liền với người chiến sĩ biệt động, như những công cụ làm gỗ của ông Lai - nghề giúp ông ngụy trang và ra vào thành trì của địch mà không bị nghi ngờ. Bộ trường kỷ bằng da ở tầng trệt là thiết kế để ông Lai giấu vũ khí bên trong. Bên cạnh đó còn có chiếc radio quân đội, chiếc máy đánh chữ từng thuộc sở hữu của Nguyễn Văn Thiệu, một chiếc đàn accordion và những chiếc xe máy được sử dụng để giao thư mật...
Cách Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định vài con phố, nằm ngay mặt tiền một trong những con đường đắt giá nhất ở quận 1 nhưng căn nhà 3 tầng lầu ở số 368 Hai Bà Trưng, quận 1 hiện đóng cửa chứ không để buôn bán như các căn xung quanh. Trước cửa nhà cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có màu nửa đỏ nửa xanh dương và ngôi sao vàng ở giữa.
Ngày trước, địa điểm là hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân, có từ 1930. Sau này, đây còn là cơ sở giao liên tình báo, đóng góp tài chính cho biệt động Sài Gòn.
Ở căn nhà này còn nguyên hầm ngầm và hầm đứng chứa tài liệu, tiền vàng và giấu cán bộ Việt Minh cứu quốc từ thời chống Pháp cho đến chống Mỹ.
Hiện nay, điểm di tích này đang trong quá trình phục dựng, nhằm tái hiện một thời kỳ lịch sử của TPHCM.
Một địa điểm lưu giữ ký ức về những người lính biệt động Sài Gòn năm xưa là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Căn nhà này được ông Trần Văn Lai mua lại năm 1966 và sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí bí mật và hầm trú ém quân của biệt động Sài Gòn.
Căn nhà có diện tích khoảng 35m2. Khi mua, lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Lai đã bí mật xây dựng căn hầm, chuyên chở vũ khí từ ngoại ô vào Sài Gòn và cất giấu tại đây.
Lối xuống hầm thời điểm đó được ngụy trang hệt như một sàn nhà bình thường, rất khó phát hiện. Miệng hầm dài 60cm, rộng 40cm được đặt gần cầu thang, nắp có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc lên.
Căn hầm phía dưới có kích thước dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, bên trong có các khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Sau trận đánh mùa Xuân năm 1968, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì nghi đây là nơi trú ngụ của đội biệt động. Sau này, căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng chúng không biết có hầm vũ khí ở dưới.
Căn hầm từng là nơi cất giấu hơn 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn… Điều đặc biệt, căn nhà nằm ngay giữa trung tâm thành phố, cách dinh Độc Lập chỉ hơn 1km nhưng tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối.
Di tích Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.
Ngoài các địa điểm trên, chuỗi di tích về biệt động còn "kéo dài" đến Garage Citroen ở 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10; địa điểm Gió Lộng ở 166/8 Tắc Xuất, thị trấn Cần Thạnh, mặt biển Cần Giờ; biệt thự thi công nội thất dinh Độc Lập với hệ thống hầm ngầm bí mật dưới lòng biệt thự chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch trước 1975 tại số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận...
Tìm về các điểm bảo tàng, di tích biệt động Sài Gòn không chỉ là chuyến đi trở lại khứ mà còn là hành trình khám phá đầy tự hào về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Mỗi câu chuyện, mỗi hiện vật đều khiến chúng ta xúc động và biết ơn những chiến sĩ biệt động đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Theo Ngân Anh, Khánh Hòa, Nguyễn Huế, Đào Phương (vietnamnet.vn)
Nguồn:https://vietnamnet.vn/bi-mat-can-ham-duoi-day-chiec-tu-quan-ao-cua-biet-dong-sai-gon-2385789.html
Bình luận (0)