그날 우리는 당에 가입했습니다

Việt NamViệt Nam02/02/2025


ong Nguyen Quang Tao 1
Ông Nguyễn Quang Tạo. Ảnh: N.Đ

Ông Nguyễn Quang Tạo:

Từ Trung sĩ cảnh sát ngụy đến Trung tá Công an Nhân dân

Ở trang 147 cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ (1930 - 1975)” có đoạn: “Với phương châm kiên trì, bền bỉ, liên tục và đều khắp, Ban Binh vận huyện Tam Kỳ (cũ) đã cài cắm được hàng chục cơ sở nội tuyến vào hàng ngũ địch, nắm được hàng trăm cơ sở là binh lính, sĩ quan, nhân viên của hệ thống chính quyền địch từ thôn, xã đến huyện.

Như đưa các đồng chí Nguyễn Bá Tuân làm Chủ tịch xã Kỳ Hương; Lê Thái Thịnh vào mâm tề xã Kỳ Hương; Trần Hương làm Xã phó phụ trách an ninh xã Kỳ Hương; Nguyễn Quang Tạo vào lực lượng cảnh sát, Nguyễn Chừng làm Tiểu đội trưởng nghĩa quân Kỳ Hương…”.

Giác ngộ lý tưởng cách mạng từ sớm, đang đi học, ông Nguyễn Quang Tạo (SN 1952) hoạt động cơ sở bí mật cho đội công tác phường 4 (nay là phường Trường Xuân, Tam Kỳ).

Đến năm 1973 ông Tạo trúng quân dịch. Lúc này, theo định hướng của tổ chức, mẹ ông Tạo - là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương đã bán phuy dầu phụng 200 lít để “chạy” vào chân cảnh sát ngụy. Được đưa vô Sài Gòn học nghiệp vụ 6 tháng, ông về làm việc tại Ty Cảnh sát Quảng Tín.

Đến năm 1974, ông Tạo được đưa qua cảnh sát dã chiến, không còn làm việc ở văn phòng. “Trước tình hình đó, được tổ chức hỗ trợ, gia đình ông “chạy” thêm một số tiền nữa để chuyển qua làm cảnh sát đặc biệt. Tinh thần của tổ chức đặt ra đối với ông lúc đó là “leo cao, chui sâu” vào lòng địch để khai thác thông tin tình báo” - ông Tạo nhớ lại.

Trưởng thành qua thử thách từ trong lòng địch, ông Nguyễn Quang Tạo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở thời điểm cũng khá đặc biệt: Ngày 27/2/1975, trước ngày giải phóng quê hương gần một tháng (24/3/1975); chuẩn bị mở ra chiến dịch đồng loạt nổi dậy giải phóng các đô thị tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Sau ngày giải phóng, ông Nguyễn Quang Tạo công tác trong ngành công an. Ông nghỉ hưu năm 2003, với quân hàm Trung tá. Phát huy tinh thần dấn thân, không ngừng cống hiến của người đảng viên, ông tiếp tục hoạt động phong trào tại cơ sở, đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ khối phố Xuân Đông (phường Trường Xuân) gần 15 năm.

“Từ một trung sĩ cảnh sát ngụy đến khi được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, có những thời điểm phải đối mặt với khó khăn, tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, tôi đã vượt qua làm tốt nhiệm vụ, đặc biệt là giữ được bí mật, bảo đảm an toàn cho tổ chức, gia đình, xóm làng. Đứng vào hàng ngũ của Đảng là vinh dự to lớn của thế hệ chúng tôi. Trong hoàn cảnh nào cũng vậy, bản thân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và tâm niệm phải không ngừng phát huy vai trò của đảng viên có uy tín ở địa phương, đóng góp làm giàu thêm thành quả cách mạng trong giai đoạn mới” - ông Tạo chia sẻ.

NGUYÊN ĐOAN

ong Doan Tan Phat 1
Ông Đoàn Tấn Phát. Ảnh: N.Đ

Ông Đoàn Tấn Phát:

Được cách mạng “thử việc”

Mẹ chết trong một trận càn của Mỹ - ngụy, khi ông Đoàn Tấn Phát (SN 1955, khối phối 1, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) mới tròn 10 tuổi. Cậu bé Phát khi đó phải đi ở đợ và học nghề tại Đà Nẵng.

