1,5 trẻ em mang thai đến bệnh viện mỗi ngày
Theo thống kê từ bệnh viện nói trên, trong gần 43.600 ca sinh và bỏ thai tại bệnh viện năm 2023, đã có tới 528 ca là trẻ vị thành niên. Nghĩa là cứ mỗi ngày có 1,5 trẻ vị thành niên mang thai đến bệnh viện này để sinh hoặc bỏ thai.
Tuy nhiên, mới chỉ có 10% trẻ nhận được trợ giúp từ mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em được biết đến với tên gọi Bồ Công Anh thí điểm một năm qua. Lý do phần lớn vì gia đình, người thân né tránh.
Bà Trần Thị Kim Thanh – trưởng Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) – cho biết năm đầu thí điểm mô hình Bồ Công Anh, chương trình đã tiếp cận hỗ trợ 51 ca.
Trong đó, 13 em chỉ mới học tiểu học, 14 em học THCS. Và 14 em cho biết có vui chơi, uống rượu và quan hệ với hơn một người.
Bệnh viện Hùng Vương (128 Hồng Bàng, quận 5) là nơi tiếp nhận đầu vào, khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời phối hợp với các cơ quan điều tra và Trung tâm Pháp y giám định, lập hồ sơ để điều tra, xử lý vụ việc.
Đầu ra là Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (quận Gò Vấp). Đây là nơi tạm lánh, giúp các nạn nhân có nơi ở an toàn, chăm lo ăn uống, hỗ trợ sinh nở.
Tính trung bình, chi phí hỗ trợ một nạn nhân khoảng 15,2 triệu đồng từ ngân sách TP.HCM.
Người xâm hại lại chính là người thân
“Lập hồ sơ cho các trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, viết đến đâu tôi nổi da gà đến đấy. Nhiều em chỉ mới 10 – 11 tuổi, còn tuổi ăn tuổi chơi nhưng bị xâm hại và mang thai.
Đa số các trường hợp nạn nhân đồng thuận với người xâm hại. Người xâm hại các em lại chính là người thân, hoàn cảnh rất đáng thương”, bà Trần Thị Kim Thanh cho biết.
Thậm chí, có trường hợp chính cha mẹ giới thiệu bạn trai cho con gái mới 15 tuổi và để bạn trai ở chung với con. Trường hợp khác là nhân viên giao hàng, riết dần dà quen rồi dẫn đến xâm hại với sự đồng thuận từ các em.
Nhiều câu chuyện đau lòng khác được chia sẻ tại chương trình, cả xót xa lẫn phẫn nộ bởi đáng sợ hơn cả là hầu hết vụ xâm hại trẻ em lại chính là người thân trong nhà.
Có một bé gái chưa tới 12 tuổi bị bác ruột xâm hại. Tuy nhiên chính bà của bé lại nói gia đình sẽ tự giải quyết mà không cần pháp luật can thiệp vì “là bác nó, cũng là người trong gia đình”.
Chưa kể có người mẹ còn đưa hai con gái ruột chỉ mới qua tuổi lên 10 đi bán dâm.
Ông Lê Văn Thinh, giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết mô hình này tập trung phòng ngừa, ngăn chặn và can thiệp đối với người không tự bảo vệ được bản thân. Vì vậy, các dịch vụ trợ giúp nạn nhân được vận hành khép kín từ đầu vào cho đến cung cấp dịch vụ tạm lánh nhằm bảo mật thông tin của nạn nhân và gia đình.
Theo ông Thinh, một năm thí điểm mô hình đã nhận diện được các khoảng trống trong việc cung cấp dịch vụ cho nạn nhân. Đó là đội ngũ chưa có kiến thức chuyên sâu về bạo lực giới, về tư vấn sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân. Rồi vấn đề quản lý ca chưa chuyên nghiệp, chưa có hướng dẫn cụ thể định mức chi cho từng hoạt động…
“Đây mới chỉ là khởi đầu. Các đơn vị vận hành mô hình sẽ tiếp tục xem xét, đề xuất mở rộng mô hình này tới các bệnh viện khác cũng như các quận huyện khác để dự án có thể mở rộng diện bao phủ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại”, ông Thinh nói.