탄 땅에 있는 광중 황제의 표식

Việt NamViệt Nam07/02/2025


Trên đường thiên lý tiến ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-1792) cùng đoàn quân Tây Sơn đã để lại nhiều dấu ấn ở mảnh đất xứ Thanh.

Dấu ấn của Hoàng đế Quang Trung trên đất xứ ThanhĐền thờ Quang Trung (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn).

Theo sử sách ghi lại, vào cuối năm 1788, khi nhận được sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh đem 29 vạn quân ồ ạt tiến vào nước ta nhằm tiêu diệt phong trào Tây Sơn. Nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm lúc này đang chỉ huy trấn giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung; đồng thời làm lễ xuất quân ra Bắc để chặn đứng cuộc xâm lăng của quân Thanh. Cuộc đại phá quân Thanh được thực hiện trong 5 ngày, mở đầu là đêm giao thừa và kết thúc vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ trên mình voi với chiếc áo bào tiến vào Thăng Long trong niềm vui hân hoan chào đón của muôn dân.

Dọc đường hành binh, đại quân của hoàng đế Quang Trung đã dừng lại ở vùng đất Biện Sơn (thuộc Nghi Sơn ngày nay), Thọ Hạc (TP Thanh Hóa), Tam Điệp - Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn)... xứ Thanh.

“Đại Nam nhất thống chí”, Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: Từ đầu đời Gia Long, triều Nguyễn đã cho xây đảo Biện Sơn tại cửa Bạng “chu vi 58 trượng, 8 thước, 8 tấc; cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, 1 kho thuốc súng”. Đến đời Minh Mạng (năm thứ 9) cho xây “pháo đài Tĩnh Hải ở Biện Sơn, chu vi 11 trượng 8 thước; cao 5 thước, 5 tấc; có một kỳ đài, một nhà quân và 4 khẩu đại bác”. Với địa thế hiểm yếu, nằm giữa biển khơi, có núi bao bọc, kín gió, từ trên cao dễ bề quan sát kẻ thù, vùng đất Biện Sơn được hoàng đế Quang Trung xác định là phòng tuyến quân sự quan trọng.

Thắng lợi giòn giã, Quang Trung đã không quên những ân điển dành cho một số địa phương nơi đại quân đã dừng chân, trong đó có Biện Sơn, vùng đất giữ vai trò vị trí quân sự chiến lược quan trọng. Và để ghi nhớ công ơn của ông, Nhân dân đã lập đền thờ tại bờ biển, gần căn cứ thủy quân Biện Sơn thời bấy giờ (nay là xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn).

Về xã đảo Nghi Sơn, chúng tôi được ông Lê Văn Cường, công chức văn hóa - xã hội xã Nghi Sơn dẫn đi tham quan những hiện vật như bia đá, đôi voi đá cổ, tượng đá và khẩu thần công được xác định có từ lúc khởi dựng đền thờ; xem và giới thiệu về những chiếc giếng vuông do người Chăm tạo dựng với mục đích phục vụ đời sống sinh hoạt của quân Tây Sơn. Năm 2024, Lễ hội Đền thờ Quang Trung ở Lạch Bạng và Cù Lao Biện (Biện Sơn), phường Hải Thanh và xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trên con đường ra Bắc, hoàng đế Quang Trung đánh giá cao kế hoạch của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm: “Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho quân giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng!” (Hoàng Lê nhất thống chí). Trong kế sách “lui một nước cờ” để chủ động ấy, ngoài quân thủy “chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển, đến vùng Biện Sơn mà đóng” thì quân bộ “sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường, lui về giữ núi Tam Điệp. Hai mặt liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu trên đường tiến quân ra Bắc Hà để tiêu diệt quân Thanh”.

Dừng chân ở Tam Điệp - Bỉm Sơn chỉ có 10 ngày (từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp năm Mậu Thân). Thời gian quá ngắn nhưng đại quân Tây Sơn đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa ở mảnh đất Bỉm Sơn. Tại đây, Bộ Chỉ huy quân Tây Sơn đã dành thời gian xem xét tình hình địch, ta; chuẩn bị hậu cần chu đáo. Hình thành, bổ sung và quyết định phương lược tác chiến một cách tự tin.