Tết Mậu Thân năm 1968, ông Phát về thăm nhà ở vùng giải phóng (Duy Trinh, Duy Xuyên) và gặp cô Mười (Đoàn Thị Thúy, hy sinh năm 1969 - PV) là cán bộ cơ quan Đặc khu Đoàn Quảng Đà nên xin theo đi làm cách mạng. Chỉ với suy nghĩ đơn giản là phải đánh đuổi hết giặc.

“Cô bảo tôi, cháu còn nhỏ nên làm việc nhỏ. Cháu cứ ra Đà Nẵng học nghề, cô sẽ giao nhiệm vụ cho… Cuối năm 1968, tôi lại gặp cô Mười. Đêm mùng 4 Tết năm 1969, cô đưa tôi từ Duy Trinh xuống Tân Tây, Xuyên Châu gặp anh Trương Công Trợ, lúc này là Ủy viên Thường vụ Đặc khu Đoàn. Tôi được đổi tên thành “Triển”, được cách mạng “thử việc” bằng nhiệm vụ làm giao liên hợp pháp giữa vùng chiến khu và TP.Đà Nẵng. Tôi bắt đầu làm cách mạng từ đó” - ông Phát kể.

Đến năm 1971, ông Phát được điều về chiến khu, công tác ở cơ quan Văn phòng Đặc khu Đoàn. Trải qua các thử thách khốc liệt, ngày 2/9/1972, ông Phát vinh dự được kết nạp vào Đoàn. Cuối năm 1974, ông được giới thiệu học cảm tình Đảng và được kết nạp Đảng vào ngày 25/5/1975 tại số nhà 150B Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, TP.Đà Nẵng).

ong Doan Tan Phat 2
Ông Đoàn Tấn Phát. Ảnh: N.Đ

Được tổ chức cho đi học văn hóa, học quản lý kinh tế thương nghiệp, ông Phát về công tác tại Ty Thương nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó chuyển về công tác tại Điện Bàn và năm 1994 ông xin nghỉ hưu khi có chủ trương tinh giản biên chế. Về hưu, ông tích cực tham gia phong trào, công tác của địa phương, và hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Vĩnh Điện.

“Được đứng vào hàng ngũ của Đảng - đó là vinh dự lớn lao, mình xác định đúng mục tiêu, lý tưởng rõ ràng. Đảng phân công nhiệm vụ thì cố gắng hoàn thành, ở công việc nào cũng vậy, khi là chuyên viên hay đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo. Có những công việc rất khó khăn, mình phải sáng tạo, dám nghĩ dám đề xuất, vận dụng linh hoạt để hoàn thành tốt” - ông Phát nói.

Về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay, mà cách đây tròn 30 năm bản thân từng là người trong cuộc và xung phong thực hiện khi Đảng có chủ trương tinh giản biên chế, ông bảo: “Tôi tin rằng, đất nước ta sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển mới, bắt đầu từ việc thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm”.

HÀN GIANG

Trải qua nhiều trận chiến, chứng kiến nhiều mất mác hy sinh, đảng viên Nguyễn Văn Hòa càng sắt son niềm tin vào Đảng. Ảnh: D.L
Ông Nguyễn Văn Hòa luôn sắt son niềm tin vào Đảng. Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Văn Hòa:

Son sắt một niềm tin

Sinh ra trong hoàn cảnh quê hương loạn lạc chinh chiến, khi 20 tuổi, ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1944, ở thôn 5, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước) xung phong tham gia du kích địa phương, sau đó đi bộ đội ở Trung đoàn 21 Sư đoàn 2.

Ông Hòa cùng đồng đội đi khắp các chiến trường, từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, lên Kon Tum. Những trận đánh vang danh của Trung đoàn 31 không thể thiếu vai trò của ông Hòa và đồng đội - những người lính trinh sát trận địa, chuẩn bị chiến trường cho các đợt tấn công địch.

Nhiều lần bị thương ở nhiều trận chiến khác nhau, nhưng trận bị thương nặng nhất là khi ông Hòa đảm nhận nhiệm vụ mũi trưởng đánh vào trung tâm chỉ huy điện đài và trận địa pháo của địch ở chiến dịch Đắk Glây, Kon Tum vào tháng 6/1968.

