Lãnh đạo Kosovo cáo buộc Serbia lên kế hoạch và tổ chức các vụ đụng độ giữa người biểu tình với lính NATO tại vùng ly khai.
“Hành vi leo thang tình hình ngày 29/5 được lên kế hoạch, tổ chức tốt và đứng sau là giới chức Serbia”, lãnh đạo cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti ngày 2/6 đề cập đến vụ đụng độ giữa người gốc Serbia và lính gìn giữ hòa bình NATO tại thị trấn Zvecan hồi đầu tuần.
Ông Kurti cáo buộc giới chức Serbia “huy động các nhóm tội phạm kích động đụng độ”, cho rằng nhiều người gốc Serbia tại vùng ly khai Kosovo “buộc phải làm lá chắn sống trong những vụ tấn công phạm tội như vậy”. Ông Kurti chưa công bố bất cứ biện pháp cụ thể nào để giảm bớt căng thẳng.
Serbia chưa bình luận về thông tin của quan chức Kosovo.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình gốc Serbia nổ ra trước tòa nhà hành chính của thị trấn Zvecan, Kosovo ngày 29/5. Các binh sĩ gìn giữ hòa bình thuộc Lực lượng Kosovo (KFOR) của NATO ban đầu cố gắng tách người biểu tình khỏi cảnh sát, sau đó dùng khiên và dùi cui để giải tán đám đông.
Một số người biểu tình ném gạch đá, chai lọ và chai cháy về phía các binh sĩ NATO, song họ nhanh chóng bị đẩy lùi ra khỏi tòa nhà vài trăm mét. Đụng độ khiến hơn 30 binh sĩ NATO và hơn 50 người biểu tình bị thương.
Sau vụ đụng độ ngày 29/5 tại Zvecan, hàng trăm người gốc Serbia tiếp tục tập trung trước tòa nhà hành chính của thành phố, nơi được phong tỏa bằng hàng rào thép gai và có các binh sĩ NATO với trang bị chống bạo động túc trực xung quanh.
Người gốc Serbia tại Kosovo tẩy chay cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 4 tại miền bắc vùng ly khai, vốn cho phép quan chức gốc Albania kiểm soát các hội đồng địa phương dù tỷ lệ cử tri đi bầu chưa đến 3,5%.
Cộng đồng gốc Serbia tại vùng ly khai cũng yêu cầu rút cảnh sát đặc nhiệm Kosovo, cũng như thị trưởng gốc Albania mà họ không coi là đại diện cho sắc tộc của mình.
Sau cuộc gặp với lãnh đạo Serbia ngày 1/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết họ đã thúc giục Kosovo mở cuộc bầu cử mới tại 4 thành phố và thị trấn ở miền bắc vùng ly khai. Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi cả Serbia và Kosovo giảm căng thẳng.
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người Albania.
Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho cộng đồng này. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)