Đã 236 năm Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn dừng chân ở Tam Điệp - Bỉm Sơn nhưng dấu ấn của vị hoàng đế áo vải vẫn còn hiện hữu tại đình làng Gạo, đồi Ông Tập, đồi Ông Đùng, đập Chắn Voi, suối Khởi Thủy, suối Ngọc, đồng Càn Chuối, đồng Cắm Cờ, núi Tượng Sơn, núi Kỳ Sơn, động Trình, động Cửa Buồng, đền Chín Giếng, đền Sòng Sơn, đền Cây Vải (Trà Sơn Miếu), Nhà bia Ba Dội (còn có tên khác là Tam Điệp - nơi giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình)...

Ngày nay đến các di tích này, người dân vẫn kể cho nhau nghe về đền Sòng Sơn, hoàng đế Quang Trung và các tướng sĩ đã vào đây cầu khấn Thánh Mẫu Liễu Hạnh phù hộ; đình làng Gạo - nơi tích trữ lương thực của nghĩa quân; đình làng Nghĩa Môn - nơi Tiên Nữ Ngọc Thủy Tinh công chúa báo mộng hiến kế cho Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt giặc Thanh; động Cửa Buồng - nơi hoàng đế và các tướng lĩnh luận bàn kế sách đánh địch; suối Khởi Thủy có dòng nước thanh mát và đặc biệt không bao giờ cạn, được ví như tinh thần quyết chiến quyết thắng của nghĩa quân Tây Sơn...

Về thăm động Cửa Buồng, nằm trên địa phận phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), nơi hoàng đế Quang Trung cắm cờ hiệu khi dừng chân, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện lịch sử ly kỳ. Động Cửa Buồng là một hệ thống hang động gồm các động Đào Nguyên, động Trình, động Người Xưa, động Cô Tiên và động Quang Trung tối linh. Trong đó, động Trình, là nơi hoàng đế Quang Trung hội họp quan tướng, bàn việc quân cơ. Các tướng thường xuyên tới yết kiến và tâu trình với hoàng đế về tình hình quân lương, tiếp nhận lính mới để chuẩn bị tiến quân ra thành Thăng Long dẹp giặc; Quang Trung tối linh động - nơi hoàng đế lập đàn tế trời đất và cầu thần linh phù trợ, để quân Tây Sơn hành quân thần tốc ra Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh xâm lược.

Dấu ấn của Hoàng đế Quang Trung trên đất xứ ThanhBia Tây Sơn trên 230 năm tuổi tại đền Phúc.

Bất kể nơi nào hoàng đế Quang Trung và đại quân Tây Sơn dừng chân, chiêu mộ thêm binh lính, họ đều để lại những dấu ấn văn hóa rõ nét. Từ Biện Sơn trở ra, đến vùng đất Quảng Nham ngày nay, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã 2 lần dừng chân. Lần đầu tiên khi tiến ra Bắc với lá cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ đã vào đền Mom dâng hương và hội quân thủy bộ. Sau ngày chiến thắng trở về, Nguyễn Huệ đã ban sắc trùng tu lại đền, đồng thời cho người soạn và khắc văn bia vào đá ban tặng và cho đổi tên thành đền Phúc từ đó. Lần thứ 2 chính là cuộc hành quân thần tốc ra Bắc, hoàng đế Quang Trung lại dừng chân vào đền dâng hương, tuyển mộ thêm trai tráng cùng chinh phạt quân Thanh.

Ngoài ra, địa danh Thọ Hạc (TP Thanh Hóa) còn “chứng kiến” lễ Thệ sư của hoàng đế Quang Trung. Tại đây, ông dõng dạc tuyên bố: “Bớ chư quân, phàm ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lạ đâu” (theo sách: “Lê Quý kỷ sự” - tác giả: Nguyễn Thu). Cũng trong đại lễ, hoàng đế Quang Trung đanh thép khẳng định quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho chúng chích luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Trải qua sự biến thiên của thời gian, rất nhiều địa danh đã từng được ghi trong sử sách nay có thể còn, có thể mất, song con đường thiên lý mà người anh hùng áo vải cờ đào - hoàng đế Quang Trung năm nào đi qua trên đất xứ Thanh đã để lại không ít dấu ấn, không ít huyền thoại và không ít những công trình, di tích lịch sử.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dau-an-cua-hoang-de-quang-trung-nbsp-tren-dat-xu-thanh-238944.htm

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available