Sau đợt này, do sức khỏe suy giảm nên ông về lại địa phương vào năm 1969, tham gia đội công tác ở xã Tiên Lộc. Trong một lần đi công tác, ông Hòa bị thương do địch phục kích, bị bắt và đày đi Côn Đảo, đó là năm 1971.

Khoảng thời gian ở tù Côn Đảo 1971 - 1973, ông Hòa kể lại: “Lúc đó tôi và nhiều đồng chí của mình bị địch tra tấn dã man, chúng chích điện, đánh, gông cùm chiến sĩ của ta hòng khai thác thông tin. Nhưng lúc đó chúng tôi quyết không khai dù tính mạng trong tay chúng.

Tưởng chừng đã chết ở Côn Đảo, nhưng nghĩ lại cũng thật không biết sức mạnh ở đâu mà tôi còn sống để được trao trả tự do vào năm 1973. Sau khi về, điều dưỡng một thời gian thì tôi lại tham gia đội công tác, tiếp tục nhiệm vụ trinh sát chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch lớn nhất của toàn dân tộc vào mùa xuân năm 1975, chiến dịch giải phóng quê hương thống nhất đất nước”.

Ngày 8/3/1975, khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở chiến trường thì ông Hòa nhận được Quyết định kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên chiến địa, không thể tổ chức lễ kết nạp, không có lời tuyên thệ dưới cờ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng trong tim người chiến sĩ cộng sản, lời tuyên thệ đanh thép nhất là quyết tâm chiến đấu thắng giặc trận quyết định này.

Lúc này, Chi bộ Đảng xã Tiên Lộc có 5 người do đồng chí Nguyễn Hữu Phước làm Bí thư, đã dẫn dắt mũi tấn công từ Tiên Lộc lên, để phối hợp với các mũi tấn công khác vào giải phóng quận lỵ Tiên Phước ngày 10/3/1975.

Sau giải phóng, ở nhiều vị trí công tác, ông Hòa cùng quân và dân Tiên Lộc lại đoàn kết, đồng lòng khắc phục hậu quả bom mìn, khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất, xây dựng chính quyền cách mạng. Tròn 50 năm giải phóng quê hương, cũng là 50 năm gắn bó sắt son với Đảng của người đảng viên Đảng Cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Hòa.

DIỄM LỆ

Ông Thiệt vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm thời binh nghiệp. Ảnh: N.T
Ông Đặng Mậu Thiệt vẫn lưu giữ những kỷ niệm thời binh nghiệp. Ảnh: N.T

Ông Đặng Mậu Thiệt:

Giữ trọn lời tuyên thệ vào ngày 30/4/1975

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Đặng Mậu Thiệt (SN 1950, khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) mới 16 tuổi đã gia nhập du kích địa phương.

Ngày 22/2/1968, ông gia nhập đơn vị C1 thuộc Cơ quan Quân sự huyện Duy Xuyên, tham gia chiến đấu ở chiến trường khu Trung và khu Tây. Trong đó, phải kể đến trận phục kích địch ở cống Định, tiêu diệt một Trung đội Mỹ - ngụy; hay trận đánh tấn công vào trụ sở quận bộ Quốc dân đảng Đức Dục…

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Đặng Mậu Thiệt luôn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc nên được tổ chức xem xét, kết nạp Đảng. Và ngày ông được tổ chức kết nạp vào Đảng là một ngày quá đặc biệt, bởi đó cũng là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Thiệt chia sẻ: “Tám giờ sáng 30/4/1975, chi bộ tiến hành tổ chức Lễ kết nạp đảng viên. Đọc lời tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi.

Từng câu, từng chữ luôn hằn sâu trong tim, hun đúc ý chí và tạo động lực để tôi cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp, vì Đảng. Lời thề ấy chính là lời hứa trước Đảng, trước chi bộ; là cam kết về lòng trung thành, ý chí phấn đấu suốt đời vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Kết thúc buổi lễ hôm đó, người nắm tay, người ôm chặt, chúc mừng. Tôi cảm nhận niềm sung sướng và tự hào như được tiếp thêm động lực, niềm tin vững bước trên chặng đường phía trước, nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Niềm vui, vinh dự của ông Thiệt càng nhân lên gấp bội khi ngay sau đó, các binh đoàn chủ lực của ta trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của địch, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1993, ông Thiệt nghỉ hưu theo chế độ và được công nhận thương binh. Trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn tích cực đóng góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Ông còn được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Xuyên Tây (nay là khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước).

Năm 2025 đánh dấu tròn “50 mùa xuân” dâng Đảng. Với ông Thiệt, lời thề dưới cờ Đảng năm ấy vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính Cụ Hồ.

MAI NHI - PHI THÀNH

Ba Hai2
Bà Hải nâng niu Huy hiệu 45 năm tuổi đảng được tặng vào năm 2020. Ảnh: GIANG NGỌC

Chuyện “O du kích nhỏ” ở xứ Quảng

“Để vào Đảng, chúng tôi phải trải qua những đợt thử thách cam go. Sau chiến thắng Thượng Đức, tôi cùng một nữ du kích khác được cấp trên giao nhiệm vụ áp giải 82 tù binh lên An Điềm. Đó là thử thách quyết định để chúng tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Ở tuổi 73, nhưng bà Huỳnh Thị Hải (trú thôn Ban Mai, xã Ba, Đông Giang) vẫn nhớ như in thời khắc bà được giao nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng sau chiến thắng Thượng Đức năm 1974. Nhiệm vụ này, theo mô tả của bà Hải, là hành trình thử thách, trước khi bà được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Hải quê ở Duy Phước (Duy Xuyên). Năm 1972, chiến tranh ác liệt, đang là du kích xã, bà Hải được tổ chức cử học lớp bổ túc văn hóa tại Thạnh Mỹ (Nam Giang). Học được một thời gian, bà Hải lên cơn sốt cao liên tục nên việc học cũng bị gián đoạn.

Một năm sau đó, tức năm 1973, bà Hải được phân công sang Ban sản xuất Quảng Đà (thành lập ngày 12/3/ 1973, đến năm 1975 đổi tên thành Nông trường quốc doanh Quyết Thắng) tại Đông Giang, làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, tham gia hoạt động sản xuất, trước khi được điều động “thử thách” trong Chiến dịch Thượng Đức vào cuối năm 1974.

“Hồi tham gia Chiến dịch giải phóng Thượng Đức, chúng tôi đi tuyến sau với nhiệm vụ ban đầu là giúp dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Sau đó, tôi cùng với Nguyễn Thị Hải, quê ở Đại Lộc được giao nhiệm vụ áp giải 82 tù binh từ Thượng Đức lên An Điềm.

Suốt chặng đường đi, chúng tôi vai đeo gùi, tay cầm súng “dắt” tù binh mà không dám lơ là. Lên tới nơi, rất nhiều người bất ngờ, vì không nghĩ hai nữ du kích nhỏ bé lại có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này” - bà Hải kể.

Kết thúc quá trình thử thách đầy can đảm, bà Hải trở về lại Nông trường Quyết Thắng tiếp tục nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Thời điểm đó, khu vực Trung Mang núi đồi hoang hóa một miền rừng. Dân cư thưa thớt, gần như chỉ có duy nhất “làng nông trường” tồn tại.

Trước khi đi trận Thượng Đức, bà Hải có hơn 3 tháng tham gia lớp cảm tình Đảng. Trở về sau chuyến đó, bà vinh dự được Chi bộ Đội 6 - Nông trường Quyết Thắng kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

“Tôi nhớ lúc đó, lễ kết nạp được tổ chức vào đêm 2/2/1975. Trang nghiêm lắm. Cả chi bộ Đội 6 tham dự. Sở dĩ tổ chức kết nạp vào ban đêm, vì ban ngày phải làm nhiệm vụ sản xuất” - bà Hải nhớ lại.

Thời gian trôi nhanh, thoáng chốc đã tròn 50 năm ngày bà Hải được kết nạp Đảng. Hơn nửa đời người vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nhưng mỗi khi nhắc lại phút giây ấy, bà Hải đều vẹn nguyên ký ức. “Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, với tôi là niềm hạnh phúc lớn nhất, cả đời không thể nào quên” - bà Hải cầm thẻ đảng viên trên tay, nói trong niềm xúc cảm tự hào.

GIANG NGỌC

Ong Chien
Đảng viên Nguyễn Ngọc Chiến (sinh hoạt tại Chi bộ Khối phố 2, phường Vĩnh Điện) chia sẻ câu chuyện xây dựng Đảng từ 50 năm trước. Ảnh: T.ĐỒNG

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - chuyện từ 50 năm trước

Xuân Ất Tỵ 2025, vừa tròn 50 năm quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, trên hành trình tìm gặp những đảng viên Quảng Nam được kết nạp vào Đảng năm 1975, chúng tôi có dịp được nghe câu chuyện xây dựng Đảng của năm đầu giải phóng còn soi rọi đến hôm nay.

Theo số liệu từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 279 đảng viên kết nạp vào Đảng năm 1975 còn sống, trong tổng số 380 người con ưu tú của quê hương được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong tháng năm lịch sử đó.

Qua hình ảnh những đảng viên chúng tôi có dịp được gặp, từng câu chuyện cá nhân của họ đã góp phần làm nên câu chuyện của Đảng bộ tỉnh trong năm đầu giải phóng, dựng xây cuộc sống mới. Và lát cắt chúng tôi đề cập ở đây là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở thời đoạn toàn Đảng, toàn dân vừa tập trung bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước khôi phục, xây dựng quê hương.

Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1949, sinh hoạt tại Chi bộ Khối phố 2, phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) chia sẻ, sau thời gian rèn luyện, thử thách tại Đội công tác xã Điện Minh (nay là phường Điện Minh), ngày 15/2/1975 ông vinh dự được tổ chức kết nạp vào Đảng. Sau ngày quê hương giải phóng, đâu đó cũng có số rất ít cán bộ, đảng viên không tránh khỏi những dao động nhất thời, nhưng ngay lập tức Đảng đã có chỉnh đốn và sau đó tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả chỉnh đốn trong Đảng.

Căn cứ khoảng thời gian ông Chiến kể lại, để đảm bảo tính chân xác, chúng tôi lật giở Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, tìm về câu chuyện xây dựng, chỉnh đốn Đảng của năm 1975, càng cảm nhận rõ tính thời sự soi rọi đến hôm nay.

Chưa đầy 3 tháng sau ngày quê hương giải phóng, khi nhận thấy trong Đảng đã có những hiện tượng, tư tưởng sai trái trong nội bộ, ngày 18/6/1975 Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Chỉ thị số 31 để uốn nắn và ngăn chặn; kêu gọi cán bộ, đảng viên phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, khắc phục khó khăn, đoàn kết nhất trí, xây dựng quan điểm lập trường đạo đức cách mạng “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

Nếu như công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng được đẩy mạnh trong những năm gần đây, thì từ 50 năm trước, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà đã phát động trong toàn Đảng bộ phong trào tự phê bình và phê bình những tư tưởng sai lầm của từng cá nhân.

Trên cơ sở đó, tùy mức độ sai lầm mà kỷ luật trong nội bộ Đảng, cơ quan hoặc đưa ra truy tố. Từng cơ quan rà soát, kiên quyết đưa ra ngoài tổ chức những phần tử xấu, những phần tử cơ hội đã qua giáo dục vẫn không tiến bộ; thực hiện “4 quản”: quản lý tư tưởng, quản lý công tác, quản lý quan hệ, quản lý sinh hoạt.

Xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh từ chi bộ, chi bộ vững mạnh từ đảng viên, ngày 21/8/1975 Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Chỉ thị số 32 về đẩy mạnh cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và xây dựng chi bộ vững mạnh.

Mục tiêu chỉ thị đề ra là làm cho mỗi đảng viên thấm nhuần Điều lệ Đảng; xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, có uy tín trong quần chúng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng thực hiện có kết quả các chủ trương của Đảng. Đồng thời xây dựng mỗi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở.

Đến ngày 2/10/1975, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Chỉ thị số 37 yêu cầu từng chi bộ, tổ đảng tiến hành họp, soát xét lại tình hình từ sau khi học tập Chỉ thị số 31 ngày 18/6/1975. Toàn Đảng bộ tổ chức nghiêm túc công tác đánh giá tình hình đấu tranh trong nội bộ cơ quan, đơn vị và công tác quản lý, giáo dục, kiểm tra đảng viên ở từng chi bộ, tổ đảng…

Từ câu chuyện xây dựng Đảng 50 năm trước, ở thời điểm được xem là cam go nhất, soi chiếu vào hôm nay để mỗi đảng viên càng thêm phấn đấu luyện mình.

TRƯỜNG ĐỒNG



Nguồn: https://baoquangnam.vn/ngay-ay-chung-toi-vao-dang-3148440.html

Comment (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available